- Dù thu nhập khá cao nhưng chị Hằng vẫn đau đầu chuyện cho con đi học bởi với mức chi tiêu hiện tại của gia đình không còn khoản nào dư.

15 triệu vẫn “viêm màng túi”

Chị Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng, thu nhập hiện tại của cả hai vợ chồng chị là 14 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, vợ chồng chị cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, không có khoản tiết kiệm. Con thứ 2 đã đến tuổi đi lớp nhưng chị vẫn không tìm ra cách cắt giảm các khoản khác để có tiền đóng học cho con.

“Con lớn học thêm và học chính: 1,4 triệu. Thuê nhà: 1,5 triệu. Hàng tháng trả ngân hàng: 5,5 triệu. Sữa bỉm con bé: 1,5 triệu. Điện, nước: 500 ngàn. Tổng các khoản cứng phải chi là 10,4 triệu. 3,6 triệu còn lại chi cho thức ăn cả nhà hàng ngày, ma chay hiếu hỉ, xăng xe, điện thoại, quần áo. Con bé hiện 18 tháng có bà trông nhưng sắp tới bà về quê không ai trông nữa phải đưa đi lớp. Làm thế nào tôi có tiền cho con nhỏ đi lớp đây khi không có nguồn thu nào thêm?”, chị Hằng buồn lòng vì vẫn chưa tìm ra giải pháp.

{keywords}

Ảnh minh họa

Vợ chồng chị Thu Hà cũng thu nhập khoảng 17 triệu/tháng nhưng vẫn không đủ chi tiêu ở đất Thủ đô. “Nhà mình 17,2 triệu mà cũng không đủ, tháng nào cũng thiếu. Đứa lớn học cấp 2 nên tiền học nhiều hơn: 2 triệu, đứa nhỏ: 1,5 triệu. Điện, nước: 2 triệu. Tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại của 2 vợ chồng: 5 triệu. Trả ngân hàng: 4,5 triệu. Chưa tính tiền linh tinh các kiểu đã 15 triệu rồi”, chị Hà chia sẻ.

Khéo vun vén thì vẫn sẽ đủ!

Chị Nguyễn Hiền (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, với mức thu nhập 14-15 triệu/tháng, nếu chi tiêu hợp lý thì hoàn toàn đủ nuôi hai con nhỏ. Nếu khéo léo và tiết kiệm hết mức thì còn có thể tiết kiệm được 1-2 triệu/tháng.

{keywords}

“Mình cũng sống ở thủ đô đây. Nhà mình cũng 2 con nhỏ, một con học lớp 3, một con mới đi lớp mầm non. Thu nhập của hai vợ chồng mình cũng chỉ được 12 triệu/tháng nhưng vẫn đủ chi tiêu, thậm chí có tháng còn dư được 1-2 triệu.

Những khoản cố định không thể cắt xén được như tiền nhà, tiền đóng học cho con, tiền trả ngân hàng thì không tính nữa. Còn những khoản linh hoạt như tiền ăn, tiền bỉm sữa của con, tiền xăng xe điện thoại…mỗi thứ bớt một tí sẽ có khoản dư.

Ví dụ như bỉm sữa của con tháng mình chỉ hết 800 ngàn, bỉm thì mình mua loại bỉm trần bịch to rẻ hơn và chỉ đóng buổi tối thì hết tầm 200 ngàn, mua 2 hộp sữa to khoảng 600 ngàn/ 1 tháng.

Tiền xăng xe điện thoại thì mình hạn chế buôn chuyện phiếm, chỉ gọi khi cần thiết. Đi đâu xa quá thì mình đi xe bus thay vì đi xe máy.

Riêng khoản ăn uống, nếu chịu khó đi chợ đầu mối và có thực đơn rõ ràng cho từng tuần thì chỉ hết khoảng 1,5-2 triệu/tháng cho nhà 4 người (2 người lớn và 2 trẻ nhỏ).

Mình thường đi chợ đầu mối hàng tuần, mỗi tuần hết tầm 400 ngàn, mua rau củ, thịt thà về sơ chế rồi cho vào tủ lạnh dùng cho cả tuần. Số còn lại thì mắm muối, đổi ga, dư dư thì cuối tuần đổi món.

Nói chung nhiều gia đình sống ở đây, cũng có con nhỏ, cũng đi thuê nhà, cũng nợ ngân hàng mà người ta vẫn sống được ở mức thu nhập 8-9 triệu/tháng. Mình thu nhập trên chục triệu thì chịu khó căn ke chút là thoải mái”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Hồng Ánh (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng thu nhập của vợ chồng chị cũng chỉ được tầm 11 triệu/tháng, đang nuôi 2 con nhỏ nhưng vẫn đủ sống, thậm chí vẫn dành được một khoản để đi du lịch 1 chuyến mỗi năm.

“Lúc hai vợ chồng mới cưới thì ở khu trung tâm, cả hai đều đi làm xa và giá thuê khá đắt. Nhưng khi có con rồi, mình tìm nhà về khu Mỹ Đình, giá thuê rẻ hơn mà nhà rộng hơn. Chồng chấp nhận đi làm xa, còn mình đi làm gần hơn để dễ chăm con. Hai bé nhà mình học ở trường công rẻ hơn trường tư thục.

Ăn uống thì chịu khó dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà, mình mang đi ăn trưa luôn, tiết kiệm hơn.

Mình cho bà bán thịt ở chợ gần nhà số, khi nào bà ế nhiều thì gọi mình ra lấy với giá rất rẻ mà thịt vẫn ngon. Mình về sơ chế rồi cho vào tủ đá ăn dần. Nói chung chỉ cần để ý tính toán chút là sống đủ với mức thu nhập mình có”, chị Ánh chia sẻ.

K. Minh