Gần hai tháng qua, từ ngày ba đưa bạn gái về ra mắt là những tháng ngày lê thê, chới với, khủng hoảng với Thảo, cô con gái 15 tuổi. 

Thảo nhớ hôm đó đúng dịp Tết, có mặt cô bác họ hàng, ba vào phòng gọi Thảo, chỉ tay đầy mệnh lệnh: Ra chào cô Ngân, lễ phép và vui vẻ lên! 

Trước đó, không hề có một cuộc trao đổi, nói chuyện nào trước. Cô con gái lết người ra phòng khách, cố cười chào người mẹ kế trẻ đẹp mà không che nổi sự gượng gạo. 

Ráng ngồi được một lúc, cô bé chạy vào phòng, ôm gối khóc nức nở, vừa cắn miệng vào gối vừa gào lên: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ở đâu? Nỗi đau cách đây 3 năm, khi mẹ cưới chồng lại tràn về với Thảo. 

Trước khi ba mẹ ly hôn, đã không biết bao nhiêu lần Thảo chứng kiến hai người cãi vã, miệt thị, bôi nhọ, đấu tố lẫn nhau. Cuộc chiến hạ nhục nhau kéo dài cho đến lúc làm thủ tục ly hôn, ra tòa, thêm việc tranh chấp nuôi con. 

Đánh trúng điểm yếu, mẹ ngoại tình, bỏ bê gia đình, ba Thảo giành được quyền nuôi con. Nhưng không phải ai giành nuôi con cũng là vì thật sự muốn nuôi con. 

Ngày dọn đồ, dắt tay Thảo đi, ba chỉ thẳng tay vào mặt mẹ: Tôi nuôi nó để cả đời cô đeo tiếng thơm là loại phụ nữ bỏ con theo trai. 

Thảo với ba về ở bên nhà nội, còn ba đi triền miên, rất hiếm khi ở nhà. Nhưng ông gây khó dễ đủ kiểu, không cho mẹ qua gặp con.  Thời gian đầu, mẹ đến trường gặp Thảo được đôi ba lần rồi mất liên lạc dần. 

Hơn một năm sau, ba dẫn Thảo về bên ngoại, nói con gái về để dự đám cưới mẹ, để chứng kiến mẹ bỏ mình như thế nào. Mẹ đi bước nữa với mối tình đầu, hai người tìm lại nhau, nhận ra không thể sống thiếu nhau sau khi đều đã kết hôn, có con và cùng để lại con cho đối phương... 

Gặp con phút chốc sau lễ cưới, buông  lời oán trách ba đủ kiểu, mẹ nói thay cho lời tạm biệt: Lúc nào có điều kiện, mẹ sẽ đón con về!

Từ đó đến nay, đã gần 3 năm, Thảo chưa gặp lại mẹ dù sống cùng thành phố. Cô chỉ biết thông tin từ ba, mẹ có em rồi, quên con lâu rồi!

Ba đi miết, cô bé về sống cùng ông bà nội ở ngay tuổi mới lớn đầy khủng hoảng cùng với bao thương tổn trong lòng. Thấy đứa cháu gái lầm lì, ương bướng, nhiều lần bà nội buột miệng: Nhìn khó ưa y như con mẹ mày!

Cô bé như một cái bóng trong nhà, ít tương tác, giao tiếp, không biết chia sẻ cùng ai.

Thật ra, Thảo cũng không sống với ba bao nhiêu, chẳng mấy khi gặp ba. Mỗi khi ba về, hai ba con cũng không trò chuyện, hỏi han gì nhau.

Chưa kể, mỗi khi công việc không suôn sẻ, hay chuyện tình cảm trắc trở, ông lại đổ lỗi cho mẹ. Mà đổ lỗi cho mẹ, lại trút tức giận, ấm ức lên đầu con gái. 

Sau nhiều mối quan hệ không đâu đến đâu, rồi ba cũng cưới vợ. Trong suy nghĩ, Thảo cũng muốn ba lấy vợ, mà sao khi điều đó xảy đến, cô con gái lại hụt hẫng, đau đớn tận cùng. 

Bên trong sâu thẳm của đứa con kiệt quệ cô đơn như Thảo, ba như chỗ bấu víu cuối cùng về tình yêu thương. 

Ba về bên nhà vợ sống. Ông không hỏi một lời, con có muốn sống với ba và dì không? Ông đi như không hề có đứa con gái này.

Chưa lúc nào, cô con gái cảm nhận rõ mình đứng bên rìa hạnh phúc của ba mẹ như lúc ba xách va li đi. Cảm giác đó chảy loang lổ trong từng tế bào, hơi thở, cảm xúc của em. 

Sau ngày ba về nhà vợ, cô con gái uống cả vốc thuốc ngủ, mong ngủ một giấc dài không bao giờ phải thức dậy... Bà nội phát hiện, kịp đưa cháu vào viện. 

Bà gọi cho ba báo tin, ba nói, vợ chồng ba đang đi trăng mật ở Phú Quốc. Bà với ba bàn với nhau, có khi gửi Thảo về bên nhà ông bà ngoại.

Theo Dân Trí

Trước khi ly hôn hãy tự hỏi: Tiếc một ông chồng hay tiếc một cuộc hôn nhân

Trước khi ly hôn hãy tự hỏi: Tiếc một ông chồng hay tiếc một cuộc hôn nhân

Chúng ta luôn nhầm lẫn giữa việc tiếc một ông chồng với tiếc một cuộc hôn nhân và vì thế chúng ta không dứt ra khỏi những buồn đau, cô đơn.