Nhắc đến những món đồ ăn mang hương vị béo thơm nhưng cũng rất thanh mát chắc hẳn chúng ta đều nhớ đến những món ăn làm từ dừa truyền thống của miền Nam Bộ như: Cơm trái dừa, rau câu trái dừa, bánh dừa, kẹo dừa... Dừa cũng là nguyên liệu làm nên món chè tráng miệng có công dụng giải nhiệt bắt nguồn từ Thái Lan.

Chè dừa Thái với hương vị ngọt ngậy, thanh mát đặc trưng của cốt dừa sánh mịn kết hợp với chút vị thơm của lá dứa trong những sợi chè Thái, món ăn này đã được người dân Thủ đô ưa chuộng, đặc biệt là lớp trẻ như sinh viên và học sinh. 

{keywords}
Món chè dừa Thái Lan từ khi du nhập vào nước ta đến nay đã được người Việt biến đổi và gọi bằng những cái tên rất riêng như: Chè bánh lọt, chè dừa, chè Thái….

Trong đó, quán chè dừa Thái Lan nằm trên phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) là địa điểm quen thuộc của người dân Thủ đô hàng chục năm nay. Món chè Thái ở đây được chủ quán nấu theo công thức chuẩn vị của xứ sở Chùa Vàng nhưng lại có chút biến tấu khéo léo phù hợp hơn với gu ẩm thực của người Việt.

Trong một lần sang Thái Lan thăm em gái, chị Vũ Minh Thúy (Quảng Ninh) chủ quán đã ấn tượng hương vị chè dừa của đất nước này, với vị ngọt thanh và thơm cốt dừa rất dễ ăn. Ngay khi về nước, chị liền nhờ em gái hướng dẫn công thức nấu và mở quán chè ở Hạ Long.

{keywords}
Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, quán chè bán hơn 1000 cốc.

Sau một năm kinh doanh, chị Thúy cùng gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống, tự tin vào tay nghề của mình, vợ chồng chị mở quán chè dừa Thái Lan cho đến nay.

Chị Thúy cho biết, nguyên liệu quan trọng nhất, quyết định hương vị của món chè nằm ở nước cốt dừa, phải chọn những quả dừa già thì nước mới béo và ngậy, sau đó ép cùi dừa để lấy nước cốt.

"Nhiều khách hàng còn hỏi mua riêng nước cốt dừa nhưng tôi không làm xuể, chỉ đủ đáp ứng cho quán", chị Thúy nói.

{keywords}
Cốt dừa là nguyên liệu quan trọng nhất của món chè Thái.
{keywords}
Những thố đựng chè cũng được chị Thúy đặt mua từ Thái Lan, thố làm bằng nhôm, mạ bạc nên không bị han gỉ, không làm ảnh hưởng đến hương vị của chè.

Chè dừa Thái với nước cốt dừa trắng thơm, ngọt mát ăn cùng trân châu, đậu đỏ, sương sa và thạch các loại. Khi ăn, thêm một chút đá bào để giảm độ ngọt hoặc làm lạnh món ăn, thỏa mãn nhu cầu giải nhiệt vào mùa hè.

Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, quán chè đông khách quanh năm bởi không chỉ có người dân xung quanh và sinh viên các trường đại học gần đó mà những bạn trẻ từ khắp nơi cũng đổ về đây mong được thưởng thức món chè dừa chuẩn vị Thái nhưng lại mang hồn Việt rất riêng.

Quán đông khách nhất vào buổi tối những ngày cuối tuần, chè có giá hợp lý, dao động từ 18.000-30.000 đồng/cốc.

{keywords}
Chị Thúy cho biết, những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, quán chị bán hơn 1000 cốc chè các loại, hết gần 3 tạ đá bào.
{keywords}
Những thời điểm đông có gần 20 shipper xếp hàng đứng đợi, chị phải huy động hàng chục nhân viên mới đủ đáp ứng nhu cầu.

"Khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quán chè mới bán trên các app, còn trước đó tôi chỉ bán tại quán, nếu có khách đặt mua, nhân viên của quán sẽ tự đi giao hàng", chủ quán chia sẻ.

{keywords}
Khách quen mỗi lần mua hàng chục cốc, hoặc những đơn chè tiền triệu là điều thường thấy ở quán.
{keywords}
Ngoài món "tủ" là chè Thái, quán còn phục vụ thêm các loại chè khác rất nổi tiếng như: chè sầu riêng, chè thái bưởi, chè thái hoa quả… hay các loại kem, sinh tố hoa quả đủ vị và các loại đồ ăn nhanh với giá thành rất hợp lý.

Hương vị chè vừa miệng, ngọt nhưng không bị ngọt khé và luôn mang đặc trưng riêng khiến cho ai ăn một lần cũng phải nhớ mãi. Tất cả những nguyên liệu kết hợp hài hòa, tròn vị.

{keywords}
Quán mở bán từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

(Theo Dân Trí)

Xe chè 'chảnh' nhất Sài Gòn, đặc biệt hơn là thái độ có một không hai của ông chủ

Xe chè 'chảnh' nhất Sài Gòn, đặc biệt hơn là thái độ có một không hai của ông chủ

Mở bán từ 1h chiều, xe chè luôn tấp nập khách ở đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1) được coi là chè chảnh nhất Sài Gòn bởi thái độ có một không hai của ông chủ.