"Sống khỏe" ở làng nghề chổi đót Hà Ân

Thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hiện có hơn 160 hộ dân làm chổi đót. Đi dọc theo các tuyến đường ở thôn Hà Ân, hầu như nhà nào cũng làm chổi. Thường thì họ nhập nguyên liệu về rồi tự làm theo hộ gia đình.

Về Hà Ân xem nghề làm chổi đót có tuổi đời hàng trăm năm - 1

Thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ) có hơn 200 hộ dân thì có đến 160 hộ dân làm nghề chổi đót.

Theo nhiều người làm nghề, nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, dây mây, hoặc dây nhựa. Trước đây, cây đót có thể được đi lấy từ các vùng núi Hồng Lĩnh, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ Lào hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Làm chổi đót không đòi hỏi trình độ cao bởi vì chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công, những người cần cù, khéo léo, cẩn thận một chút là đã cho ra đời sản phẩm đạt chuẩn. Với bà con nông dân ở đây, từ người già cho đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng quê này đều biết làm chổi đót.

Theo chị Phan Thị Thủy (50 tuổi, thôn Hà Ân), người đã có gần 30 năm làm nghề chổi đót, trung bình mỗi ngày, một người có thể làm được khoảng từ 12-15 chiếc.

Về Hà Ân xem nghề làm chổi đót có tuổi đời hàng trăm năm - 2

Người dân làm nghề chổi đót ở thôn Hà Ân có nguồn thu nhập ổn định và "sống khỏe" từ công việc này.

"Chổi đót được thu mua tại chỗ với giá từ 23.000-30.000 đồng/cái, trừ hết các chi phí thì mỗi chiếc chổi chúng tôi kiếm được khoảng 10.000 đồng. Nhờ có công việc này mà có tiền nuôi con cái ăn học", chị Phan Thị Thủy nói thêm về "đầu ra".

Theo ông Phan Tường Sơn (65 tuổi, thôn Hà Ân), công đoạn đầu tiên để hình thành nên một cây chổi là tước bông đót thành từng bó nhỏ, mỗi bó trừ lại một phần cuống dài để làm cán chổi. Khi bó đót phải quấn đều và chặt tay, nếu lỏng thì sau khi hoàn thành, cây chổi sẽ dễ bị lỏng và rời ra khi sử dụng.

Về Hà Ân xem nghề làm chổi đót có tuổi đời hàng trăm năm - 3

Khi bó đót phải quấn đều và chặt tay, nếu lỏng thì sau khi hoàn thành, cây chổi sẽ dễ bị lỏng và rời ra khi sử dụng.

Chổi làm bằng cán nhựa thì dễ làm hơn và giá cũng rẻ hơn khoảng 16.000-20.000 đồng/cái, còn chổi làm bằng cán đót thì cầu kỳ hơn và giá cũng cao hơn từ 23.000-30.000 đồng/cái.

"Thời gian để làm chổi đót rất thoải mái, có nghĩa là rảnh lúc nào thì có thể làm lúc ấy. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí thì một người cũng kiếm được khoảng 4 triệu đồng. So với những nghề khác như làm lúa thì công việc này cho thu nhập cao hơn nhiều", ông Phan Tường Sơn cho biết thêm.

Về Hà Ân xem nghề làm chổi đót có tuổi đời hàng trăm năm - 4

Chổi đót ở làng Hà Ân được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo ông Lê Tiến Lương - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, hiện có 160 hộ dân đang duy trì nghề làm chổi đót tập trung ở thôn Hà Ân.

"Nghề làm chổi đót này có từ lâu đời rồi, phải đến hàng trăm năm. Công việc làm chổi đót đã giải quyết được công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động ở địa phương, người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được", ông Lê Tiến Lương cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, một người dân nơi đây có thể kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng từ làm nghề chổi đót. So với mức thu nhập ở địa phương, đây thực sự là một nguồn thu ổn định giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.

(Theo Dân Trí) 

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy

Không phải vận động viên nhưng những người làm nghề dây keo ở An Giang mỗi ngày phải vừa đi vừa chạy bộ chừng 15 km để se sợi. Vì thế ở đây người dân tự đặt cho tên ấp của mình là "xóm chạy".