Thời tiết rét đậm khiến trẻ nhập viện tăng do những sai lầm của phụ huynh trong ăn uống, sinh hoạt.

Thời tiết miền Bắc trong 2 ngày qua liên tục giảm sâu. Thậm chí băng giá, sương muối xuất hiện ở vùng núi, còn vùng đồng bằng xuất hiện rét hại với mức nhiệt độ từ 10-12 độ C. Trong điều kiện thời tiết như vậy, người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc phải nhiều bệnh. Trong đó trẻ em rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết. Nguyên nhân là do cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện hay ở mức thấp có thể khiến trẻ bị ốm, sốt, ho, cảm cúm, cảm lạnh.

Mặc quần áo mỏng manh

Mặc dù, thời tiết thay đổi nhưng nhiều phụ huynh vẫn có sự chủ quan. Bác sĩ Anh Dũng (Chuyên khoa Nhi) chỉ rõ, trong thời tiết rét hại, rét đậm, phụ huynh phải chú ý mặc ấm cho trẻ. Nhưng mặc áo là chưa đủ, mà còn phải thêm cả găng tay, tất chân, đi giày kín. Ngoài ra, thời tiết rét đậm nên mặc một quần mỏng là chưa đủ ấm với trẻ em cho nên cần phải mặc thêm một quần mỏng bên trong để giữ ấm.

"Khi đi đường phải đeo khẩu trang kín, có bịt tai. Nhiều phụ huynh chỉ lo mặc áo ấm, đội mũ nhưng quên khẩu trang, găng tay, quàng khăn. Quan trọng nhất là ở vùng tai, mũi, họng...không được giữ ấm sẽ dẫn đến viêm họng, từ đó dẫn đến sốt, gây cảm cúm", bác sĩ Dũng nói.

{keywords}

Trẻ nhập viện tăng do thời tiết lạnh.

Ngoài ra, một số phụ huynh bận công việc nên đón con muộn hơn. Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị ốm. Trong mùa đông, càng về chiều tối, nhiệt độ càng hạ thấp, gió lạnh nhiều hơn buổi trưa. Cho nên, phụ huynh phải tranh thủ đón con đúng giờ hoặc nhờ họ hàng, người thân đón giúp.

"Về càng sớm sẽ tránh được lạnh cho trẻ. Không nên đưa trẻ ra ngoài vào buổi tối, vì lúc đó nhiệt độ hạ thấp dần. Thậm chí, nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì cần mặc đủ ấm, kín cơ thể cho trẻ. Với trẻ sơ sinh nên chọn ô tô, taxi để tránh gió lùa", bác sĩ Dũng nói.

Có những phụ huynh quan niệm việc tắm nắng cho trẻ là cần thiết để tạo ra vitamin D. Nhưng những ngày trời rét, gió lạnh, phụ huynh phải cho trẻ ở nơi kín gió. Nói như vậy không có nghĩa là bắt buộc trẻ phải ở trong bốn bức tường mà vẫn phải đảm bảo thoáng khí.

"Nhiều phụ huynh phó mặc cho giúp việc theo lịch trình sinh hoạt đã có sẵn. Có người giúp việc dù trời rất rét nhưng vẫn đưa trẻ ra sân hoặc xuống sảnh chung cư để chơi đùa. Gió lạnh có thể khiến trẻ ốm, sốt, viêm phế quản... lúc đó mới tá hỏa là không nên", bác sĩ Dũng nói thêm.

Tiêu chảy mùa đông và mặc quần áo chật

Còn bác sĩ Nguyệt Anh lại chỉ rõ, vấn đề ủ ấm trẻ quá mức đã nói rất nhiều nhưng dường như vẫn chưa được nhiều phụ huynh chú ý. Theo lời bác sĩ Nguyệt Anh, có nhiều phụ huynh dù đã đắp chăn ấm, đóng kín cửa nhưng vẫn cho con mặc áo len, áo phao, quàng khăn...đây là điều cần tránh.

"Khi ngủ trẻ cần được thoải mái nhất, không nên mặc quá kín sẽ gây sự mệt mỏi. Mặt khác, trẻ con thường nóng, nên khi đắp chăn và mặc áo kín sẽ gây toát mồ hôi giữa đêm. Bố mẹ ngủ say không biết, vô tình mồ hôi ướt ngấm vào phần lưng sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, sốt cao...", bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Mặt khác, quàng khăn khi ngủ cho trẻ cũng có thể gây khó thở, trong khi trẻ quẫy đạp có thể nghẹt thở. Cho nên phải quàng khăn nhẹ, thoáng, không quá chặt.

Cảm cúm, viêm phổi hay bệnh ở đường hô hấp là phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhưng có nhiều phụ huynh vẫn chủ quan với tình trạng này. Dù trẻ đã có dấu hiệu đau đầu, thở khò khè, mệt mỏi nhưng vẫn tự chữa tại nhà hoặc không đưa đi khám bệnh viện.

"Với trẻ nhỏ, khi có dấu hiệu lạ phải đưa đi khám bác sĩ ngay. Các dấu hiệu như bú kém, ăn kém, lười ăn, quấy khóc, thở dốc, khò khè, chảy nước mũi, ho, khó thở...đều là những dấu hiệu cảnh báo bệnh hô hấp", bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Ngoài hô hấp, cảm cúm, bệnh ở đường tiêu hóa cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều phụ huynh. Không chỉ có mùa hè mới đáng lo về an toàn thực phẩm, mà tiêu chảy trong mùa đông cũng rất đáng quan tâm. Khi cho trẻ ăn cần đun nóng đồ ăn, cho trẻ uống nước ấm. Trước khi cho ăn phải thử trước tránh bỏng ở khu vực họng, thực quản.

(Theo Congluan)