Đồng nghiệp luôn thấy tôi là một nhân viên mẫn cán, chịu khó tăng ca chẳng tính công, nhưng thực ra tôi cũng chán khi cứ phải vạ vật ngoài đường, nên mới nán lại cơ quan một giờ, để thời gian gặp mẹ chồng càng ít càng tốt.

Bao u uẩn cứ chất chứa trong lòng, tôi chẳng biết tâm sự với ai, cũng chẳng biết làm gì khác ngoài việc hạn chế ở nhà.

Sáu giờ tôi đi đón con, rồi đi đâu đó, bảy giờ mới về. Tôi về nhà muộn thì cũng vẫn đến lượt, một thân một mình nấu nướng, dọn dẹp. Tôi có chẳng may về sớm thì lại sớm việc, bà sẽ bầy ra thêm, rồi tôi sẽ được vừa làm vừa nghe bà lan man về những con đàn bà lười chảy thây...

Tôi làm xong hết việc thì vừa kịp giờ lên giường đi ngủ, để không phải ngồi nghe bà than vãn, kể chuyện vặt nhảm nhí mà tôi không biết phải tiếp lời thế nào. Chồng tôi cũng chẳng mấy khi ngồi lâu được với mẹ mình.

Một người mà “bé thì cậy mẹ cậy cha, lớn lên cậy chồng, về già dựa con”, chưa tự mình làm được gì nên hồn, ngoài đẻ những đứa con và mặc kệ chúng bươn bả từ nhỏ, thì có gì đáng yêu? Cái thói ỷ lại dù mới ngoài năm mươi, vẫn khỏe mạnh của bà khiến tôi thấy không thể thương cảm nổi. Đã vậy bà lại luôn dè bỉu những người tham công tiếc việc, “làm nhiều thế, chết có mang đi được đâu”. Thi thoảng bà lại thích hưởng thụ, đòi, tao muốn đi chỗ này chỗ nọ, mặc kệ con cái bận cuống cà kê, làm chẳng có ngày nghỉ, chỉ đủ sống giữa thời vật giá leo thang.

Chồng tôi, một người bạc nhược, ba phải, anh chẳng thể làm gì khác ngoài việc mặc kệ vợ cam chịu, vì anh cho rằng đó toàn là những việc tèm nhèm vớ vẩn của đàn bà, anh không chấp.

Hồi mới về làm dâu tôi thấy bố chồng mình thật kỳ lạ, một người vừa lo kiếm tiền vừa phải tự cân đối thu chi, đi chợ lúc thừa lúc thiếu rối tung lên mà chẳng dám giao cho vợ… Tôi nghĩ ông là người so đo, bủn xỉn, nhưng rồi có lúc tôi đặt mình vào hoàn cảnh của ông, làm ra tiền song có người vợ lười nhác, vô công rồi nghề, chả biết thu vén lại hoang phí, luôn trông chờ vào người khác, đã thế thi thoảng lại“quất” con đề cho vui... Ai dám giao cuộc đời mình và con cái mình cho người đó?

Chồng tôi chẳng bao giờ thèm hiểu vì sao bố không thể sống với mẹ, anh cũng không muốn biết vì sao chị dâu mình không thể nhịn nổi bà mà làm tanh bành một trận ra trò, khiến bà phải dạt xuống đây. Mẹ chồng tôi vốn chẳng có ai bầu bạn, nên bà rời quê nào bận tâm, tiếc nuối gì.

Cũng có thể anh biết nhưng cố tình lờ đi vì người thân của anh làm sao mà không tốt được. Thành ra chẳng bao giờ anh chịu góp ý để bà biết mình biết ta, sửa dần cái tính khí “chuối”, thất thường của mình cho con cháu nhờ. Bà lúc nào cũng là người đúng, có sai thì con cháu cũng vẫn phải cố mà nghe theo, không thì là phường mất dậy, khốn nạn “lộn đầu tôm”. “Dù gì tao cũng đẻ ra mày”...

“Nuôi con ai nỡ tính công”, tôi rất sợ những người mở mồm là kể lể, so sánh, đoạn bắt con phải thế nọ thế kia vì mình đã có công sinh nó. Bởi thật ra, các cụ nuôi ông bà lớn khôn, ông bà nuôi các con, rồi con cái lại sinh thành, nuôi nấng con của chúng nó trưởng thành… Đó là cái nợ đồng lần, sao nỡ mang ra đếm đong?

Nhà chúng tôi là tự hai vợ chồng xây, bà không giúp đỡ được tí gì dù chỉ một viên gạch, hai đứa con tôi cũng phải thuê người bế chứ bà chưa một lần động tay, vậy mà…

Bà lúc nào cũng cho rằng con trai mình giỏi giang, kiếm tiền là đủ, việc nhà đàn bà đi mà làm. Bà vẫn ảo tưởng, chồng tôi là người làm ra nhiều tiền nhất nhà, trong khi hoàn toàn ngược lại. Anh vì sỹ diện nên chẳng đời nào nói với mẹ. Tôi mua gì ăn bà cũng lườm nguýt, miếng ngon, tươi, lạ phải giành hết cho con trai bà đi làm vất vả. Tôi quá chán nản với cảnh là ô sin không công, lại còn phải hàng ngày nghe bài ca nhiếc móc, dằn vặt từ người mà mình vẫn phải chăm lo cho từng cái nhỏ nhặt nhất.

Bà rảnh chẳng đỡ đần tôi tí nào gọi là nhúc nhắc tay chân cho khỏe… thì thôi, toàn đi bêu rếu, chuyện hươu vượn với mấy người trong xóm, khiến ai nấy coi thường chẳng buồn tiếp.

Tôi cứ về một cái là bà chỉ khắp nơi khắp chốn chỗ nào cần thu, mãi rồi tôi cũng mặc, ở bẩn tí chẳng chết được, chỉ chết non vì stress thôi. Đầu tôi lúc nào cũng căng ra mỗi khi về đến nhà, nhìn thấy bà là tôi lại chỉ muốn quay ra đi tiếp, đâu cũng được. Song giờ mà có làm bung bét ra thì gia đình nhỏ cũng chẳng còn…

Bà ra rả liên mồm trách con dâu chẳng thương bà, quan tâm đến bà hơn nữa... Suy cho cùng, con trai bà, bà còn chả thương, thấy chúng tha phương cầu thực vất vả, nhìn nó bạc nhược làm đêm làm hôm, mồ hôi trán rán mồ hôi lưng bà cũng có thương đâu, nữa là đòi thương con dâu. Bà không thương dâu, đương nhiên nó chẳng thể có tình cảm ngược lại. Sao cứ đòi hỏi ở người khác, mà không tự đặt câu hỏi với bản thân?

Bà thường cười khẩy bảo “Có rế sao phải bắc tay không, tao đẻ con thì tao nhờ, chả việc gì phải khổ. Tuổi tao giờ phải được nghỉ ngơi”. Đã bao lâu nay rồi chồng vẫn không ra mặt, tôi có nên tự cứu mình? Trước khi phát rồ, tôi hãy thôi nhẫn nhịn mà cần thẳng thắn để bà biết mình là ai và đang ở đâu không? Làm thế nào đây?

Vân Navy - hot girl năm ấy ai cũng muốn theo đuổi giờ ra sao?

Vân Navy - hot girl năm ấy ai cũng muốn theo đuổi giờ ra sao?

Giữa đỉnh cao sự nghiệp, Vân Navy bất ngờ chuyển hướng sự nghiệp sang kinh doanh và đã đạt được những thành tựu đáng nể.

 

(Theo Dân trí)