Ngày cuối tuần, anh Minh Trí tranh thủ thời gian rảnh lau dọn tấm pin mặt trời trên nóc chiếc xe tải Isuzu đời 2021. Trong khi đó, vợ và hai con gái sắp xếp lại không gian bên trong xe. Với gia đình anh, chiếc xe chính là ngôi nhà thứ hai.

“Vợ chồng mình cải tạo xe để làm ngôi nhà di động, đưa các con khám phá đó đây. Chỉ tiếc là mới đi một vài chuyến nội tỉnh thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến kế hoạch du lịch phải tạm hoãn”, anh Trí chia sẻ.

Tháng 6/2021, anh Võ Minh Trí (29 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) hoàn thành ngôi nhà di động mà anh đã ấp ủ gần 2 năm. Chiếc xe khiến nhiều người “tròn mắt ngạc nhiên” khi được trang bị đầy đủ từ tủ lạnh, điều hòa, bếp ăn đến máy giặt, giường, tủ… cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Tổng chi phí để hoàn thành ngôi nhà di động là khoảng 950 triệu đồng (gồm cả tiền xe), trong đó 130 triệu đầu tư cho hệ thống điện. 95% ý tưởng và quá trình thi công chiếc xe đều do anh Trí tự thực hiện với sự hỗ trợ đắc lực từ vợ. 

{keywords}

Ngôi nhà di động của gia đình anh Minh Trí

Từ lâu, anh Trí đã ấp ủ có một ngôi nhà di động để đưa vợ con đi du lịch trải nghiệm, mà không phải canh cánh nỗi lo đặt phòng khách sạn, tìm hàng ăn, sắp xếp đồ đạc lỉnh kỉnh…Nhất là hai năm qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các con thường xuyên phải ở nhà, không được đến lớp, đến trường, chỉ quanh quẩn với tivi, điện thoại, anh Trí càng muốn có phương tiện đưa các con đi thăm thú đây đó mà vẫn an toàn.

Vốn kinh doanh trong ngành lắp ráp, phân phối xe đạp nên anh Trí am hiểu về kĩ thuật lắp ráp, cơ khí. “Mình tham khảo nhiều mô hình xe di động để lên ý tưởng và nghiên cứu cách triển khai. Khâu lắp ráp giường, tủ, nội thất, cơ khí thì mình không gặp vấn đề gì lớn, khó nhất là khâu lắp đặt hệ thống điện”, anh Trí cho hay.

{keywords}

Nội thất bên trong chiếc xe

Từ năm 2020, anh Trí đã đặt mua 4 tấm pin năng lượng mặt trời về để thử nghiệm sử dụng với các thiết bị điện, trước khi lắp đặt trên nóc xe. Anh mua thêm bộ biến tần năng lượng mặt trời, để chuyển đổi dòng điện và sử dụng linh hoạt các thiết bị 220V, 12V.

“Với 4 tấm pin năng lượng mặt trời này, nhà mình có thể sử dụng điều hòa, đèn thắp sáng 24/24, chạy máy giặt, tủ lạnh”, anh cho hay. "Sau một vài chuyến đi đầu tiên, mình vẫn thấy hệ thống điện còn bất cập nên tiếp tục sửa chữa, khắc phục để hoàn thiện, an toàn hơn", anh nói thêm.

Trong thùng xe được sắp xếp khu vực giường ngủ, gian chứa đồ đạc, nhà vệ sinh. Nội thất trong xe được vợ chồng anh ưu tiên lựa chọn chất liệu gọn, nhẹ, kích thước nhỏ, và sắp xếp gọn gàng sao cho tiết kiệm không gian. "Vợ mình đảm nhiệm việc lựa chọn nội thất và sắp xếp sao cho dễ nhìn, tiện dụng. Hai vợ chồng cứ tự tìm tòi, học hỏi rồi làm", anh chia sẻ.

{keywords}

Bên dưới gầm xe là hai chiếc bồn chứa, một để chứa chất thải, một để chứa nước dự trữ sinh hoạt. Nước bơm đầy bồn là khoảng 500 lít. Để bồn không chòng chành khi di chuyển, anh kê thêm nhiều đệm mút ở 4 góc và cố định nhiều dây thép.

Nhiều gia đình thường chọn xe van để cải hoán làm ngôi nhà di động nhưng anh Trí chọn xe tải bởi: thứ nhất, anh muốn có không gian sinh hoạt đủ rộng rãi cho gia đình 4 người; thứ hai, nếu sau này không còn nhu cầu phục vụ du lịch thì có thể làm xe chở hàng.

“Mình không cơi nới thùng xe hay thay đổi cấu trúc xe nên việc đăng kiểm không gặp khó khăn. Trong quá trình xe di chuyển, gia đình sẽ ngồi hoàn toàn ở cabin và đeo dây an toàn theo quy định”, anh Trí cho hay. Tuy nhiên, nhược điểm của chiếc xe là phần ghế lái không được thoải mái như xe riêng, xe chở khách 16 chỗ.

{keywords}

Trước khi dịch bệnh bùng phát phức tạp ở các tỉnh phía Nam, anh Trí đưa vợ con đi dã ngoại một số điểm nội tỉnh. Nhìn hai cô con gái thích thú khám phá thiên nhiên, hào hứng với chuyến đi, vợ chồng anh thấy rất vui mừng.

Khi anh Trí chia sẻ hình ảnh chiếc xe trên mạng xã hội, bên cạnh những lời khen, không ít người cho rằng, vợ chồng anh chi gần 1 tỷ đồng để làm "ngôi nhà di động", lâu lâu mới đi một chuyến là quá lãng phí.

Anh Trí hóm hỉnh cho biết: "Để có một căn nhà view hướng biển hay nằm trên ngọn đồi, khu rừng đẹp, bạn phải chi hàng chục tỉ đến cả triệu đô. Mình chỉ mất một tỷ nhưng sáng có thể ngắm bình mình ở biển, chiều đón hoàng hôn trên núi, mỗi ngày mở cánh cửa là một không gian mới. Như vậy là quá lãi mà?".

Linh Trang (Ảnh: NVCC)