Mới đây, chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan Albert Heijn (AH) buộc phải gỡ bỏ khỏi kệ hàng của mình một sản phẩm có tên gọi là “Phở Việt Nam” sau quá nhiều phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng.

Theo mô tả của một khách hàng, siêu thị đã bỏ vào bao bì những miếng thịt lọc từ đùi gà, trong khi phở “chuẩn vị Việt Nam” được nấu từ thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Khách hàng này đã viết một lá thư gửi Ban giám đốc của siêu thị AH để phản ánh sự việc cũng như nêu cảm xúc của mình về “cái gọi là Phở Việt Nam” mà họ đang bày bán.

{keywords}
Siêu thị Hà Lan bị tố bán ‘phở Việt Nam’ nhưng không phải phở

Đây quả thực là một điều tồi tệ và không chuyên nghiệp xảy ra tại chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan. Phở Việt Nam là một món ăn nổi tiếng khắp thế giới mà nếu muốn, mọi người ngay lập tức có thể tìm hiểu chỉ bằng một cái nhấp chuột nếu chưa biết về nó.

Năm ngoái, Pho King Bon, một nhà hàng tại thành phố Montreal (Canada), cũng khiến cộng đồng mạng tức giận khi nhiều món ăn được đặt tên theo nghĩa xúc phạm Việt Nam.

Theo đó, các món phở trong thực đơn có tên “Pho Kyu”, “Pho Kme”, “Pho Kit”, "Pho King Good" khi đọc lệch đi sẽ mang nghĩa câu chửi thề trong tiếng Anh. Ngoài ra, nhà hàng còn hướng dẫn thực khách phát âm món “bún thịt nướng” thành cụm từ chỉ bộ phận sinh dục theo tiếng Pháp.

Sau khi bị dân mạng Việt trực tiếp phản đối trên fanpage, Guillaume Boivin đã lên tiếng xin lỗi. Theo người này, việc đặt tên không nhằm mục đích xúc phạm bất cứ ai và nhà hàng sẽ thay đổi lại tên các món ăn gây hiểu nhầm.

Món bánh Mỳ Việt Nam cũng từng gây xôn xao trên thế giới khi được các nhà hàng, chuỗi siêu thị chế biến bán ở nước ngoài. Chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ đã cho ra mắt món “bánh mì cuộn” (banh mi wrap), trên bao bì ghi rõ “Vietnamese banh mi wrap” (bánh mì Việt Nam) nhưng hình dáng và nguyên liệu lại khác hoàn toàn.

{keywords}
Món bánh mỳ Việt Nam không chuẩn 

Điều khiến dân tình phẫn nộ nhất chính là cách chế biến, tạo hình của món bánh mì này. Phần vỏ bánh rất mỏng, lại được cuộn thành hình bầu dục, bọc lấy phần nhân bên trong. Phần nhân thì lại được mô tả gồm cà rốt muối chua, đậu phụ và gạo lứt.

Một vụ việc khác, bếp trưởng của nhà hàng chuyên bán các món ăn đậm chất Việt Nam toạ lạc ở thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ - Peja Krstic đã vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng khi đăng tải hình ảnh giới thiệu món bánh mì trong thực đơn nhưng lại viết sai tên thành "bahn mi".

Hay Burger King phải xin lỗi và gỡ bỏ quảng cáo được cho là chế giễu văn hoá ẩm thực Việt Nam khi xuất hiện những người phương Tây vật lộn ăn bánh kẹp bằng đũa.

Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng sau khi một quảng cáo được đăng lên tài khoản Instagram của Burger King New Zealand, mô tả một người phương Tây đang cố gắng ăn món "Vietnamese Sweet Chilli Tendercrisp Burger" mới (bánh mì kẹp ớt ngọt kiểu Việt Nam), với đôi đũa màu đỏ khổng lồ.

Bánh mỳ hay phở là những món ăn đặc trưng của Việt Nam được nhiều khách quốc tế yêu thích. Phở và bánh mì Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford, ghi nhận là danh từ riêng. Điều đó cũng có nghĩa là rất nhiều người nước ngoài sẽ phải nói tiếng Việt khi gọi "phở" hay "bánh mì".

Vào tháng 9/2007, phở - món ăn nổi tiếng của người Việt chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary), xuất bản ngày 20/9 tại Anh và Mỹ. Sự kiện này chính thức đưa phở trở thành một danh từ riêng trong cuốn từ điển tiếng Anh uy tín trên thế giới.

Năm 2011, bánh mì được thêm vào từ điển Oxford, xác nhận là một danh từ riêng: "Bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/) với miêu tả là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi,... kèm gia vị như ớt, hạt tiêu. 

Chính vì sự phổ biến này mà hai món trên khi bị làm không đúng sẽ gây một phản ứng từ phía người tiêu dùng.

Thư Kỳ