Ươm mầm ý thức chấp hành luật giao thông cho công dân nhí

Tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều trường tiểu học đã bắt đầu triển khai các hoạt động giáo dục kết hợp lý thuyết lẫn thực hành, giúp trẻ hiểu được những luật cơ bản khi tham gia giao thông một cách đơn giản và trực quan.

Điển hình tại trường Tiểu học Tam Khương (Hà Nội), cả một “thành phố an toàn giao thông” bằng mô hình đã được Bridgestone - thương hiệu lốp xe đến từ Nhật Bản dựng lên bắt mắt ngay giữa sân trường. Sau khi tìm hiểu luật giao thông bằng những câu hỏi đúng - sai đơn giản kèm giai điệu bài hát vui tươi, các bé sẽ vào vai những bác tài nhí trong trò chơi “Lái xe mô hình”, tham gia thử thách hoàn thành các tuyến đường bằng cách tuân theo biển báo, trả lời các câu hỏi về an toàn giao thông dọc đường.

{keywords}
Các bác tài nhí cực kỳ chăm chú khi “tham gia giao thông”

Bé T.H (lớp 5, trường Tiểu học Việt Hưng) hào hứng kể: “Em thích nhất trò “Đạp xe cùng Red Wheel” vì có cảm giác mình đang lái xe trên đường thật luôn ý ạ! Lúc nghiêng người chọn đúng đáp án cho câu hỏi trên màn hình, không những được cộng điểm và tăng tốc mà các bạn xung quanh còn cổ vũ nhiệt tình rất vui. Cũng nhờ vậy mà em nhớ các luật giao thông hơn nhiều”.

{keywords}
Khu vực trò chơi đạp xe tương tác lúc nào cũng nườm nượp các “tay lái cừ khôi”

Bên cạnh đó, cuộc thi vẽ tranh chủ để “An toàn giao thông” và làm xe mô hình trong ngày hội cũng thu hút đông đảo sự tham gia từ các công dân gương mẫu nhí.

Cô Đặng Thị Ninh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Hưng chia sẻ: “Những hoạt động giáo dục về an toàn giao thông luôn cần nhận được sự quan tâm từ cả gia đình, nhà trường và xã hội, nhằm nuôi dưỡng một thế hệ trẻ văn minh khi tham gia giao thông cũng như đảm bảo sự an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Bài học về giao thông cũng cần được thiết kế sinh động, dễ hiểu để các em thuộc nhanh, nhớ lâu”. Được biết, hoạt động tại trường Việt Hưng đã thu hút hơn 2000 lượt tương tác của các em học sinh.

Hoạt động thú vị này nằm trong hành trình của “Biệt đội Bridgestone - Cùng bé trọn an toàn” trong năm 2019, gồm 3 chặng: Trường tiểu học Tam Khương, Hà Nội, 23-25/9, Trường tiểu học Việt Hưng, Hà Nội, 30/9 - 02/10 và trường tiểu học Lương Thế Vinh, Tp. HCM, 07-10/10 với nỗ lực giúp các em nhỏ học và thực hành luật giao thông an toàn.

Ông Sadaharu Kato, đại diện Bridgestone Việt Nam chia sẻ: “Bridgestone sẽ tiếp tục nhân rộng hoạt động ý nghĩa này đến nhiều trường học, nhiều địa phương trong năm 2020 với hy vọng các em nhỏ sẽ học hỏi, tiếp thu tốt hơn thông qua đa dạng các trò chơi tương tác. Đây là một trong những nỗ lực của Bridgestone với kỳ vọng giúp trẻ em khắp Việt Nam có một con đường đến trường an toàn, vui vẻ mỗi ngày”.

{keywords}
 Hoạt động thiết thực này cần được nhân rộng để thêm nhiều trẻ em được nâng cao ý thức về an toàn giao thông

Lan tỏa ý thức về an toàn giao thông cho công dân nhí

Tai nạn giao thông từ lâu đã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích nghiêm trọng cho con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cứ mỗi 4 phút trôi qua lại có 1 trẻ em trên thế giới qua đời vì tai nạn giao thông. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải vào năm 2018, trong số 8.248 người tử vong do tai nạn giao thông có tới 1.442 trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi. Ngoài nguyên nhân do sự bất cẩn của người lớn, không ít tai nạn thương tâm xảy ra mà lỗi phần nhiều đến từ ý thức và hiểu biết hạn chế về an toàn giao thông của trẻ em. Các hành vi vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, đùa nghịch trên xe, không chú ý quan sát nên dễ bị va quẹt... đều rất dễ bắt gặp ở đối tượng này.

Chính vì thế, để giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn đau lòng, công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho trẻ em cần được thực hiện ngay từ những cấp học nhỏ nhất. Điều này không chỉ giúp các em bảo vệ bản thân mà còn biến mỗi em thành một “đại sứ” lan tỏa văn hóa tuân thủ luật giao thông một cách thiết thực và hiệu quả nhất cho cộng đồng. Các em sẽ thêm chủ động, hào hứng nhắc nhở bạn cùng trang lứa, thậm chí là những người lớn hơn như gia đình, họ hàng, hàng xóm. Từ đó, con đường đến trường mỗi ngày của mỗi học sinh sẽ trở nên văn minh và an toàn hơn rất nhiều.

{keywords}
Việc giáo dục trẻ em về việc chấp hành luật an toàn giao thông là rất cần thiết

Chỉ khi việc giáo dục về an toàn giao thông cho trẻ em nhận được sự chung tay từ gia đình, nhà trường và cộng đồng, tai nạn giao thông ở trẻ em mới có thể giảm thiểu tối đa, trẻ em mới có thể có một cuộc sống an toàn và tiếp tục lan tỏa tinh thần tuân thủ, chấp hành an toàn giao thông cho xã hội.

Ngọc Minh