Nghiên cứu của Đại học Tel Aviv và Cơ quan Cổ vật Israel, tập trung vào những quả trứng giun gây khuẩn đường ruột được tìm thấy trong bể chứa dưới nhà vệ sinh bằng đá vôi của một dinh thự hoàng gia tráng lệ có từ thế kỷ thứ 7 TCN.

{keywords}
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu lấy từ một bể chứa nằm bên dưới nhà vệ sinh bằng đá vôi. Nguồn: Yoli Schwartz, Cơ quan quản lý cổ vật Israel

Những quả trứng có niên đại 2700 năm này được cho là của giun đũa, sán dây, trùng roi và giun kim. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Dafna Langgut, thuộc Khoa Khảo cổ và Văn hóa Cận Đông Cổ đại của Đại học Tel Aviv, cho biết: “Giun đường ruột là loại ký sinh trùng gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và ngứa. Một số loại đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh và thậm chí có thể dẫn tới tử vong”.

{keywords}
Trứng ký sinh trùng đường ruột được phát hiện từ lớp trầm tích bên dưới nhà vệ sinh bằng đá ở Jerusalem. Nguồn: Eitan Kremer

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cổ sinh học Quốc tế cho thấy rằng vào thời điểm trước khi con người có ý thức vệ sinh và sự phát triển của y học hiện đại, cuộc sống của tầng lớp thượng lưu ở thành Jerusalem cổ đại vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Dù giàu có nhưng họ cũng không thể điều trị triệt để những loại bệnh liên quan đến khuẩn đường ruột này. Đây được cho là lý do ảnh hưởng tới vấn đề dân số thời kỳ đó.

Điều kiện vệ sinh kém, chưa kể đến việc thực phẩm và nước uống bị nhiễm bẩn, có khả năng làm cho ký sinh trùng lây lan, chưa kể tới việc người dân cũng chưa có ý thức rửa tay thường xuyên. Thời kỳ này, phân người được dùng để bón cho cây trồng còn thịt thì được nấu chín không đúng cách.

{keywords}
Tiến sĩ Dafna Langgut cho biết những bệnh liên quan tới đường ruột đã ảnh hưởng không nhỏ tới người dân thời kỳ đó. Nguồn: Sasha Flit, Đại học Tel Aviv

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng những căn bệnh liên quan tới đường ruột đã ảnh hưởng không nhỏ tới những người từng sống trong dinh thự, được phát hiện tại Armon Hanatziv Promenade ở Jerusalem. Dù vậy, người đứng đầu cuộc khai quật, ông Yaakov Billig cũng cho biết: "Nhà vệ sinh thời đó được coi là một biểu tượng của địa vị và quyền lực. Bởi chỉ những người giàu có mới đủ tiền xây nhà vệ sinh".

"Thật thú vị khi thấy một thứ phổ biến với chúng ta ngày nay như nhà vệ sinh lại là vật dụng xa xỉ vào thời Judea", Giám đốc Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel, ông Eli Eskosido, nói thêm.

Trước đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại nơi được cho là nhà vệ sinh này một khối đá vôi hình vuông đục lỗ ở giữa, tương tự một chiếc bồn cầu. Bên dưới là một bể tự hoại được đẽo từ đá.

{keywords}
Địa điểm khai quật tại một dinh thự xa hoa, hướng ra phía Đông Nam Thành Cổ Jerusalem. Nguồn: Yoli Schwartz, Cơ quan quản lý cổ vật Israel

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những chứng tích cho thấy khu vườn trong dinh thự này cũng có nhiều loại cây cảnh, cây ăn quả và nhìn thẳng ra phía Đông Nam Thành cổ Jerusalem.

Ngoài ra, còn có một bình đất sét và xương động vật từ thời Đền Solomon (đền Do Thái đầu tiên) trong hố phân. Theo một phát ngôn viên, sau kết quả ban đầu này, các nhà khoa học vẫn sẽ tiếp tục phân tích thứ thu được từ trong hố.

Qua đây, giới chức Israel hy vọng sẽ có thêm thông tin về chế độ ăn uống của người dân lúc đó cũng như những căn bệnh từng ảnh hưởng đến thế giới cổ đại.

Ngôi đền đầu tiên của người Do Thái, được Vua Solomon xây dựng, đã bị Vua Nebuchadnezzar của Babylon phá hủy vào năm 586 TCN. Ngôi đền đã được xây dựng lại và tu sửa (đền Do Thái thứ hai) nhưng tiếp tục bị người La Mã phá hủy vào năm 70.

{keywords}
Bức tường Than khóc được coi là thánh địa quan trọng nhất với người Do Thái. Nguồn: Love Pik

Ngày nay, ngôi đền thứ hai chỉ còn lại những bức tường. Các bức tường này thường được gọi là Bức tường Than khóc và là thánh địa quan trọng nhất trong đạo Do Thái.

Đỗ An (Theo NY Post)