Hồi trước đến giờ tôi ít quan tâm đến giới showbiz và lại càng không theo dõi chuyện cô Nguyễn Phương Hằng đang "nổi đình nổi đám" thời gian qua - với những tố cáo, lật mặt và tuyên chiến với những người có liên quan với cô ấy.

Nhưng tôi cũng không đành làm ngơ trước những thông tin có phần chỉ trích nặng nề với nghệ sĩ hài Hoài Linh. Cậu bị cho là muốn ỉm số tiền từ thiện dành cho đồng bào miền Trung bị thiên tai từ năm ngoái.

Sở dĩ tôi viết bài này không ngoài mục đích mong muốn mọi người có cái nhìn khách quan và hiểu hơn về Hoài Linh, một người có thể coi là rất thân thiết với gia đình tôi qua người mẹ của cậu ấy và thuở thiếu thời sống gần nhà nhau.

{keywords}
Hoài Linh bên gia đình bố mẹ và em trai út - ca sĩ Dương Triệu Vũ. 

Những năm tháng đói nghèo thời bao cấp thập kỷ 80 khiến hai gia đình chúng tôi trôi dạt từ miền Trung vô sống ở vùng đất cao su hẻo lánh Dầu Giây, Đồng Nai. Cả hai gia đình chân ướt chân ráo, tứ cố vô thân dễ đồng cảm với nhau ở đất khách quê người, thế là thành chị thành em.

Mẹ tôi lớn tuổi hơn nên cô Lệ Phương (mẹ Hoài Linh) gọi là chị. Không đến mức ngọt bùi chia sẻ cùng nhau nhưng có thể nói tình thân thiết như chị em ruột, giúp nhau qua lại những khi ngặt nghèo.

Tuổi thơ tôi may mắn hơn Hoài Linh là không phải lo chuyện thiếu đói. Cũng đông con như nhau, nhưng mẹ tôi giỏi chạy chợ, vì vậy tạm lo cho cuộc sống chúng tôi ổn định. Cô Lệ Phương là Cán sự y tế trước năm 1975. Cô mù mờ về việc buôn bán nên chỉ đi chích dạo và bán thuốc chữa một số bệnh thông thường.

Hoài Linh 11- 12 tuổi ngoài giờ đi học còn phải chạy ngoài đường, trên đầu đội thúng chôm chôm bán cho khách vãng lai để phụ giúp mẹ nuôi các em. Phải công nhận một điều, cái tài về nghệ thuật của Hoài Linh bộc lộ từ lúc đó...

Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước không có nhiều trò chơi giải trí cho tuổi thơ, Hoài Linh cùng với các bạn cùng lứa tuổi tụ tập với nhau những buổi tối rảnh để diễn tuồng, bắt chước trên ti vi coi ké nhà một người bạn. Chủ yếu là Hoài Linh và Phúc "dẻo" (một người bạn thuở thiếu thời của Hoài Linh) diễn xuất tất cả các vai. Không có đạo cụ, không có trang phục hóa trang, cả hai tự trang điểm, tự soạn tuồng, phân vai. Vậy mà cũng xôm tụ ra trò và gây được nhiều thích thú cho bạn bè cùng với người lớn đến xem.

Một thời gian sau, cả gia đình Hoài Linh về lại quê cũ (Khánh Hòa). Từ đó, cả hai gia đình chúng tôi bặt tin tức. Chỉ đến khi nghe tin Hoài Linh trở nên nổi tiếng ở Mỹ nhờ diễn hài, gia đình tôi mới biết thông tin cả nhà họ đã di cư sang hải ngoại. Cũng mừng cho gia đình cô ấy không còn vất vả mưu sinh. Thỉnh thoảng, Hoài Linh về Việt Nam lưu diễn, dù bận ra sao, cậu ấy cũng sắp xếp về Dầu Giây thăm bà con hàng xóm và thắp hương trong khu mộ của gia đình.

{keywords}
Bài thơ "Quảng Nam" do Hoài Linh sáng tác và đấu giá thu về 700 triệu đồng trong một chương trình gây quỹ ủng hộ đồng bào chống dịch. 

Vẫn sự bình dị, có phần đơn giản như xưa, Hoài Linh hầu như được mọi người quý mến. Cậu ấy không quên một ai, nhất là mẹ tôi. Không ít người dân nghèo khổ ở đây được Hoài Linh âm thầm giúp đỡ về vật chất, cậu ấy chưa bao giờ phô trương chuyện này, chỉ những người chịu ơn kể cho mọi người nghe.

Bản thân tôi chưa bao giờ tiếp xúc trực tiếp với Hoài Linh. Phần là thế hệ đàn anh, phần do tính chất công việc và tôi cũng không thích cách diễn hài của Hoài Linh. Vì vậy dù hai gia đình thân thiết, tôi và Hoài Linh gần như xa lạ.  

Mãi đến ngày mẹ tôi mất (2003), Hoài Linh và người chị đầu (Võ Phương Trâm) đem vòng hoa của ba mẹ ở Mỹ gởi về để phúng điếu mẹ tôi và chia buồn với gia đình, tôi mới trao đổi với cậu ấy vài ba câu chuyện xã giao. Điều đặc biệt khi hay tin Hoài Linh về, người dân ở đây tự tìm đến thăm. Đây không phải hiếu kỳ, mà thực sự nó là tình cảm thân thương mọi người dành cho Hoài Linh.

Nhắc lại vụ 13 tỷ, tiền cứu trợ bảo lụt cho nhân dân miền Trung mà Hoài Linh được những nhà thiện nguyện gởi gắm. Việc cậu ấy chậm chuyển số tiền này đến đồng bào trong thời điểm khốn khó rõ ràng là không thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta cũng không nên vội vàng kết luận, cho rằng Hoài Linh muốn ăn chặn số tiền này.

{keywords}
Hoài Linh vướng ồn ào xung quanh việc từ thiện. 

Khi phát động và công bố tổng số tiền huy động 13 tỷ cho chương trình bác ái, Hoài Linh đã mặc nhiên công khai và minh bạch trên tinh thần tất cả cho tình yêu thương "Bầu ơi thương lấy Bí cùng...". Và xét cả quá trình hoạt động thiện nguyện của Hoài Linh suốt mấy chục năm trời, tôi tin rằng, Hoài Linh không ngu dại gì đánh đổi lương tri, nhân phẩm, đạo đức mà cậu ấy đã dày công gầy dựng chỉ với số tiền 13 tỷ. Nó không đáng và càng không phải tính cách của cậu ấy.

Tôi không đồng tình với bài báo của một tác giả rằng: "Hoài Linh chỉ vô tâm". Không! Tôi khẳng định Hoài Linh không vô tâm. Với một con người không quên những ân tình nhận được từ thời khốn khó, không quên bạn bè thuở thiếu thời thì không thể nói là vô tâm.

Hãy để cho Hoài Linh tự lên tiếng giải thích sự việc này với một lời xin lỗi chân thành. Và chúng ta cũng đừng vội phán xét, hãy nhìn nhận vấn đề với sự bao dung và thấu cảm giữa lúc chúng ta cần tình yêu thương hơn bao giờ hết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và hoành hành. Ông bà ta có câu "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại".

Để kết thúc bài viết này, tôi đăng bài thơ Ai phán xét cho ta đã được Nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc Bài Không Tên 89

"Có đôi lúc

Tôi viết Bài tình ca

Không để cho ai

Cũng chắng riêng người nào

Những khi ấy

Tôi xin cùng Thượng đế

Chia sẻ tình mình ra khắp thế gian.

 

Chúa vẫn yêu đều mọi người,

Vẫn mưa Ơn cho trần gian.

Tôi là ai mà nhiều ước vọng,

Tôi chẳng là gì mà phán xét ai.

 

Cứ ước mơ đời còn dài.

Cứ cho đi sẽ được cho.

Cứ rộng tha để được tha tội.

Điểm cuối cùng ai phán xét cho ta.

(Điểm cuối cùng xin Chúa xét cho ta)"

Nhà văn Lê Viết Hòa

Elvis Phương viết tâm thư cho Hoài Linh: Đừng dồn cậu ấy vào chân tường

Elvis Phương viết tâm thư cho Hoài Linh: Đừng dồn cậu ấy vào chân tường

Elvis Phương viết tay 5 trang thư để nói về con người Hoài Linh và xin khán giả đừng dồn Hoài Linh vào chân tường.