Lần giở từng bức ảnh, quá khứ thời thanh xuân sôi nổi hiện về trong bàng bạc khói sương. Có một thời ta đã sống hồn nhiên, trong vắt những kỷ niệm yêu thương như thế.

{keywords}
 

Huế của hai mươi năm về trước, nhịp sống trầm lặng, buồn buồn như nét trầm mặc muôn thuở của Cố đô. Dưới vòm những tán bằng lăng tím ngắt nơi cổng trường sư phạm, nghe ríu rít bao giọng nói của những đứa con ở muôn phương.

Ta đã tình cờ gặp em trong lần đầu nhập học. Nước da trắng của những triền cát miên man, giọng nói ngọt như nước sông Kiến Giang, và nụ cười hàm tiếu khoe chiếc răng khểnh luôn tỏa nắng của em đã khiến trái tim của gã trai tơ lần đầu biết rung động. Mà chắc là không chỉ riêng ta, em thành thỏi nam châm thu hút mọi ánh nhìn của mọi chàng trai từ bao khoa ở trong trường.

Nỗi nhớ nhè nhẹ về bóng hình của một người con gái xa lạ trong lần đầu gặp gỡ. Ta nghe như có thắt nghẹn len lỏi trong trái tim. Bởi ta hiểu mình đang còn phải vất vả bước đi trong 4 năm giảng đường đại học phía trước. Quãng thời gian được đánh đổi bằng sự vất vả trong từng đường cày của cha, gánh lúa chợ chiều của mẹ và cả những mồ hôi của chị đi làm thân cò thân vạc ở các xí nghiệp nơi xứ người.

Trong muôn vàn sự ngẫu nhiên, tình cờ của số phận đó là việc tôi lại được làm bạn cùng lớp, gắn bó với nhau cả quãng đời sinh viên.

Lớp văn khóa mình tập trung được đầy đủ nhất và cũng có mặt bằng cao nhất – theo như lời thầy hướng dẫn. Nghe thầy xướng tên em và bảng thành tích học tập khủng tôi lại càng khâm phục.

Là học sinh giỏi quốc gia, em có quyền chọn trường nhưng em đã chọn Huế bởi gần nhà và thỏa mơ ước làm cô giáo dạy văn. Khác với tôi chọn ngành sư phạm để khỏi tốn tiền học phí và trầy trật mãi mới được vào đây. Ngỡ như hai thế giới ấy sẽ không tìm thấy được sự đồng cảm thì trong một lần tình cờ, chúng mình đã xích lại gần nhau hơn.

Bữa ấy, trong sự đỏng đảnh của cơn mưa xứ Huế, em với sở thích đi dưới trời mưa dọc đường Lê Lợi bên bờ sông Hương đã bị một trận cảm và nghỉ học mất mấy hôm.

Lớp đến thăm em, em đã nhờ tôi cho mượn vở để ghi chép lại những bài giảng của các thầy cô vì em biết tôi luôn ghi bài đầy đủ. Tôi hơi lưỡng lự vì vở học của mình cũng là cuốn sổ tổng hợp ghi chép linh tinh những ý nghĩ vụn vặt trong đầu. Nhưng trước ánh mắt tha thiết của em, tôi không nỡ chối từ. Rồi mấy hôm sau đi học trở lại, em trả sổ cho tôi. Trong sổ kẹp một tờ giấy ghi nắn nót, đều đẹp của em với lời cảm ơn và bài thơ 'Trời sinh hai đứa chúng mình' của tác giả Vũ Huy Long mà đến giờ tôi vẫn thuộc.

'Trời sinh hai đứa chúng mình/ Cũng tài hoa, cũng đa tình cả hai/ Trời cho ta xuống cõi đời/ Đứa làm thơ, đứa làm người yêu thơ/ Để rồi như thực như mơ/ Ta thành đôi lứa bao giờ không hay … Mai kia khi trở về trời/ Quỳ xin lại được luân hồi yêu nhau'. Đó là bài thơ em yêu thích hay là em biết tôi thích làm thơ, chép thơ nên đã tặng tôi, tôi không biết nhưng kể từ đó chúng mình đã gần gũi và thấu hiểu nhau hơn.

Ta chẳng thể định nghĩa được mối quan hệ ấy là tình yêu hay tình bạn hoặc đơn thuần là những người bạn đồng môn có tâm hồn đa cảm. Bởi giữa chúng ta quá trong sáng và thánh thiện, dường như chẳng vướng bụi trần.

Em là người chia sẻ cùng ta đi qua những vất vả của năm tháng sinh viên, chung vui những khi ta có được bài thơ đăng báo, động viên ta vượt qua những khó khăn của cuộc sống xa nhà.

Gia đình em với bố là cán bộ, mẹ giáo viên, điều kiện sống khá giả so với các bạn trong khóa nhưng em lại sống hòa đồng, chân thành với tất cả. Bao nhiêu chàng trai đã tìm đến em tán tỉnh yêu đương nhưng em đã khéo léo, tế nhị chối từ tất cả. Đôi khi các bạn trong lớp cũng có sự nghi ngờ vì sự thân thiết của chúng mình nhưng chúng mình đã đánh tan dư luận rằng đó chỉ là sự chia sẻ niềm yêu thích văn chương.

Bốn năm đại học trôi qua êm đềm như thế và chúng mình đã suy nghĩ thật nhiều cho tương lai mai sau. Nhưng ngờ đâu, hoàn cảnh gia đình gặp tai họa bất ngờ, tôi phải bảo lưu việc học mất một kì. Trong khi đó, mẹ em nghe phong thanh chuyện của con gái nên đã vào thuê nhà, sống cùng em khi bà vừa về hưu. Mình lạc mất nhau từ đó.

Ta trở lại trường, học nốt quãng thời gian sinh viên cùng lứa sau. Ta đã cố công dò hỏi em mà không biết nơi đâu. Bạn bè chủ yếu về lại quê nhà dạy học. Cũng có người theo chồng chuyển sang công việc khác nhưng chẳng ai biết tin gì về em. Kỉ niệm dần lui về dĩ vãng. Ta cũng ra trường, trở về quê, bươn chải xin việc, lấy vợ sinh con, nuôi gia đình, an phận với cuộc sống một ông giáo làng. Cho đến mãi gần đây, nhờ vào thế giới ảo của những facebook, zalo ta mới gặp lại em và bạn bè nơi xa.

Nghe bạn bè kể, em đã được mẹ chọn cho người chồng xứng đáng, là con  trai của một chủ tập đoàn lớn. Và em hiện nay vừa giảng dạy nhưng cũng vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường tư thục danh tiếng ở phương Nam.

Đôi lần, ghé thăm Facebook của em, ta thấy vợ chồng em mỉm cười hạnh phúc cùng hai đứa con trong những chuyến du lịch nước ngoài. Có lẽ em không còn trách mẹ về một cuộc hôn nhân ép buộc. Em cũng thôi không còn nhớ đến thời sinh viên đầy lãng mạn, mộng mơ qua từng trang viết. Tôi chỉ theo dõi mà không bao giờ like, comment gì bởi không muốn làm xao động (nếu có) phần nào cuộc sống của em.

Nơi em ở những ngày này, con số những người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly vì dịch Covid – 19 đang tăng cao. Nơi miền quê xa, ta chỉ biết cầu mong cho cuộc sống gia đình em bình yên qua mùa dịch. Còn lời mong ước ngày xưa Mai kia khi trở về trời/ Quỳ xin lại được luân hồi yêu nhau chỉ còn trong dĩ vãng mờ xa.

Đinh Hạ