Đây là chuyện của vợ chồng con trai tôi. Khi còn học Đại học Xây Dựng tôi thấy cứ thứ 6 hàng tuần là nó vội vội vàng vàng phi ra bến xe Giáp Bát mua vé về quê. Rồi sáng thứ 2 nó lại ra và vội vã đến trường để kịp học, nhiều khi không kịp ăn sáng. 

Tôi hỏi nó: "Hình như mày yêu đứa nào ở quê phải không?" "Con yêu cái Lý con gái bà Xoan trong xóm mình bố ạ! Năm vừa rồi nó thi trượt đại học. Năm nay con phải về bồi dưỡng thêm cho nó nếu không lại trượt nốt". Tôi nói: "Nếu thế thì mày đưa nó ra đây tìm chỗ luyện thi cẩn thận chứ làm kiểu đó không ăn thua đâu". "Con làm được đấy bố ạ! Con biết nó hổng ở chỗ nào và tìm cách lấp đầy chỗ hổng ấy thì ổn thôi".

Quả đúng như vậy. Công sức của con trai tôi không uổng. Kỳ thi năm đó Lý đỗ vào trường đại học Luật. Cử nhân luật học 4 năm còn con trai tôi học để lấy bằng kỹ sư, thời gian học dài hơn. Vì thế hai đứa tốt nghiệp đại học cùng một năm. Con trai tôi tốt nghiệp bằng giỏi nên xin được việc làm ngay. Còn Lý sức học bình thường nên mãi không xin được việc làm. Vả lại cử nhân Luật cũng khó xin việc. Nghe nói ngành luật ở thành phố Hồ Chí Minh dễ xin việc hơn. Con trai tôi nhảy vào Sài Gòn, xin việc làm ở một công ty xây dựng rồi đưa Lý vào đó và chạy vạy xin được việc cho nó. Rồi chúng nó tính chuyện cưới.

Đã cưới vợ thì phải có nhà. Vợ chồng tôi dốc hết vốn gửi cho nó mua 1 căn hộ 60m2 ở thành phố Bình Dương. Lý làm việc ở Quận 2 thành phố Hồ Chí Minh, đường đi làm khá xa. Khi Lý mang bầu, nó nói với chồng: "Em đi làm xa quá, có khi sảy thai mất". Thế là con trai tôi bán căn hộ ở Bình Dương, vay công ty thêm 1.5 tỷ đồng mua 1 căn hộ ở Quận 2. Cá chuối đắm đuối vì con, nhà tôi vào Sài Gòn sống cùng vợ chồng chúng nó để giúp đỡ con dâu vì nó cũng sắp đẻ rồi.

Lý sinh con gái đầu lòng. Nhà tôi mừng lắm. Ao sâu lợn nái không bằng con gái đầu lòng. Hai vợ chồng son thêm đứa con nữa. Việc chi tiêu hàng ngày thành vấn đề nóng. Lý nói với chồng: "Em sẽ quản lương tháng của anh. Anh lĩnh lương về đưa hết cho em, khi cần chi tiêu gì thì bảo em đưa". Con trai tôi nói: "Anh có thể xin tiền bố mẹ chứ không xin tiền vợ. Mọi việc trong nhà từ ăn uống, điện nước anh lo đủ thế là được rồi. Tiền lương của anh một nửa phải gửi phòng kế toán trả nợ dần cho công ty", "Của chồng công vợ. Anh nói thế là không tôn trọng em". Và thế là chúng xảy ra chiến tranh lạnh.

Lý không bao giờ ngồi ăn với cả nhà. Đi làm về mặt nặng như chì, không nói năng gì cả. Ra đường sợ xe công nông về nhà sợ nhất vợ không nói gì. Nhưng con trai tôi là đứa biết tự chủ. Nó mặc kệ rồi chiến tranh lạnh cũng tan đi.

Không thể trông vào đồng lương kỹ sư xây dựng để trả hết nợ cho công ty được, con trai tôi vừa làm ở công ty vừa tranh thủ buôn bán đất đai. Rất may là nó gặp thời. Sau 1 năm buôn bán đất nó trả hết nợ công ty lại còn mua được 1 cái camry mới tinh. Rồi Lý mang bầu và sinh đứa thứ 2 là con trai. Nó gọi điện cho tôi: "Con tự hào lắm bố ạ".

Đến năm nay chúng nó đã có với nhau 2 mặt con một gái, một trai. Tôi yên tâm về chúng nó, nghĩ là chúng nó sẽ hạnh phúc. Nhưng vừa rồi nhà tôi gọi điện nói: "Lại xảy ra chiến tranh lạnh rồi". "Vì sao vậy?" "Cái Lý yêu cầu chồng sáng chở đi làm, chiều đón về. Nó bảo nắng lắm, đi xe máy không chịu được". Tôi nói: " Em động viên con trai bảo nó hết sức bình tĩnh. Không được để chiến tranh lạnh trở thành chiến tranh nóng. Chiến tranh lạnh hoặc sẽ thành chiến tranh nóng hoặc sẽ tự tan đi". "Em không biết có tan không. Sống với chúng nó mà nhà không vui em chán lắm".

Khi tôi viết bài báo này thì chiến tranh lạnh trong nhà con trai tôi vẫn chưa kết thúc. Ngoài đường nắng nóng, không khí trong gia đình còn nóng hơn. Tôi gọi điện cho con trai: "Có một nhà tâm lý học Châu Âu nói rằng: "Các ông chồng đừng bao giờ cố gắng vì vợ, bởi không bao giờ là đủ". Câu nói đó hơi cực đoan nhưng không phải là hoàn toàn vô lý. Con bình tĩnh, làm tròn phận sự của người chủ gia đình. Không nói gì cả. Chiến tranh lạnh rồi sẽ qua đi. Tình yêu tự đến còn hạnh phúc thì không tự đến mà hai vợ chồng phải phấn đấu cả đời mới có. Hãy nhìn nhau mà sống. Và phải biết nhịn. Một sự nhịn là chín sự lành. Nếu để xảy ra chiến tranh nóng thì gia đình sẽ tan, con thất bại và vợ con cũng thất bại".

Có nên từ bỏ cuộc sống gia đình yên ổn để đến với tình yêu đích thực?

Có nên từ bỏ cuộc sống gia đình yên ổn để đến với tình yêu đích thực?

Cuộc gặp với em hôm đó ở buổi họp lớp đã trở thành bước ngoặt của cuộc đời tôi.

Theo Gia đình & Xã hội