- “Sang trọng hay cao quý không dành cho những người mang danh giảng viên, tiến sĩ hay giáo sư mà hàng ngày đi làm với cái bụng đói, con cái nheo nhóc, gia đình lục đục vì chuyện tiền nong”, TS. Hoàng Trung Dũng chia sẻ.

Chuyện một giảng viên ĐH muốn đi bán xôi kiếm thêm thu nhập đã thu hút hàng trăm ngàn độc giả quan tâm. Chia sẻ với VietNamNet sau khi đọc câu chuyện này, Tiến sĩ Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman cho rằng đây không phải vấn đề cần đưa ra thảo luận. Bởi ai cũng muốn có thêm thu nhập chính đáng để cải thiện đời sống, chứ không chỉ giảng viên đại học. Vấn đề cần bàn luận là làm thế nào để việc kiếm thêm đó không ảnh hưởng tiêu cực đến nghề nghiệp chính mà chúng ta đã lựa chọn.

TS. Dũng cho biết, ông cũng từng làm nhiều nghề chân tay để phụ giúp cho gia đình cũng như tăng thu nhập cho cá nhân để trang trải cuộc sống. “Bóc lạc thuê, cuốn thuốc lá trong thời kỳ bao cấp, phục vụ quán nước hay bán sách báo thời kỳ sau đổi mới. Những công việc đó cho tôi nhiều trải nghiệm và cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng tựu chung lại là tự hào với những gì mình đang làm và hài lòng với thành quả do công việc đó đem lại.

Ít nhất nó giúp tôi có đủ điều kiện cần (nhu cầu cơ bản của con người) để xây ước mơ và hướng tới các nhu cầu cao hơn”, ông Dũng chia sẻ.

 

{keywords}
TS. Hoàng Trung Dũng cho rằng những quan điểm cũ hay cách gọi cũ về một số nghề như “con buôn” nên bị loại bỏ trong xã hội cởi mở và phát triển hiện nay.

Theo vị Giám đốc học viện Kingsman, nếu cho rằng giảng viên đại học buôn bán sẽ làm mất hình ảnh cao quý của nhà giáo, tức cho rằng nghề nhà giáo là nghề cao quý, còn các nghề khác như buôn bán và lao động chân tay là không cao quý, nói như vậy là xúc phạm đến hàng tỷ người đang cần mẫn làm việc hàng ngày để xây dựng xã hội văn minh, chưa kể chính những người làm nghề lao động giản đơn này đã, đang và sẽ nuôi dạy biết bao nhà giáo, bác sỹ, luật sư…nên người.

“Đúng là còn nhiều người vì sỹ diện nghề nghiệp mà không dám làm hoặc không dám công khai việc mình đang làm, dù rằng những công việc đó không hề sai trái và đáng tự hào. Những quan điểm cũ hay cách gọi cũ về một số nghề như “con buôn” nên bị loại bỏ trong xã hội cởi mở và phát triển hiện nay.

Một xã hội mà thiếu đi những người làm dịch vụ, những tiểu thương, những “con buôn” thì không thể phát triển được. Chúng ta nên trân trọng mọi nghề nghiệp, nếu nghề nghiệp đó không vi phạm pháp luật, đem lại thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội mà chúng ta đang sống”, ông Dũng bày tỏ.

Vị giảng viên này cho rằng, người Việt nên loại bỏ tư tưởng đánh giá người khác qua ngoại hình, qua công việc mà họ đang làm. Loại bỏ tư tưởng “giảng viên ĐH đi bán xôi làm ô danh nghề giáo”, vì suy nghĩ này mà nhiều người Việt chấp nhận khổ, chấp nhận túng thiếu chứ không làm các công việc họ cho là “kém sang”.

“Sang trọng hay cao quý không dành cho những người mang danh giảng viên, tiến sỹ hay giáo sư mà hàng ngày đi làm với cái bụng đói, con cái nheo nhóc, gia đình lục đục vì chuyện tiền nong… Sang trọng và cao quý cũng không dành cho những người lấy suy nghĩ của mình để ganh tị với thành công của người khác, muốn người khác cũng tụt lại như mình. Và sang trọng hay cao quý lại càng không dành cho những ai chưa có được 1 cuộc sống thật sự sung túc về vật chất nhưng lại hay đi nói chuyện về sự sung túc về tinh thần…”, ông Dũng nói.

Vị tiến sĩ lấy bằng Luật kinh tế tại Đại học Tổng hợp Poitiers, Pháp cho biết người ta ít thấy giảng viên ở nước ngoài làm thêm không phải bởi họ không cần hay không muốn mà vì nhiều khi thủ tục đi làm thêm một nghề khác tại nước ngoài không đơn giản như ở mình. Đâu có phải muốn mở tiệm bánh hay đi dọn nhà cho người khác là được ngay, mọi cái đều cần có chứng chỉ hành nghề hay các quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm ngặt…Thầy cô ở Việt Nam được tự do làm những nghề đó là một lợi thế.

“Mọi sự so sánh đều khập khiễng tuy nhiên có thể thấy thu nhập của giảng viên, giáo viên Việt Nam còn rất hạn chế. Tôi cũng đã từng là giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu trong các trường đại học hàng đầu Việt Nam với thu nhập chỉ có hơn 3 triệu đồng/tháng, thật sự không đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt.

Giảng viên nước ngoài có thể có được sự đãi ngộ tốt hơn nhưng không vì thế mà áp lực họ giảm đi. Họ cũng phải tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học hay các dự án với các công ty để nâng cao thu nhập”, TS. Dũng cho biết.

Kim Minh (thực hiện)