Theo các chuyên gia, không gian trưng bày, hiện vật của bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, là công cụ hữu hiệu cho du khách ngắm nghía đa chiều các "báu vật" lịch sử. Nếu hệ thống bảo tàng của Việt Nam biết cách tận dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ, bảo tàng 3D không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà còn thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm hơn tới bảo tàng, đến văn hóa và lịch sử dân tộc.

Bảo tàng hưởng lợi kép từ ứng dụng công nghệ

Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro trong buổi Hội thảo về các phương pháp ứng dụng tại bảo tàng trong kỷ nguyên kỹ thuật số cho rằng các bảo tàng là thể chế quan trọng tạo cảm hứng và động lực để thúc đẩy và kết nối các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

{keywords}
 Bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, là công cụ hữu hiệu cho du khách ngắm nghía đa chiều các "báu vật" lịch sử.

"Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm phương thức mới để tiếp tục hoạt động trưng bày bảo tàng. Một trong những nỗ lực đó chính là triển lãm Magister Raffaello, do Đại sứ quán Italy tại Hà Nội tổ chức, với sự hỗ trợ từ UBND TP.Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội, nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất danh họa này. Triển lãm đã giúp khách tham quan có thêm trải nghiệm về cuộc đời danh họa cũng như có những khám phá với công nghệ mới nhất được áp dụng tại đây", Antonio Alessandro chia sẻ.

Sau 2 tháng triển lãm đúc kết được một số kinh nghiệm cho thấy công nghệ đã đem lại những lợi ích đáng kể trong lĩnh vực văn hóa và bảo tàng nhằm truyền tải tới thế hệ trẻ vẻ đẹp của văn hóa, nghệ thuật, thông qua các tác phẩm từ quá khứ. Tuy nhiên, ông Antonio Alessandro vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu phương thức trưng bày tại triển lãm này đã là thông liệu tốt cho chúng ta trong thời kỳ công nghệ số hay chưa?...

Với bề dày văn hoá như Việt Nam, ông Antonio Alessandro cho rằng, triển lãm đạt được mục tiêu lớn hơn so với các trưng bày nghệ thuật. Đó là sự pha trộn giữa hình ảnh, thông tin đem lại trải nghiệm đắm chìm cho người tham quan, dẫn dắt họ qua một hành trình như họa sĩ đã trải qua trong cuộc đời mình, có thể đến những nơi họa sĩ từng sống và làm việc, thông tin về những họa sĩ cùng thời và xa hơn được trải nghiệm văn hóa thời Phục hưng tại Italy…

Cùng với trải nghiệm mới lạ, triển lãm Magister Raffaello thực sự có tính bền vững bởi công tác đóng gói, chuyên chở được thực hiện một cách tối ưu về mặt thời gian, khối lượng công việc và chi phí. Đó cũng là kinh nghiệm để các bảo tàng ở Việt Nam nghiên cứu có phương thức trưng bày sáng tạo thời gian tới.

Chấp nhận thử thách

Là người có kinh nghiệm trong quản lý bảo tàng và di sản văn hóa, chịu trách nhiệm chính về triển lãm Magister Raffaello, bà Jelena Jovanovic, Trưởng phòng Nội dung và chiến lược xuất bản Magister Art chia sẻ kinh nghiệm của mình khi tiến hành thực hiện triển lãm tại các bảo tàng, thường sẽ đưa ra cách tiếp cận từ dưới lên.

Nghĩa là dựa trên yếu tố con người và môi trường, đánh giá nhu cầu của con người khi đến tham quan triển lãm, sau đó tích hợp nghiên cứu với phát triển thử nghiệm, áp dụng đổi mới kỹ thuật số. Quá trình này, Magister Art quan điểm: "Công nghệ không phải là đích đến mà là công cụ phục vụ cho các diễn giải khác nhau". Bởi công cụ có thể thay đổi nhằm đạt được mục đích, phục vụ cho diễn giải hoặc thuyết minh khác nhau. Như vậy, triển lãm sẽ không chỉ đáp ứng cảm nhận trực tiếp mà còn có thể được tích hợp trong các không gian cho người tham quan trải nghiệm.

{keywords}
Triển lãm online về danh hoạ Magister Raffaello.

"Triển lãm không chỉ đáp ứng cảm nhận trực tiếp, mà còn tích hợp thêm không gian trải nghiệm, nhập va, mà kết quả cuối cùng là sự đồng sáng tạo của khách tham quan theo từng cấp độ cảm nhận khác nhau. Ngay từ ngày đầu chuyển đổi kỹ thuật số, chúng tôi đã chấp nhận các thử thách, nhấn mạnh giá trị, đưa ra giải pháp tài chính, hoạt động có sự gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực di sản văn hóa”, bà Jovanović chia sẻ thêm.

Bà Trần Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, theo dõi những tiến trình mà các đơn vị bảo tàng trên thế giới đang áp dụng, bà càng nhận ra rằng Bảo tàng Dân tộc học đã lạc hậu với thời cuộc. 

"Chúng tôi luôn đặt nghiên cứu học thuật song hành với nghiệp vụ bảo tàng, đây là điều bắt buộc, bởi các cứ liệu khoa học là nền móng cho các hiện vật đang và sẽ được trưng bày tại bảo tàng. Trong quãng thời gian Covid-19 ở Việt Nam buộc phải giãn cách xã hội, bảo tàng đã quay lại những thước phim quá trình sửa chữa các ngôi nhà truyền thống để đăng tải lên mạng cho công chúng. Nhưng chúng tôi không đủ nguồn lực để số hóa và đưa tất cả hiện vật lên mạng để mọi người có thể tham quan tại nhà. Thêm vào đó, nếu làm vậy chẳng khác nào chúng tôi đã ký một bản "tử hình" cho mình, vì chúng tôi vẫn phải dựa vào tiền bán vé để xoay sở tài chính cho các hoạt động của bảo tàng", bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà Hạnh, Bảo tàng đang gặp phải những hạn chế về nguồn lực, bao gồm việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí đầu tư duy trì và bảo dưỡng quá lớn, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu và yếu - đặc biệt là nhân lực về công nghệ cao, thêm vào đó những chuyên gia công nghệ cũng ít am hiểu về các hoạt động của bảo tàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: "Khó khăn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là kinh phí cho thiết bị. Toàn bộ hệ thống máy chủ và máy chiếu chuyên dụng lại lên tới hàng triệu USD, mua thì không có kinh phí, thuê cũng rất tốn kém. Nếu sử dụng ngân sách làm triển lãm mà không bán vé để thu hồi vốn rất khó thực hiện. Để tổ chức thành công một số cuộc triển lãm, bảo tàng đã phải liên hệ với một số nhà tài trợ, một số đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ miễn phí. Thêm vào đó, Bảo tàng cũng gặp khó khăn về nhân lực vận hành từ khâu chuẩn bị cho đến bảo trì, bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố".

Nhưng trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay đang đặt ra yêu cầu các bảo tàng không thể tiếp tục đứng im. Khó khăn về kinh phí, con người… cũng sẽ có thể vượt qua, nếu như ở những thiết chế văn hóa đặc thù này đều có sự thay đổi tư duy, nắm bắt thực tế để quyết tâm vặn mình, chuyển động.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, những khó khăn đó là cơ hội để các bảo tàng Việt Nam chọn lựa công nghệ phù hợp với đặc thù của mình.

"Trên thế giới hiện nay có khoảng 95 nghìn bảo tàng đã phải đóng cửa do Covid-19 và khoảng 10% trong số đó sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Dù nhiều bảo tàng đã nỗ lực trưng bày hiện vật lên mạng nhưng không phải bảo tàng nào cũng thành công. Các bảo tàng đang đối diện với một câu hỏi lớn: Cần phải đổi mới như thế nào để mang lại nhiều tương tác hơn, thu hút thêm nhiều sự quan tâm hơn? Tôi nghĩ để hỗ trợ các bảo tàng giải đáp điều này, TP.HN nên đưa ra những chương trình để kết nối các tổ chức nghệ thuật với trường đại học, viện nghiên cứu và cả công chúng". 

Đón đọc bài 3: Ngồi ở Việt Nam xem miễn phí bảo tàng hot nhất thế giới

Tình Lê

Bảo tàng thời 4.0: Ngồi nhà thoải mái chiêm ngưỡng báu vật

Bảo tàng thời 4.0: Ngồi nhà thoải mái chiêm ngưỡng báu vật

Covid-19 khiến bảo tàng thế giới trong đó có Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ bằng việc áp dụng công nghệ trong trưng bày giúp công chúng tiếp cận được những hiện vật quý.