Hơn 10 năm trước, một người đàn ông đã đề xuất mức giá chung cho toàn bộ hàng hóa là 5 nghìn đồng. Và đến tận ngày nay, giá cả tại "chợ 5 nghìn" vẫn không thay đổi.

{keywords}
"Chợ 5 nghìn" hình thành từ mười năm trở lại đây. Ảnh: Văn Đức.

Chợ tự phát giúp dân thoát nghèo

“Chợ 5 nghìn” dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ và trở thành nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Tuy đã qua nhiều năm và có phần bị đô thị hóa với đa dạng mặt hàng hơn nhưng chợ vẫn giữ được những nét giản dị, chân chất của vùng đồng bào dân tộc miền núi. Vì chưa có tên, chưa được quy hoạch thành chợ dân sinh nên người dân vẫn quen gọi là “chợ 5 nghìn” hay “chợ một giá”.

Trước đây, khi chưa hình thành chợ thì những người dân sau khi thu hoạch xong các nông sản của mình thường đem xuống chợ của huyện Văn Chấn để bán. Nhưng vì quá xa nên thay vì xuống chợ họ bày những sạp hàng nhỏ ven đường quốc lộ để bán cho những người qua đường.

{keywords}
Các mặt hàng tại chợ đều đồng giá 5 nghìn. Ảnh: Văn Đức.

Bà Hoàng Thị Hưởng - xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn người buôn bán “chợ 5 nghìn” chia sẻ: “Trước kia, bà con mình không biết buôn bán, làm ra củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem tặng nhau. Sau sản phẩm làm ra nhiều ăn không hết mới đem ra chợ bán kiếm tiền mua sắm".

Bà cho biết thêm: "Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, thường xuyên thiếu ăn. Từ ngày bán hàng tại “chợ một giá” nên cuộc sống của gia đình bớt khó khăn đi nhiều".

Mới đầu chợ chỉ có vài người Mông tụ họp, họ bán những mớ rau cải, củ gừng, mấy quả bí ngô hay mớ rau rừng, bánh trái… Đây là những sản vật sẵn có của gia đình nên họ chỉ bán với một giá duy nhất 5 nghìn đồng.

{keywords}
“Chợ 5 nghìn” thường bày bán các sản vật đặc sản của dân địa phương. Ảnh: Văn Đức.

Đến nay, đã có gần 30 gian hàng của người Mông, người Thái, người Tày ở Văn Chấn cũng mang những sản vật của mình đến "góp vui", giờ thì chợ có thêm nhiều mặt hàng khác như: quả vườn nhà, khoai nương, ngô, măng, hoa chuối hay những món gia vị đậm đà của những món ăn dân tộc, đặc biệt ở khu chợ này thường xuyên bán những mặt hàng dược liệu quý như ngọc cẩu, hồng rừng, giảo cổ lam, mắc khén, chuối rừng…… nên rất được các du khách ghé tới.

Cái tên "chợ 5 nghìn"

Ông Hoàng Hiệp Ước, ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, ông là người đầu tiên bán hàng ở chợ này cho đến nay đã được 10 năm, ông tâm sự "Vì bà con là người dân tộc nên trình độ nhận thức không đồng đều, có người bán rẻ, người bán đắt giữa các cửa hàng nên tôi đề xuất mọi người để chung giá tất cả sản phẩm làm quy định của những người bán hàng nơi đây".

{keywords}
“Chợ 5 nghìn” được họp ở ven Quốc lộ 32C. Ảnh: Văn Đức.

Thời điểm "chợ" đắt khách nhất là vào mùa du lịch như mùa lúa chín, mùa nước đổ ở Mù Cang Chải hay các dịp lễ, tết, hàng đoàn xe khách dừng lại mua hàng ở đây tấp nập, phần vì hiếu kỳ, phần vì những sản phẩm nơi đây thực sự chất lượng và đều một giá nên rất thuận tiện.

Cũng từ đó, nhiều gian hàng được người dân mở bán dọc tuyến Quốc lộ 32C lối từ Văn Chấn vào Nghĩa Lộ được mở ra, nhiều gia đình khi thu hoạch những sản phẩm của gia đình mở những sạp hàng nhỏ ven đường để bày bán.

{keywords}
Chợ 5 nghìn thường bán các sản phẩm như chuối hột, ngọc cẩu, táo mèo. Ảnh: Văn Đức.

Là một người thường xuyên đi công tác qua huyện Văn Chấn, anh Nguyễn Việt Dũng (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi lần đi du lịch hay đi công tác qua khu “chợ 5 nghìn”, tôi đều dừng lại mua rau, củ quả ở chợ, giá cả ở đây khá rẻ lại an toàn. Chợ còn bán loại rau của đồng bào vừa lạ, vừa ngon nên tôi cùng bạn bè rất thích”.

Trải qua thời gian, cái giá theo quy ước “5 nghìn” đã không còn mà tùy theo giá trị mặt hàng, nhưng khu chợ giản dị, mộc mạc, gần gũi nằm ven tuyến Quốc lộ 32C với cái tên “chợ 5 nghìn” vẫn tồn tại. “Chợ 5 nghìn” không chỉ mang tính chất thương mại mà còn là địa chỉ văn hóa thu hút du khách gần xa.

(Theo Lao Động)