Một buổi sáng sương mù bao phủ khắp thung lũng gần ngôi làng nhỏ Hatgal, phía Nam hồ Khovsgol, miền Bắc Mông Cổ. Tại đây, nhiếp ảnh gia tài liệu người Bỉ Régis Defurnaux đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với những người trong bộ tộc cuối cùng chăn nuôi tuần lộc mà tiếng địa phương gọi là Dukha (hay Tsaatan).

Cuộc sống du mục luôn di chuyển và thời tiết lạnh giá khiến tộc người Dukha khó có thể trồng trọt hay kiếm được nguồn thực phẩm nào khác. Mọi thứ đều trông chờ vào đàn tuần lộc, từ bơ, sữa tới vận chuyển. Lớp lông tuần lộc cũng được tận dụng để làm vải vóc may trang phục hay bán đi để sử dụng làm thuốc và thực phẩm chức năng.

{keywords}

Cuộc sống của người Dukha phụ thuộc hoàn toàn vào đàn tuần lộc. Nguồn: Régis Defurnaux

Người Dukha không ăn thịt tuần lộc, trừ khi đó là những con vật không còn khả năng đi lại. Đàn tuần lộc và con người nơi đây có một mối liên hệ đặc biệt. Họ dựa vào nhau để vượt qua cuộc sống khắc nghiệt ở nơi được ví như là 'tận cùng của thế giới' này.

{keywords}

Sumya Batbayar, 19 tuổi đang đưa đàn tuần lộc về trại nuôi. Nguồn: Régis Defurnaux

Hiện nay, chỉ còn khoảng vài trăm người Dukha sống rải rác ở miền Bắc Mông Cổ. Gia đình ông bà Uwugdorj Delger là một trong số ít hộ dân quyết định gắn bó với công việc khó khăn này khi chu kỳ mưa và tuyết ở đây ngày càng thất thường. Ông Uwugdorj cho biết cứ mỗi tháng họ lại phải di chuyển đàn tuần lộc từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác.

Thời tiết trong rừng Taiga, khu rừng cận Bắc Cực, nơi các loài động vật sinh trưởng, cũng trở nên vô cùng khó dự đoán. Địa y, loại thực phẩm chính trong chế độ ăn của tuần lộc, đã bị chết khá nhiều do biến đổi khí hậu. Chưa kể tới việc quần thể tuần lộc ở Mông Cổ cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh hay bị sói rừng ăn thịt vì thiếu người chăm sóc.

{keywords}

Việc chăn nuôi tuần lộc ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn: Régis Defurnaux

'Chỉ cần chúng tôi mắc phải một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cả đàn gặp nguy hiểm', ông Uwugdorj nói khi đang kiểm tra lại dây đai của yên ngựa. Tuần lộc có tốc độ di chuyển rất nhanh nên so với chúng, ngựa di chuyển chậm như những con voi nặng nề. Do đó, người Dukha rất hiếm khi dùng ngựa để quản lý đàn tuần lộc.

{keywords}

Dù bị thương ở đầu gối nhưng ông Uwugdorj vẫn len lỏi vào những rặng thông trong rừng để tìm kiếm một vài con tuần lộc đang yếu bệnh do cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Họ luôn nỗ lực cứu sống chúng vì cho rằng nếu một ngày nào đó mất đi tuần lộc, coi như họ sẽ mất tất cả.

Người Dukha có nguồn gốc từ vùng Tuva, phía Bắc nước Nga. Tuva là một quốc gia độc lập trong nhiều năm trước khi được Liên Xô sáp nhập vào năm 1944. Ông Uwugdorj nói rằng nhờ vào việc bán những miếng da của tuần lộc cho các khách hàng giàu có, gia đình ông mới đủ tiền tiết kiệm để xây một ngôi nhà ở ngôi làng Tsagaannuur, phía tây Hồ Khovsgol, nơi con cháu của họ được đi học đàng hoàng hơn.

{keywords}

Cuộc sống du mục nay đây mai đó của người Dukha. Nguồn: Régis Defurnaux

Khi biên giới phía Bắc Mông Cổ được vẽ lại, nhiều gia đình người Dukha bị ly tán, những cuộc di cư cũng diễn ra thường xuyên hơn. Nhiều người Dukha đã trở thành dân tị nạn ở khắp nơi.

Mùa đông bắt đầu cũng là thời điểm mà những người phụ nữ và đàn ông Dukha phải sống xa nhau. Bởi những 'trụ cột' gia đình sẽ phải chăm sóc đàn tuần lộc, còn phụ nữ ở lại làng để giám sát việc học hành của con cái.

{keywords}

Ngoài những giá trị vật chất, tuần lộc còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn với tộc người Dukha. Nguồn: Régis Defurnaux

Khi mùa hè tới, khách du lịch từ khắp nơi như Trung Quốc, Israel, Hoa Kỳ hay New Zealand sẽ tới tham quan khu rừng Taiga cũng như khám phá cuộc sống du mục của những người dân nơi đây. Nhưng không phải tất cả các gia đình Dukha đều kiếm được tiền từ các hoạt động du lịch này.

Thay vào đó, họ kiếm sống bằng nghề bán hạt thông rừng và nhận những khoản trợ cấp nhỏ từ địa phương. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với trước, người Dukha vẫn đang cố gắng từng ngày duy trì những bản sắc văn hóa đặc trưng của họ và lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Đỗ An (Theo New York Times)