- Chỉ vì món canh nấu cho con dâu lúc còn ở cữ mà bà nội và bà ngoại nhà em không tiếc lời cãi nhau. Đỉnh điểm là bà nội xách túi bỏ về quê hôm trước thì hôm sau bà ngoại cũng nằng nặc đòi về vì cho rằng nhà thông gia đã vụng lại còn không tôn trọng ai.

Nghe các chị kể chuyện mà em cũng không thể không nhớ đến kỷ niệm đau thương của mình với chuyện ăn uống những ngày ở cữ. Là con đầu cháu sớm của cả 2 bên nội ngoại, nên khi em mang bầu cu Bi được chăm sóc rất chu đáo. 

Sau khi sinh về nhà, khác với các chị được mẹ chồng hoặc mẹ đẻ chăm chuyện ăn ở sau sinh thì cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng em đều bắt xe từ quê lên Hà Nội chăm con và cháu.

Các chị chắc nghĩ em sung sướng nhưng từ đây mới lắm rắc rối xảy ra. Bà nội và bà ngoại em phân công nhau mỗi ngày, một người lo phần giặt giũ quần áo cho hai mẹ con thì người kia đảm nhận phần nấu ăn, nước uống và ngược lại.

{keywords} 
Mẹ đẻ chỉ muốn em ăn canh rau ngót còn mẹ chồng thì không quá kiêng cữ cho con dâu (Ảnh minh họa)

Mẹ đẻ em theo quan niệm truyền thống chỉ muốn con gái sau đẻ ăn thịt kho nghệ, canh rau ngót, cháo cũng phải ninh chân giò thật kỹ... Bà cũng cho rằng, thức ăn của bà đẻ phải đun sôi thật kỹ, thật chín để tránh đau bụng tiêu chảy cho cả mẹ lẫn con.

Ngược lại, bà nội vốn là người tân tiến nên không quá kiêng cữ trong việc ăn uống của con dâu sau đẻ. Những thực phẩm nhiều chất như thịt bò, tôm, cua...bà mua về nấu cho em ăn thoải thuê. Quan niệm của bà là ăn nhiều chất mẹ mới lại sức và nhiều sữa cho con bú. Bà cũng không đun quá kỹ thức ăn vì cho nấu kỹ là làm mất hết chất.

Thế là mỗi ngày em ăn mỗi thức ăn khác nhau. Nếu như mẹ đẻ em nấu thì toàn thức ăn nấu kỹ càng đôi khi mất cả vị ngon thì mẹ chồng lại nấu rất nhanh, đôi khi một số thức ăn khó chín như khoai tây, su hào...bà xào chưa kỹ, em ăn cảm giác còn sượng.

Vì thế các bà vẫn không hài lòng về nhau. Hôm bà nội nấu thì bà ngoại lén đem đồ ăn đi hâm lại thật kỹ mới cho em ăn, hôm bà ngoại nấu thì bà nội dè bỉu chê "cổ hủ, lạc hậu".

{keywords}
Chỉ vì món canh bí hầm chân giò mà hai thông gia không thèm nhìn mặt nhau (Ảnh minh họa)

Đỉnh điểm mâu thuẫn là một tối, bà nội nấu món canh bí nấu chân giò. Bà tắt bếp hơi sớm nên mấy lát bí chưa kịp chín nhừ. Lúc ngồi ăn cơm mẹ đẻ đã ra hiệu bảo em không nên ăn nhưng thương mẹ chồng mất công nấu em cũng cố ăn một bát cho bà vui. 

Không hiểu vì món canh hay vì lý do gì mà hôm sau em và cu Bi nhà em bị đau bụng. Bé đi ngoài phân không được đẹp, ngày đi đến 5, 6 lần. Sang ngày thứ 3 bé đi đến trên 10 lần/ngày. Vợ chồng em như ngồi trên đống lửa và vô cùng mệt mỏi.

Hai bà lúc này bắt đầu đổ lỗi cho nhau. Bà nội cho rằng do bà ngoại nấu kỹ quá nên đồ ăn không còn vitamin, Bi thiếu chất nên sức đề kháng giảm. Mẹ đẻ em cũng không kém cạnh, bà chê bà nội nấu ăn không kỹ khiến cháu đau bụng.

Hai bà lúc đầu chỉ bóng gió sau đó lớn tiếng cãi nhau, buông lời xúc phạm. Mẹ đẻ em nước mắt ngắn nước mắt dài trách bà nội vụng, làm khổ con cháu. Tức giận, bà nội chạy vào phòng thu xếp đồ đạc để đòi về quê. Không biết vô tình hay cố ý bà va quệt làm đổ va ly của bà ngoại rơi xuống sàn khiến quần áo, đồ đạc văng tung tóe. Mẹ đẻ em được thể càng làm ầm ĩ lên.

Hai bà lao vào nhau cãi vã, không tiếc lời xúc phạm nhau. Bà nội xách túi đồ về quê trước thì hôm sau bà ngoại cũng lục đục đòi về vì "không chịu nổi khi bị xúc phạm". Hai vợ chồng em vô cùng mệt mỏi khi con thì đau ốm, hai bà thì thi nhau bỏ về quê.

Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm mà thông gia 2 bên vẫn chưa thèm nhìn mặt nhau. Lần nào bà nội lên nhà em thăm cháu bà cũng phải đánh tiếng thăm dò nếu không có bà ngoại ở đấy bà mới lên, ngược lại bà ngoại cũng chưa một lần gọi điện mở lời trò chuyện lại với bà nội.

Đào Thu Hiền (Hà Nội)