Đã nhiều lần anh im lặng trước nó, một bức tranh nào vừa vẽ xong còn chưa khô màu hoặc thậm chí bức nào đó đã vẽ từ lâu. Dường như tất cả đã được bày ra trên toan, như một bữa tiệc thịnh soạn của thị giác, và chỉ còn lại trong họa sĩ trạng thái lặng lẽ hoan hỉ của kẻ vừa là đầu bếp vừa là thực khách…

Đi tìm những chiếc bóng

Sinh năm 1974 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1997, Phạm Hà Hải được biết đến như một họa sĩ có những hoạt động đa dạng trong các loại hình hội họa, đồ họa, sắp đặt, trình diễn và nghiên cứu phê bình mỹ thuật. Mặc dù hiện tại công việc tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chiếm khá nhiều thời gian nhưng anh vẫn chứng tỏ là nghệ sỹ có nhiều sáng tác và tham gia các hoạt động giới nghề chuyên nghiệp.

Anh từng có một triển lãm cá nhân năm 1998, tham gia nhiều triển lãm nhóm trong, ngoài nước và đoạt một số giải thưởng về mỹ thuật, có tranh trong Sưu tập bảo tàng, Nhà Quốc hội, các gallery trong nước, quốc tế và các sưu tập tư nhân. Với anh, sự nghiệp là hành trình vô tận, 15 năm trở lại đây anh chọn cho mình việc vẽ hàng ngày trên tấm toan. Và khi đêm xuống là lúc người họa sỹ sống trọn vẹn với thế giới của mình.

{keywords}
Chân dung họa sĩ Phạm Hà Hải 

Anh nói, khi vẽ, hạnh phúc nhất là lúc vừa kết thúc những nét cuối cùng để hoàn thành một bức tranh. “Đó là cảm giác được dâng cạn sức. Được đi đến cùng trong cảm xúc và kiếm tìm nắm bắt những sự phát triển ngôn ngữ”.

Gần đây, Phạm Hà Hải suy ngẫm nhiều về cuộc chơi giữa hình và bóng. Hình hiện hữu đấy nhưng dễ thay đổi. Bóng còn biến ảo hơn vì phụ thuộc vào hình ở nhiều góc nhìn. Nhưng cốt lõi của sự vật lại chính là cái bóng của nó, thứ sẽ lưu lại trong kí ức, trong cảm nghiệm cùng với thời gian chứ không phải cái thực thể vô thường kia. Chính bởi vậy mà người họa sĩ đi tìm nó, giống như đi tìm sự bất hoại của vạn vật và sự bất tử của những giá trị tinh thần.

Bức vẽ giỏ hoa in bóng trên tường như đùa nghịch hôm ấy khi giải quyết phần bóng đã khiến họa sỹ chợt nhận ra rồi suy ngẫm và đã khởi đầu cho loạt tranh về hình và bóng, để rồi trong một lần ghé qua Tháp Chàm ở Quy Nhơn, anh hiểu rằng dẫu những tường vách nguy nga đã sụp đổ, dẫu cả một vương triều huy hoàng đã lùi sâu vào quá vãng, thì vẫn còn đây, giữa trời Quy Nhơn xanh thắm, một cái bóng của người-khổng-lồ-quá-khứ, cái bóng bất tử của một nền văn hóa rực rỡ, cái bóng của di sản.

Và bức tranh Bóng di sản đã ra đời, sau hàng tháng trăn trở về những ám ảnh của quá khứ, những huyền sử lung linh của một dân tộc đầy bản sắc, nỗ lực của con người hiện đại trong việc tiếp nối những mạch nguồn từ lịch sử… 

Tôi nhận ra, bóng quan trọng hơn hình. Bóng là cái phần tinh thần được tích tụ. Còn di sản là nguồn mạch, là phần tích ngầm chi phối con người trong ứng xử nhân văn. Bức này khởi hứng từ Tháp Chàm. Chính từ giữa đống đổ nát hoang phế đầy tàn tích ấy, tôi tìm thấy sự lặng lẽ hiện tồn của di sản, của tinh thần Chăm-pa, và tôi tìm thấy sự đồng điệu với tâm hồn mình”, họa sĩ Phạm Hà Hải tâm sự.

Và Hà Hải đã trở thành người đi tìm những chiếc bóng. Không chỉ trong những tranh vẽ về chủ đề này, mà trong nhiều bức khác, về khía cạnh nào đấy đều là những chiếc bóng được họa sĩ nhìn từ góc này hay góc khác. Khi Hà Hải vẽ sen, anh không khai thác hình của bông hoa sen như những gì con mắt thông thường có thể nhận thấy.

Với anh, thứ dễ dàng nhìn được bằng mắt thường, hay nói cách khác, hình của một sự vật, chưa chắc đã bộc lộ chân tướng và bản chất của sự vật đó. Anh luôn tìm bóng của nó, tức cái phần tinh thần mà nó để lại ngay cả khi nó không còn hiện hữu giữa nhân gian. Như những đóa sen, chúng đã nở trong tranh của Hà Hải không theo cách chúng tác động vào thị giác chúng ta như trong đời sống thực. Chúng là một hiện thực khác, thứ hiện thực đã được họa sĩ soi thấu và tái hiện lại qua tư duy thẩm mỹ cá nhân. Và nếu không có những bức tranh như vậy, chúng sẽ vĩnh viễn bị cái hiện thực thô thiển của phần hình kia chiếm lĩnh và che lấp. 

Cuộc đối thoại bất tận với nghệ thuật

Hà Hải không miêu tả thế giới, anh chỉ gợi cảm giác về nó. Những bức tranh trừu tượng như Tre, Giao mùa, Sen hồng, Mặt nước số 6… đã gợi ra một thế giới được nhìn từ bên trong, bằng tâm tưởng. Anh nói, khi anh vẽ sen là muốn đưa ra cảm nhận về sen, rồi đến lúc chính anh cũng là nó. Và như vậy trong từng mảng màu, nét cọ, người họa sĩ đã vẽ nên chính mình.

{keywords}
Tác phẩm "Mặt nước số 6"

Nghệ thuật luôn là thế giới của những dấu ấn cá nhân, và suy cho cùng mỗi tác phẩm chính là sự tỏ bày của tâm hồn nghệ sĩ. Trong cái thế giới bí ẩn, mong manh và đẹp đẽ ấy, Hà Hải đã chọn cho mình một góc để chìm đắm và nuôi dưỡng, mà theo anh, nhất định nó phải được bộc lộ trên mặt toan, đầy cảm xúc nhưng lịch duyệt.

Tính cô đọng của nội dung, bảng màu nhẹ sáng, ưa những độ chênh nhẹ đôi khi gần đến sự tối giản của màu và hình khiến tranh Hà Hải thoạt nhìn như không thấy gì nhiều. Nó khiến người ta phải ngắm nhìn và suy tưởng để rồi thấy chiều sâu từ dấu vết những nét cọ, từ đó thấy một không gian hội họa của anh như một bữa tiệc thanh đạm mà sang trọng, nó gọi mời nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm.

Mỗi bức tranh là một cuộc phiêu lưu mà ở đó, người họa sĩ phải tham gia với một niềm đam mê và bên cạnh đó phải vận dụng trí tuệ vào việc tìm tòi sáng tạo nghệ thuật. Nhiều đêm như thế, Phạm Hà Hải thức trắng bên tấm toan trước mặt. Rồi có những khi, bắt được một ý tưởng nào đấy, những nét vẽ hiện dần lên trên nền vải, rồi bất chợt anh bị cuốn vào niềm đam mê ấy như “bị bức tranh lôi kéo”, anh nói.

Bất chợt một nét vẽ trở nên lóe sáng và đòi hỏi người họa sĩ phải phát triển bức tranh theo hướng của nó. Những ngã rẽ bất ngờ ấy thường mang lại cảm hứng lớn cho anh. “Tôi bị bức tranh lôi kéo vào thế giới của nó và bằng cách ấy, chúng tôi dường như đang đối thoại với nhau”, họa sĩ Hà Hải chia sẻ. Tác phẩm Giao mùa, bức tranh đoạt Huy chương đồng trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, đã được vẽ trong cuộc đối thoại thú vị ấy. Vẻ mong manh, mơ màng như gió, nhẹ và ấm như nắng đầu mùa, cái xôn xao của những chuyển động vô hình, cái mơ hồ của cảm xúc… đã được diễn tả rất tinh tế trong bức tranh. Phạm Hà Hải nói, đến tận giờ Giao mùa vẫn khơi gợi cho anh rất nhiều cảm hứng.

{keywords}
Tác phẩm "Giao mùa"

Cuộc đối thoại bất tận với những bức tranh đã mang lại cho người họa sĩ những niềm phấn khích, để anh tiếp tục công việc của mình trong lặng lẽ và hân hoan. Giống như cái dư âm ngọt ngào còn đọng lại trong không gian nhỏ bé ấm áp của căn phòng sau khi những phím dương cầm cuối cùng đã lịm tắt. Giống như một nhánh hương thảo được đặt xuống bên bàn ăn đã được sửa soạn biện bày đẹp mắt. Nó nhỏ bé giữa bữa tiệc thịnh soạn, nhưng tỏa ngát hương thơm.

Phạm Quỳnh An