“Theo báo cáo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường từ tháng 11/2010-8/2015, chúng ta phát hiện 377 vụ với 300 cá nhân và 5 tổ chức vi phạm trong lĩnh vực động vật hoang dã. Mỗi năm khởi tố hơn 30 vụ với gần 70 bị can có liên quan về loại tội phạm này”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Học Viện Cảnh sát Nhân dân, giảng viên khóa tập huấn cho biết tại buổi tập huấn: “Kỹ năng thu thập, quản lý và phân tích thông tin về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã”.

Sáng 21/3, tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, được sự đồng ý của Bộ Công An, Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra Tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức khai giảng khóa tập huấn: “Kỹ năng thu thập, quản lý và phân tích thông tin về tôi phạm liên quan đến động vật hoang dã” cho cán bộ chiến sỹ chuyên trách về phòng chống tội phạm môi trường của Cục Cảnh sát môi trường và Công an thành phố Hà Nội.

{keywords}
Đông đảo lãnh đạo Học viện Cảnh sát Nhân dân tham dự buổi tập huấn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Học Viện Cảnh sát Nhân dân, giảng viên khóa tập huấn: “Tội phạm có liên quan đến động vật hoang dã trong giai đoạn hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng tăng lên cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó lại sự phát hiện của quần chúng nhân dân, sự điều tra của cơ quan công an. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay thì các đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã có xu hướng cấu kết, hình thành với nhau theo các băng nhóm, các đường dây hoạt động xuyên địa bàn, xuyên quốc gia”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Theo báo cáo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường từ tháng 11/2010-8/2015, chúng ta đã phát hiện 377 vụ với 300 cá nhân và 5 tổ chức vi phạm trong lĩnh vực động vật hoang dã. Trong đó mỗi năm chúng ta khởi tố hơn 30 vụ với gần 70 bị can có liên quan về loại tội phạm này”.

Vì vậy đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm về động vật hoang dã theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh là một cuộc đấu tranh đầy cam go và gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn không phải chỉ có mỗi một mình khung pháp lý, cơ chế mà phương thức hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Thậm chí lợi dụng các chính sách của chúng ta để hoạt động”.

{keywords}
Nhiều cán bộ cảnh sát được tập huấn phòng chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. 

Theo bà Hoàng Bích Thủy, đại diện Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã thì, “Việt Nam có vị trí địa lý đặc thù, có đường biên giới dài cả về đường bộ, đường thủy và đường biển, đặc biệt là biên giới giáp Trung Quốc nên hoạt động mua bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp đang diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên công tác đấu tranh với tội phạm này vẫn chưa triệt để”.

Bà Thủy cho hay, “Theo thông báo tại Luân Đôn 2012 thì hàng năm lợi nhuận có từ buôn bán trái phép động vật hoang dã xấp xỉ 19 tỷ đô la. Xếp sau buôn bán vũ khí, buôn bán người và buôn bán ma túy.

Buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam không những gây tổn hại cho an ninh quốc gia mà còn mang tới những nguy cơ về bệnh dịch”.

Trước tính cấp thiết của hoạt động đấu tranh với các hành vi phạm tội nhằm bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường Việt Nam hiện nay, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm môi trường là rất cần thiết.

“Hiện tại Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cùng hợp tác với các cơ quan như Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Ngoại giao để không những chỉ có nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi trong lĩnh vực này mà còn tạo ra các cơ chế hợp tác song phương, hợp tác quốc gia.

Qua những buổi tập huấn này, tôi hy vọng rằng những chiến sĩ công an - những cán bộ thực thi tuyến đầu sẽ phát hiện, nhận dạng đúng đối tượng để có xử lý nghiêm minh”, bà Thủy nói.

Hạnh Thúy