"Tôi bỗng hẫng đi như rơi vào một nơi trống rỗng. Mọi thứ đột ngột biến mất"- nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Thuần (sinh năm 1972) là nhà văn có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng và được độc giả yêu thích như Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hay Cơ bản là buồn...

Ngoài 40 tuổi, Nguyễn Ngọc Thuần đang phải điều trị ngưng tim tại Bệnh viện Thống Nhất. Đây là căn bệnh khiến tim của anh có thể ngừng đập bất ngờ trong khi ngủ dù không gây đau đớn hay ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của cơ thể.

Nhà văn vẫn đi nhậu, thức suốt đêm, hút thuốc, yêu vợ như những người khác ngoại trừ việc tim có thể ngưng đập bất cứ khi nào trong vài giây.

Để tìm ra phương pháp chữa bệnh cho ông, các bác sĩ đã tiến hành một cuộc trắc nghiệm bằng cách tạo nên những cơn rung chấn bất chợt có thể sẽ gặp phải trong đêm dưới dạng sóng điện.

{keywords}

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần (bên phải).

Dưới đây là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần khi trải nghiệm về khoảnh khắc tim ngừng đập:

“Cách đây hai ngày, trái tim tôi đã hoàn toàn ngưng đập trong một cuộc trắc nghiệm tại Bệnh viện Thống Nhất.

Tôi phải ở trần và nằm trên bàn mổ. Lúc đầu bản thân tôi có hơi thắc mắc không hiểu tại sao mổ tim lại phải ở truồng nhưng sau đó mới hiểu ra, đó là một nguyên tắc bắt buộc để thực hiện cuộc trắc nghiệm này.

Các bác sĩ chỉ gây tê nên tôi hoàn toàn có thể theo dõi được những chuyện diễn ra sau đó.

Đầu tiên, tôi thấy trên màn hình xuất hiện một cái ống có hình dạng như một con tinh trùng với cái đuôi dài quái dị luồn lách từ thắt lưng lên đến trái tim của tôi. Nó lúc lắc, túc tắc phát ra những tiếng kêu nhỏ.

Sau đó, trái tim tôi bắt đầu co bóp tăng lên từng đợt cho đến lúc vỡ ra. Tim tôi ngưng đập.

Lúc này, tôi bỗng hẫng đi như rơi vào một nơi trống rỗng không có nội dung. Mọi thứ đột ngột biến mất. Sau đó tôi nghe một ai đó hét lên, rồi tiếng chân người chạy hỗn loạn trong phòng. Có lẽ họ đang tìm cách cứu tôi. Từ lúc đó, tôi hoàn toàn mất thông tin lẫn hình ảnh về những gì diễn ra sau đó.

Chính vì thế, với trải nghiệm về một cái chết (nếu có), tôi đoán rằng nó chẳng hề là một đường hầm đen tối hoặc một cánh cửa mở ra đầy ánh sáng như người ta vẫn thường tô vẽ. Những điều đó chỉ là sản phẩm giàu trí tưởng tượng của những trái tim chưa từng dừng lại một giây phút nào.

Với tôi, khi nó đến, bản thân chỉ cảm thấy tất cả chìm xuống, vô cùng yên ổn. Tôi không nhớ điều gì, cũng chẳng hề hoang mang. Tất cả cứ vụt đi nhanh, gọn, nhẹ, khi mình chưa kịp nhận thức, nó đã biến mất.

Một lúc sau, tôi không biết chính xác là bao lâu, tôi bỗng có thể nghe trở lại. Một ai đó đang nói với tôi: “Thở đều đi”, “Hít thở đều đi!” - giọng nói đều đều kiên nhẫn lặp đi lặp lại.

Ở một góc khác, một mệnh lệnh còn mạnh mẽ hơn: “Cho anh ta thở ô xy đi!”. Và rồi sau đó, tôi cảm nhận một cái gì đó đang chui vào mũi mình vô cùng dễ chịu. Tôi bắt đầu hô hấp trở lại.

Khi mở choàng mắt ra, tôi thấy mình đang được nhấc bổng lên, những mạch điện trên người đã được tháo.

Một lần nữa tôi lại chợt nhớ mình đang… ở truồng. Dường như tôi không hề nhớ đến sự sống. Có lẽ chúng ta luôn lo sợ sự lố bịch, nhiều hơn cả sự cần thiết của sự sống.

Ai đó hỏi: “Anh Thuần, anh có sao không?”

Tôi nói: “Không sao” - giọng nói như vọng lên từ âm phủ. Người ta đưa tôi lên băng ca và đẩy ra ngoài hành lang.

Bác sĩ thực hiện ca mổ mỉm cười nói với tôi: “Ông đã đi rồi, tụi tui phải sốc điện để kêu trở lại đó”.

Sau cú sốc điện đó, tôi có một vết hằn đỏ bằng bàn tay trên ngực.

Nếu trái tim tôi vẫn không đập trở lại thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? Tôi không biết. Có thể tôi sẽ chết hay đại loại thế. Nhưng có một điều tôi biết chắc một cách nghiêm túc hơn, chỉ khi mình biến mất thì điều kì lạ trong cuộc sống này mới không chạm đến mình nữa. Và nó chưa từng là lúc này.

Sau cuộc trắc nghiệm này, vài ngày nữa sẽ có một cái máy bằng sắt, dùng pin, được gắn vào bên trong ngực tôi. Nó sẽ được nối dài với trái tim tôi để canh chừng. Những lúc lúc trái tim tôi không muốn đập, nó sẽ kích để trái tim lười biếng của tôi đập trở lại.

Theo bác sĩ, việc hao hay không hao pin của chiếc máy này tuỳ thuộc vào độ lười biếng của trái tim mỗi người. Có rất nhiều người suốt cả phần đời còn lại kéo dài hàng chục năm, cái máy chưa từng kích hoạt lần nào.

Nhưng cũng có những người cực kì hao pin, kích hoạt liên tục, hy vọng không phải là tôi.

Song, khi có chiếc máy này, vợ tôi chắc chắn sẽ đỡ phần lo sợ. Cô ấy cứ sợ tôi sẽ ra đi mãi mãi".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

(Theo Zing)