- “Trong nhóm này cũng có vài ba đôi vợ chồng, nhưng mỗi người lại có “cạ” của riêng mình”, bà Vi Thị Hà, 60 tuổi, tóc xoăn, nhuộm vàng tết thành hai bím phân trần. “Khiêu vũ giống như hành trình đi tìm tri kỉ vậy. Phải hiểu nhau mới phối hợp ăn ý trong điệu nhảy được”.

U50 đi tìm tri kỉ

Sớm tinh mơ hay chiều tà, đến bất kì một khoảng sân rộng nào tại khắp các công viên Lý Thái Tổ, Thống Nhất, Bách Thảo, Dịch Vọng,… không khó để bắt gặp một nhóm các U50 – U60 dập dìu trong những điệu nhảy vô cùng quyến rũ và không kém phần khỏe khoắn.

 

{keywords}
Mỗi người đều có “cạ” của riêng mình. Ảnh: Đỗ Dung

Cô Nguyễn Thanh Xuân (Lê Duẩn, Hà Nội) là thành viên trẻ nhất của CLB Khiêu vũ ngoài trời Công viên Thống Nhất. Má phấn môi hồng, tóc xoăn lọn nhỏ từng sợi màu hạt dẻ, quần áo thể thao bó sát người, chẳng ai đoán được cô Xuân năm nay đã ngoại lục tuần. Cô tâm sự, chồng cô mất do bệnh ung thư, dù đã đuề huề 6 cháu nội ngoại, nhưng mọi việc trong nhà có con trai và con dâu quán xuyến. Cô đi khiêu vũ thay vì ngồi ở nhà ủ ê, ngày hai buổi cắm mặt vào cơm nước, lo đón cháu. Suốt một đời vất vả rồi, tuổi già là để hưởng thụ thôi. Ngồi nhà nhiều lại thêm bệnh vào người, khổ con khổ cháu”.

“Mỗi người mỗi cảnh”, “Nỗi khổ này không của riêng ai”, đó là nhận định của cô Cao Thanh Huyền (50 tuổi, Nguyễn Phong Sắc, Cầu giấy, Hà Nội). Cô Huyền mới tham gia CLB Khiêu vũ Hồ Thành Công hơn nửa năm. Cô mất chồng hơn chục năm nay. Suốt 10 năm, ban ngày, loanh quanh trong nhà, con cái đi làm, cháu chắt đi học, nên tối mịt gia đình có được 3 tiếng ở cùng nhau đã hiếm hoi.

Hai cô con gái thương mẹ nên hỏi han, rồi qua người quen giới thiệu, cô đến bầu bạn với những người cùng cảnh trong câu lạc bộ khiêu vũ này. Rồi cô gặp được ông Tám, người đồng cảnh ngộ và trở thành một cặp nhảy thân thiết tới bây giờ. “Khiêu vũ cần có một cặp là vì vậy. Hai người có đồng cảm thì đôi chân mới đồng điệu được”, cô Huyền nhận định.

Cô Huyền còn kể rất nhiều về ông Tám: “Ông ấy trông vậy mà hay làm thơ lắm, lại hay diễn giải ý nghĩa của những bản nhạc nhảy cho tôi nghe. Ví như bản Rumba này xuất phát từ Ấn Độ: “Có trời, có đất, có chúng ta. Mời em ra nhảy. Chúng ta sống với nhau muôn đời”.

Đi nhảy vì… ghen!

Được chồng đồng ý, chị Hoa (40 tuổi) mới tham gia Câu lạc bộ Khiêu vũ hồ Thành Công. Chị hài hước: “Hai năm về trước, ông ấy là một người cổ hủ lắm. Nhưng giờ được tôi “đưa vào đời”, từ đó, sinh ra “nghiện”, cứ hễ nghe nhạc là cứ xoay xoay, quay quay hoài”.

Tuy nhiên, anh Thanh, chồng chị Hoa lại thú nhận lần đầu tới đây là vì “ghen”. Nghe bạn bè cảnh báo nguy cơ “mất vợ có ngày”, anh đứng ngồi không yên. “Trước giờ, tôi đã không ấn tượng với kiểu nhảy nhót của các cụ U50, U60 giữa chốn đông người. Nào phấn son lòe loẹt, ăn mặc kệch cỡm, chỉ dành cho mấy bà đú đởn, ăn chơi, thèm “giai trẻ” thôi”. Vì vậy, anh quyết định lập kế hoạch theo dõi vợ, mặc dù chị đã cố giấu là đến chăm em bé hộ giùm cô bạn thân trong suốt thời gian đầu làm mẹ. “Kết quả là tôi đã bị “bà cô” ấy lôi tới đây nhảy nhót, thấy đời thật sướng”, anh Thanh bày tỏ.

Ấy vậy mà hai vợ chồng anh Thanh – chị Hoa lại chẳng thể là một “cặp đôi hoàn hảo” trên “sàn nhảy”. Bởi khiêu vũ là loại hình nghệ thuật khá “chảnh”, khéo sắp những “cạ cứng” thành một cặp. Tuy nhiên, chẳng ai lý giải nổi mình đã chọn “cạ nhảy” như thế nào, chỉ biết ai cũng tấm tắc khen bộ môn này có sức hút đầy ma mị.

{keywords}
Các học viên U50 – U70 đang luyện tập một cách bài bản. Sức quyến rũ và ma mị của bộ môn nghệ thuật này nhiều khi bị cho là kệch cỡm và “nhạy cảm”. Ảnh: Đỗ Dung.

 Cô Nguyễn Hương Trà, 62 tuổi, thành viên của Câu lạc bộ Khiêu vũ Lộc Vừng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hai con đã lớn, chồng là một kỹ sư giám sát công trình. Con cái đã phương trưởng, cô quyết định kinh doanh quần áo thời trang qua mạng nên hầu hết thời gian rảnh, cô đều đầu tư cho bản thân, từ vật chất đến tinh thần. “Mình phải yêu mình trước hết đã”, nghe bạn bè rỉ tai, mách nước cho cô đầu tư vào khoản quần áo, phấn son.

Chẳng mấy chốc, cô Hương Trà trở thành một “quý bà” ăn mặc đẹp và biết “lên sàn”. Mặc cho ông chồng “mặt nặng mày nhẹ” rồi “nịnh khéo” để cô năng ở nhà với chồng con, cô ở nhà được mấy bữa rồi “ngựa quen đường cũ”: “Không được đi nhảy, em thà chết còn hơn”, anh chồng cũng đành bất lực.

“Có còn yêu được không?”, cô tếu táo. Cô nói chưa thấy ai “thành gia quyến” ở đây cả. Nhưng “nhân tình nhân ngãi thì đầy. Tình cảm khó nói trước được lắm”. Hơn nữa, bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi những va chạm thân thể rất mạnh.

Hồi xuân, U70 “lên sàn”

Những học viên của các lớp nhảy thường gọi nhau thân mật là “đào”, “kép”. Ở cái tuổi xế chiều này, việc đi tìm “đào”, tìm “kép” là một chuyện hết sức xa xỉ và không được nhìn với ánh mắt thiện cảm. Tuy nhiên, các “sân chơi” dành cho các U50 – U60 muốn hồi xuân, tìm lại tình yêu và tuổi trẻ ngày càng trở nên đa dạng, mọc lên “như nấm sau mưa”.

“Sàn nhảy cho các cô giờ đếm không xuể. Đừng đùa”, cô Trà tỏ ra hiểu biết như một “hướng dẫn viên”. Một loáng cô Đào Thị Mơ, thành viên của Câu lạc bộ Khiêu vũ ngoài trời công viên Thống Nhất đã liệt kê tới hơn một chục sàn nhảy ở Hà Nội: Chợ Hôm, Hoàng Minh Giám, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê,… Đó là chưa kể tới những “lò học ngoài trời” ở các công viên và trung tâm thể dục thẩm mỹ.

Cô Mơ kể, sàn nhảy đơn thuần cũng chỉ là một căn phòng nhỏ, có sức chứa từ 30 – 200 người, tùy vào độ to nhỏ của phòng. Cô thường xuyên tới đó vào mỗi buổi tối cuối tuần, khi chồng cô ở nhà trông mấy đứa cháu.

Theo chân “đào” Mơ U70 vào một “sàn”. Thang máy dừng trước tầng 3 của Câu lạc bộ Khiêu vũ Quốc tế Discovery (Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Từ xa đã nghe thấy tiếng xập xình của tiếng nhạc nhảy. Sàn nhảy ngày trong tuần vắng teo, chỉ lác đác vài cặp U50 dập dìu, khi uyển chuyển trong điệu Valse tình cảm, quyến rũ.

Son phấn một chút, lộng lẫy trong bộ váy dạ hội, các bà, các “chị” đã thực sự là tâm điểm của “vũ hội”. Còn các cụ ông U50 – U70 bỗng chốc hóa thành các “quý ông” lịch lãm trong những bộ vest sang trọng. Những nếp nhăn như giãn ra và chỉ còn những cặp “tình nhân” thăng hoa bên những vũ khúc. Ở bất kì sàn nhảy nào, vũ điệu nào, sự hưng phấn và cảm hứng cũng được đề cao (?!)

 

{keywords}
Các “đào”, “kép” chỉn chu từ ngoại hình cho tới động tác ngay trong quá trình tập, để có thể “lên sàn” chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng “lên sàn” bởi họ chỉ yêu thích không gian yên tĩnh để “dốc bầu tâm sự”. Ảnh: Đỗ Dung

Không nhất thiết “đào” này đi với “kép” này: “Ở đây ai cũng là chồng cả”, U70 nửa đùa nửa thật. Ngồi chưa ấm chỗ, cô đã được một chàng trai trẻ mời nhảy. Hỏi ra mới biết đó là các chàng trai tuổi mới đôi mươi, làm bồi bàn kiêm “dẫn nhảy” cho các quý bà cô đơn, chưa tìm được “cạ”.

Chiếc váy nhung đỏ trẻ trung, tôn đôi chân dài kết hợp với chiếc mũ nồi cùng màu điệu đà cùng đôi bốt cao gót chuyên nghiệp khiến cô Mơ nổi bật giữa nhiều đôi dặt dìu, ngà ngà “say” theo điệu nhạc, say trong “men tình”. “Tuổi này chẳng ai yêu cả. Phải yêu lấy chính bản thân mình thôi”, đào U70 sảng khoái nói về những “quả ngọt” sau quá trình luyện tập để “lên sàn” chuyên nghiệp như lúc này.

Đỗ Dung