Bánh mì Huỳnh Hoa (Huynh Hoa): 58.000 đồng/ổ mua tại chỗ, cả trăm ngàn khi ship tận nhà

Với mức giá 58.000 đồng/ổ, bánh mì Huỳnh Hoa được xem là món bánh mì đắt bậc nhất Sài Gòn. Theo chia sẻ của nhiều vị khách lâu năm, từ khi mở bán, thương hiệu bánh mì này đã đắt gấp đôi, gấp 3 các loại bánh mì bình thường trên thị trường. Mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, tiệm bánh này đã nâng giá từ 48.000 đồng/ổ lên 58.000 đồng/ổ.

Một ổ bánh mì nặng khoảng 400 gram, đầy đủ loại thực phẩm kẹp bên trong. Theo chủ tiệm, tất cả các loại nhân ăn cùng đều do nhà tự làm theo công thức riêng nên có hương vị đặc trưng hút khách nhiều năm qua.

{keywords}

(Ảnh: thebakeanista)

Với người mê bánh mì Huỳnh Hoa thì họ cho rằng: "đắt xắt ra miếng". Phần nhân bánh rất ngon, nặng trĩu pate, chà bông, chả, jambon, xá xíu thịt heo, xúc xích, rau dưa ăn kèm. Bên trong bánh có tổng cộng 13 loại nhân khác nhau. Một ổ bánh mì có thể chia 2 người ăn mới hết. Nhiều khách quen cho rằng, điều tạo nên tên tuổi của bánh mì Huỳnh Hoa là phần pate béo ngậy,  thơm ngon, bề mặt mảng pate bóng bẩy, đỏ hồng.

Thế nhưng với không ít người, chi gần 60.000 đồng cho một ổ bánh mì là "điều không tưởng".

{keywords}

(Ảnh: Thuen.ng)

"Một ổ bánh mì đắt bằng số tiền tôi mua đồ nấu bữa sáng cho gia đình bốn người"; "Bánh mì 58 ngàn/ổ chỉ dành cho giới nhà giàu của thành phố hoặc một bộ phận người tò mò, hiếu kì chứ người dân chỉ có thể mua bánh với giá 18.000 đồng thôi";... - một số người bình luận.

Thời điểm tháng 9/2021, ngay sau giãn cách xã hội, nhiều người Sài Gòn chi cả trăm ngàn để đặt ship bánh mì Huỳnh Hoa về tận nhà, trong khi đó thực khách Hà Nội cũng sẵn sàng mua ổ bánh này, bay máy bay ngàn cây số ra Thủ đô với giá khoảng 85.000 đồng/ổ.

Những tưởng Huỳnh Hoa là tiệm bánh mì đắt nhất Sài Gòn nhưng không, ở thành phố này còn không ít loại bánh mì đắt đỏ khác.

{keywords}

Dù giá đắt đỏ, tiệm bánh mì này vẫn đông đúc thực khách (Ảnh: spiderfoodie)

Bánh mì ô môi bà Huynh: 58.000 đồng/ổ

Vài ngày qua, bánh mì Bà Huynh - một tiệm bánh mới xuất hiện đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội, thu hút rất đông thực khách. Được biết đây là tiệm bánh mì riêng của bà Huynh, người từng cùng làm chủ bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng.

Theo nhận xét của nhiều thực khách, bánh mì bà Huynh không có quá nhiều điểm khác biệt so với bánh mì Huỳnh Hoa. Thậm chí, mức giá bánh còn y chang nhau. Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên khai trương, tiệm bánh này áp dụng "mua 1 tặng 1" khiến thực khách ồ ạt kéo tới thưởng thức.

{keywords}

(Ảnh: Hizo Thai)

Ngay sau khi bánh mì bà Huynh xuất hiện, nhiều người lại mở dịch vụ order bánh mì Bà Huynh từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng máy bay. Với chương trình "mua 1 tặng 1", so với bánh mì Huỳnh Hoa, bánh mì Bà Huynh đến tay thực khách Thủ đô với giá rẻ hơn khoảng 1/3 lần.

Bánh mì Như Lan: 60.000 đồng/ổ

Ngoài bánh Trung thu, thương hiệu Như Lan còn nổi tiếng với bánh mì kẹp. Giá dao động ở đây trung bình khoảng 15.000 - 60.000 đồng/ổ.

Thực đơn Như Lan đa dạng gồm: bánh mì thịt, bánh mì chả lụa, bánh mì xíu mại trứng muối, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, sandwich kẹp thịt... đồng giá 30.000 đồng một phần. Riêng bánh mì thịt, quán có hai loại: bánh mì cứng giòn và bánh mì tươi mềm. Lò bánh đặt ngay tại quán, nướng xong liền phục vụ khách nên tiệm luôn có bánh mới. Đây cũng là điều ghi điểm với khách hàng hơn nửa thế kỷ qua.

{keywords}

(Ảnh: lukeeee_ng)

Với ổ bánh mì đặc biệt có giá đắt đỏ, thực khách sẽ được thưởng thức thịt nguội, pate, sốt mayonnaise tự làm của quán. Ngoài ra còn có dưa leo, hành ngò, đồ chua là cà rốt và củ cải ngâm rồi vắt ráo.

Bánh mì ở đây không bao giờ làm “đầy ú ụ” vì dễ bị ngán. Thay vào đó tất cả nguyên liệu đều vừa phải, có mặn thì phải có chút ngọt như khẩu vị đại đa số người Sài Gòn thích.

Bánh mì Nguyên Sinh: 95.000 đồng/ổ với gan ngỗng "sang chảnh"

Nhà hàng Nguyên Sinh bán món bánh mì với thịt nguội (người Hà Nội xưa hay gọi là “cơm Tây”) cho tầng lớp trung lưu hay công chức làm việc cho Pháp từ năm 1942 tại Hà Nội. Tiệm bánh mì Nguyên Sinh ở Sài Gòn được mở năm 1982.

Đây được xem là tiệm bánh mì "sang chảnh" từ nhiều năm nay với cách phục vụ khác biệt. Thay vì đưa pate, thịt hun khói, xúc xích... vào nhân bánh như thường thấy, quán lại phục vụ khách một đĩa thịt nguội gồm 7 loại khác nhau: paté gan, xúc xích, giò thủ, giò heo rút xương, thịt hun khói… ăn kèm đồ chua gồm củ cải, dưa leo và cà rốt ngâm chua và bơ ngoại nhập.

{keywords}

(Ảnh: nguyensinh.pate.eatery)

Các món thịt nguội đều được làm theo bí quyết gia truyền do người chủ đầu tiên truyền lại. Rồi cứ thế, các đời con, cháu về sau duy trì theo đó. Dù hình thức có thể không khác biệt nhiều với những nơi khác, nhưng hương vị lại có nét rất riêng.

Ấn tượng nhất ở Nguyên Sinh phải kể đến món pate gan ngỗng với hương vị đặc trưng không lẫn với bất kì hàng nào. Với bí quyết riêng trong cách chế biến, nêm nếm gia vị mà người đầu bếp đã làm được nên món pate vừa ngon, bắt vị, lại còn có mùi thơm quyến rũ.

Để thưởng thức bánh mì với những món ăn kèm gia truyền của tiệm bánh này, thực khách phải chi trả 95.000 đồng. Tất nhiên với các loại bánh mì có phần nhân đơn giản hơn thì mức giá chỉ khoảng 35.000 - 50.000/ổ.

{keywords}

(Ảnh: nguyensinh.pate.eatery)

Bánh mì hơn 2 triệu đồng/ổ

Một nhà hàng trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TP HCM, từng ra mắt món bánh mì 100 USD (hơn 2 triệu đồng). Ổ bánh mì này có nhân thịt heo là chủ yếu, nhưng có một chút biến tấu theo phong cách ẩm thực Pháp. Đầu tiên, đầu bếp sẽ phết mayonnaise chứa nấm truffle, đem nướng bánh trên lò, trước khi thêm một lớp patê đặc biệt, đặt từ đầu bếp Pháp tại Đà Lạt.

Riêng phần thịt heo, đầu bếp sẽ thái thành những miếng dày và nấu kiểu sous-vide. Thịt được đựng trong túi chân không, nấu ở nhiệt độ thấp trong 6 giờ để giữ được hương vị nguyên sơ. Tới khi khách gọi, đầu bếp sẽ lấy thịt khỏi túi và đặt trên lò nướng cho đượm mùi khói. Mỗi miếng đều được cắt tới tỷ lệ "vàng" của mỡ - thịt.

{keywords}

(Ảnh: Anan Saigon)

Chiếc bánh mì này trở nên đắt đỏ khi có thêm gan ngỗng béo. Phục vụ kèm bánh còn có khoai lang chiên chấm trứng cá tầm, hoặc sốt mayonnaise nấm truffle, cùng hai ly vang trắng Italy. Để thưởng thức món bánh mì đặc biệt này, khách phải đặt trước một ngày, đặt cọc 50% hoặc trả 100 USD.

Tuy nhiên, sự biến tấu món ăn đường phố thành món nhà hàng xa xỉ này đã gây ra không ít tranh cãi. Trong khi một số người ủng hộ sự sáng tạo dùng nguyên liệu đắt tiền để nâng tầm món ăn truyền thống thì không ít ý kiến lại cho rằng: "Món ăn này làm mất đi "chất riêng" của bánh mì Việt Nam - một món ăn đường phố giá rẻ", "Món ăn của người Việt mà lại không phù hợp túi tiền người Việt"...

{keywords}

(Ảnh: Anan Saigon)

Linh Trang