“Bí mật kép” của bức tranh mất tích suốt 23 năm đáng giá 1.500 tỷ đồng - 1

Bức “Chân dung một quý bà” đã bị thất lạc suốt 23 năm, giá trị bức tranh được xác định vào khoảng 66 triệu USD (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng)

Bức “Chân dung một quý bà” đã bị thất lạc suốt 23 năm, giá trị bức tranh được xác định vào khoảng 66 triệu USD (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng). Mới đây, một sự tình cờ hy hữu đã khiến một người làm vườn tại triển lãm bất ngờ tìm thấy lại bức tranh, khi nó đang được cất kín trong một góc bí mật ở chính trong triển lãm, nơi bức tranh trước đó từng được trưng bày rồi bị đánh cắp.

Hiện tại, cảnh sát Ý đang điều tra vụ việc. Bức “Chân dung một quý bà” là một trong những tác phẩm nghệ thuật bị mất tích được tìm kiếm nhiều nhất thế giới, kể từ sau khi bức tranh bị đánh cắp hồi năm 1997.

Hồi tuần qua, một người thợ làm vườn khi đang dọn dẹp những dây thường xuân bên một bức tường nằm phía bên ngoài của triển lãm nghệ thuật Ricci Oddi, thuộc phía bắc thành phố Piacenza (Ý), người này đã tìm thấy một tấm kim loại, khi nhấc tấm kim loại này ra, ông ta thấy một hốc tường, bên trong có một bức tranh được bọc kỹ.

Hiện tại, phía triển lãm quyết định không đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào cho tới khi tính xác thực của bức tranh được khẳng định, nhưng theo nhiều nguồn tin địa phương, hiện tại những kiểm tra ban đầu đã cho thấy rằng đây chính là bức tranh từng được danh họa Gustav Klimt thực hiện hồi năm 1917 trong những ngày tháng cuối đời.

“Bí mật kép” của bức tranh mất tích suốt 23 năm đáng giá 1.500 tỷ đồng - 2

Triển lãm nghệ thuật Ricci Oddi, thuộc phía bắc thành phố Piacenza (Ý)

Bức tranh này được xem là đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Gustav Klimt bởi ngay trước khi bức tranh biến mất, một sinh viên nghệ thuật đã nhận ra bức tranh này được vẽ đè lên một bức tranh khác trước đây vốn tưởng đã bị thất lạc, đó là một bức chân dung của một quý bà khác đã không được thấy xuất hiện trở lại kể từ năm 1912.

Điều này khiến bức “Chân dung một quý bà” trở thành tác phẩm duy nhất tính đến nay được biết tới với tư cách một “bức tranh kép” của Gustav Klimt.

Giám đốc triển lãm - ông Massimo Ferrari - chia sẻ với các tờ tin tức của Ý rằng có những con tem và dấu xi đằng sau bức tranh vừa được tìm thấy và những dấu hiệu ban đầu này đều là thật.

Các nhà điều tra hiện không loại trừ khả năng rằng bức tranh đã bị cố tình bỏ lại trong hốc tường bởi những kẻ trộm muốn đem trả lại tác phẩm.

“Điều này rất lạ kỳ bởi ngay sau vụ trộm, mọi ngóc ngách của triển lãm đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Điều kỳ lạ nhất chính là bức tranh khi được tìm thấy trở lại đang ở tình trạng rất lý tưởng. Điều này là không thể có nếu quả thực nó đã bị cất dấu trong hốc tường suốt 22 năm qua”, ông Jonathan Papamerenghi, thành viên Hội đồng thành phố Piacenza chuyên trách về lĩnh vực văn hóa cho hay.

“Bí mật kép” của bức tranh mất tích suốt 23 năm đáng giá 1.500 tỷ đồng

Vụ trộm tranh đã được phát hiện ra vào sáng ngày 22/2/1997, nhưng cảnh sát khi ấy tin rằng bức tranh đã bị đem đi từ ba ngày trước khi vụ việc được phát hiện. Các nhà điều tra khi ấy nghi ngờ vụ việc có sự hỗ trợ của “tay trong”. Vụ điều tra được tái khởi động hồi năm 2016 sau khi phát hiện ra dấu vết DNA của kẻ trộm trên chiếc khung tranh bị bỏ lại.

Cảnh sát tin rằng những kẻ trộm đã dùng cần câu để câu bức ra khỏi vị trí treo trên tường rồi đưa nó lên qua giếng trời, lên tới phần mái của triển lãm thì khung tranh bị gỡ ra và bỏ lại.

Ông Jonathan Papamerenghi khẳng định: “Nếu việc xác định thật giả khẳng định tính chân thực của bức tranh, đây sẽ là một phát hiện chấn động và chúng tôi sẵn sàng trưng bày bức tranh trong triển lãm ngay đầu tháng 1 tới đây. Chúng ta đang nói về một trong những tác phẩm hội họa bị đánh cắp được tìm kiếm nhiều nhất thế giới”.

Theo Dân trí

Hình ảnh ấn tượng trong triển lãm 'Những người làm truyền hình'

Hình ảnh ấn tượng trong triển lãm 'Những người làm truyền hình'

Triển lãm ảnh "Những người làm truyền hình" thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39.