Tôi cho rằng các bà mẹ chồng đừng nên áp đặt lối tư duy xưa cũ nhưng tôi cũng không đồng tình với các cô con dâu chỉ biết đòi hỏi và than vãn. Thay vì ngồi chờ mẹ chồng phục vụ thì các chị hãy cố gắng tự làm những gì mình có thể làm được.

Nhân đọc được hai bài viết trên VietNamNet bàn về chuyện chăm sóc con dâu ở cữ, tôi cũng xin được kể câu chuyện của mình về những ngày tháng ở cữ bên nhà chồng.

Tôi năm nay 45 tuổi và cũng từng được mẹ chồng phục vụ khi ở cữ. Hồi đó, tôi sinh mổ và sinh khó nên nên khi ra viện sức khỏe tôi không được tốt.

Chồng đi làm cả ngày, tôi được mẹ chồng đã 70 tuổi phục vụ việc cơm nước. Do đông con và ở nông thôn nên cuộc sống rất khó khăn. Thức ăn chủ yếu bà nấu là thịt lợn hoặc gà rang, canh hoặc rau luộc.

{keywords}
hức ăn chủ yếu do bà nấu là thịt lợn hoặc gà rang, canh hoặc rau luộc (ảnh minh họa)

Tôi là người dễ ăn nên cũng không than vãn chỉ có điều cách chế biến của bà khiến tôi không nuốt nổi. Thịt rang thì bà cho quá nhiều kẹo đắng nên khi miếng thịt chưa kịp săn lại đã bị cháy rất khó ăn. Bên cạnh đó, mỗi khi rán mỡ, tiếc chút mỡ dính chảo nên bà múc nước rau luộc đổ vào tráng qua, tráng lại rồi trút vào bát nước rau luộc.

Tôi không ăn được kiểu như vậy nên dặn bà là đừng cho kẹo đắng vào thịt, ngày xưa thịt nhiều mỡ, cho kẹo đắng vào tạo màu cho miếng thịt bây giờ toàn thịt nạc không nhất thiết phải cho kẹo đắng vào. Rau luộc bà không nên cho mỡ, nếu muốn tiết kiệm chút mỡ dính chảo thì có thể dùng để rán trứng.

Đơn giản có vậy thôi nhưng tôi dặn là việc của tôi còn bà làm hay không lại là việc của bà. Bà bảo với tôi rằng “Ngày xưa tao đẻ cơm chả có cơm mà ăn, ba ngày đã phải lội xuống ao giặt giũ...”.

{keywords}
Mỗi khi rán mỡ, bà thường tiếc chút mỡ dính chảo nên múc nước rau luộc đổ vào tráng qua, tráng lại rồi trút vào bát nước rau luộc (Ảnh minh họa)

Rồi còn vô vàn những thứ “ngày xửa, ngày xưa...” khác nữa cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc bất tận. Tôi cũng biết những điều bà nói là thật nhưng đấy là cuộc sống ngày xưa khổ sở, không có điều kiện nên phải chịu vậy, bây giờ sao lại cứ bắt con cái phải sống theo cái thời khổ ải ấy?

Nhưng tôi cũng biết rằng mình không thể thay đổi nếp nghĩ của bà khi bà đã ở độ tuổi 70. Tôi cũng không hy vọng bà sẽ chế biến được các món hợp khẩu vị vì ngày xưa khổ có bao giờ được ăn ngon mà biết nấu. Do vậy, tôi chọn phương án im lặng tự phục vụ mình.

Nửa tháng sau, khi vết mổ đã liền, ban ngày tôi chờ con ngủ rồi rón rén vào bếp tự chế biến lấy thức ăn theo ý của mình (cần mua rau cỏ, thịt, cá gì tôi đã dặn chồng đi chợ hoặc nhờ hàng xóm mua hộ). Tôi cố gắng làm một cách nhẹ nhàng để khỏi ảnh hưởng đến vết mổ. 

Có lần, thấy tôi lom khom vào bếp, mẹ chồng tôi bảo “Mẹ mày để đấy bà làm cho”, tôi vội xua tay “Thôi, bà cứ lên nhà đi, con làm ù một tý là xong ”. Vậy là tôi đã giải quyết xong được mâu thuẫn trong chuyện ăn uống.

Tôi cho rằng các bà mẹ chồng đừng nên áp đặt lối tư duy xưa cũ cho con dâu nhưng tôi cũng không đồng tình với cô con dâu chỉ biết đòi hỏi và than vãn. Thay vì ngồi đấy mà chờ mẹ chồng phục vụ thì các chị hãy cố gắng tự làm những gì mình có thể làm được.

Ai chẳng muốn được chiều chuộng, sung sướng nhưng cũng phải tùy từng điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Bây giờ các nàng dâu trẻ chủ yếu lớn lên trong sung sướng, nếu không biết tự cân bằng bản thân và điều chỉnh những mâu thuẫn phát sinh từ những việc nhỏ nhất thì cuộc sống sẽ khó mà bình yên được.

Nguyễn Quế Ngô (Lào Cai)