Được tìm thấy trên vùng sa mạc Atacama của Chile, những xác ướp lâu đời nhất thế giới của người Chinchorro cổ đại đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Năm 1917, khi đang khảo sát dọc bờ biển ngập nắng của một trong những vùng sa mạc kho cằn nhất thế giới Atacama, nhà khảo cổ học người Đức Max Uhle đã tình cờ tìm thấy một loạt những hài cốt kỳ lạ. Đào sâu thêm vào lòng đất, ông phát hiện thêm những bộ hài cốt được dùng lau sậy, tro dán để gia cố các xương, khớp của người chết và làm da giả bằng vải. Trên đầu họ là những bộ tóc giả cầu kỳ cùng mặt nạ được làm bằng đất sét.

{keywords}

Những xác ướp này được cho là của người Chinchorro, tộc người sống bằng cách săn bắt hái lượm khắp các bờ biển dọc phía Bắc Chile tới Nam Peru vào khoảng năm 7.000 đến 1.500 trước Công Nguyên.

{keywords}

Vào tháng 7 năm nay, UNESCO đã chính thức đưa quần thể xác ướp và khu định cư của người Chinchorro ở Chile vào danh sách Di sản Thế giới. Một bảo tàng trưng bày và bảo tồn những xác ướp này cũng được xây dựng ở thành phố ven biển Arica. Biến đổi khí hậu đang đe dọa tới sự tồn tại của những xác ướp này nếu chúng tiếp tục được để ngoài tự nhiên như hiện trạng ban đầu.

Tại sao những xác ướp lâu đời nhất thế giới lại ở Chile mà không phải ở Ai Cập?

Thuật ướp xác đã xuất hiện trong hầu khắp các nền văn hóa từ Châu Phi tới Châu Á xa xôi. Tuy nhiên, Chinchorro được cho là những người đầu tiên áp dụng kỹ thuật này, trước khi những pharaoh được hoàng gia Ai Cập ướp xác và quấn trong những băng vải trắng khoảng 2.000 năm.

Nếu như kỹ thuật này chỉ được người Ai Cập áp dụng cho vua chúa hay quan lại trong triều và được đặt trong những kim tự tháp khổng lồ thể hiện tham vọng cũng như sức mạnh của đế chế thì thay vào đó, người Chinchorro thực hiện ướp xác tất cả các thành phần trong xã hội, không phân biệt sang hèn.

{keywords}

Người Chinchorro được cho là lần đầu tiên thực hiện thuật ướp xác cách đây khoảng 7.000 năm ở gần khu vực Caleta Camarones, một ngôi làng đánh cá nhỏ cách thành phố Arica 62 dặm về phía Nam. Nằm gọn trong một thung lũng nơi sông Camarones chảy ra Thái Bình Dương, ngôi làng nhỏ với những bãi cát vàng hình lưỡi liềm này là nơi du khách có thể tìm thấy những bức tượng hoành tráng cao gần 5 mét, ẩn sâu bên dưới là hàng loạt xác ướp bị chôn vùi của người Chinchorro.

{keywords}

Cư dân Atacama khoảng năm 5.050 trước Công nguyên được cho là đã lột da người chết, loại bỏ các cơ và nội tạng trước khi tạo hình lại thi thể bằng gậy, sậy và đất sét. Bernardo Arriaza, một nhà nhân chủng học của Đại học Tarapacá, cho biết điều này nhằm tạo hình bộ xương trước khi các nghệ nhân ghép chúng lại với nhau.

{keywords}

Các nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết rằng mức thạch tín tự nhiên trong sông Camarones, cao hơn hàng trăm lần so với ngưỡng an toàn hiện đại nên có thể đã khiến hàng loạt những đứa trẻ Chinchorro chưa kịp chào đời thiệt mạng. Đó là lý do vì sao hầu hết các xác ướp sớm nhất được tìm thấy đều là của trẻ sơ sinh hay các bào thai. Đây là cách người Chinchorro tưởng nhớ người đã khuất khi biến họ trở nên bất tử.

Tới đâu để khám phá bí mật của người Chinchorro?

Để có cái nhìn sâu hơn và tìm hiểu nhiều thông tin hữu ích, du khách hãy đến Bảo tàng Khảo cổ học San Miguel de Azapa ở trung tâm thành phố Arica, phía Bắc sa mạc Atacama.

{keywords}

 

Thành phố này cũng nổi tiếng với những người yêu lướt sóng hay muốn tìm hiểu về lịch sử trận chiến Thái Bình Dương. Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn những con đường đi bộ dài dẫn đến những công viên tự nhiên bao quanh bởi núi lửa quanh khu vực này.

{keywords}

Có khoảng 300 xác ướp Chinchorro hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Azapa, nhưng 90% trong số này được đặt trong những phòng không có điều hòa hay thiết bị kiểm soát độ ẩm. Một dự án xây dựng bảo tàng mới trị giá 24.7 triệu USD đang được triển khai để bảo vệ các xác ướp trong độ ẩm tối ưu từ 40 - 60%.

{keywords}

Tại sao biến đổi khí hậu lại đe dọa đến các xác ướp?

Thời tiết khô hạn của vùng sa mạc Atacama đã giúp các xác ướp Chinchorro tồn tại suốt hàng nghìn năm qua. Nhưng chỉ trong gần một thập kỷ qua, nhiều xác ướp đã bị hư hỏng nặng do biến đổi khí hậu đã khiến vi sinh vật tấn công collagen trên lớp da bên ngoài.

{keywords}

Các dòng El Niño mạnh hơn là nguyên nhân chính dẫn đến độ ẩm của khu vực này ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc các xác ướp đang gặp nguy hiểm cho dù chúng được lưu giữ trong viện bảo tàng hay bị chôn vùi ngoài sa mạc. Ở phía Nam thung lũng Caleta Camarones, người dân thường phát hiện ra các mảnh xương rơi lìa ra khỏi xác.

{keywords}

Jannina Campos, một nhà khảo cổ học cho biết 'mỗi khi trời mưa, trên sa mạc lại xuất hiện rất nhiều mảnh xương. Điều mà trước đây chỉ xảy ra 100 năm một lần thì nay vì biến đổi khí hậu, nó diễn ra thường xuyên hơn và mức độ thì ngày càng nghiêm trọng'.

Nicolás del Valle, điều phối viên của chương trình văn hóa Chile tại UNESCO, cho biết 'Việc được công nhận thành Di sản Thế giới có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiểu biết về văn hóa Chinchorro trên khắp thế giới và bản thân mỗi người đang sống trên mảnh đất này phải có ý thức trách nhiệm bảo tồn cũng như quảng bá câu chuyện lịch sử này tới nhiều người hơn'.

Đỗ An (Tổng hợp)