Chồng tôi có hai anh trai đều cưới vợ ở xa, có mỗi anh sống ở quê với bố mẹ. Từ lúc về làm dâu, bố mẹ chồng đã nói rõ cho tôi xác định tư tưởng chồng tôi là con út, các anh đều đã lập nghiệp xa nên vợ chồng tôi sẽ phải ở cùng bố mẹ, không có chuyện dọn ra ngoài sống, nếu để việc đó xảy ra, bố mẹ sẽ từ mặt.

Trong ba chị em dâu, mẹ chồng tôi quý chị dâu cả ra mặt. Mẹ chồng luôn khen ngợi chị ấy có học thức, lại dịu dàng, ăn nói dễ nghe. Quả là khoa nói của chị ấy thu phục cả họ chồng tôi chứ không chỉ mẹ chồng.

Chị là người Hà Nội gốc, giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, lại hay nói những lời tình cảm, khen ngợi nên ai trò chuyện cùng cũng mát lòng.  Mỗi lần về quê, chị còn mang theo nhiều quà cáp cho các thành viên trong gia đình. Cái gương hiền thảo, nết na của chị dâu cả khiến tôi rất áp lực, luôn bị mang ra làm nền so sánh.

Chị dâu thứ hai tuy không quá hoàn hảo trong mắt nhà chồng, có những lúc làm mẹ chồng phật ý vì kém tinh tế, dịu dàng, nhưng vẫn được cả nhà coi trọng vì chị giỏi kiếm tiền, lại tích cực hỗ trợ sự nghiệp của chồng. Nhà đẻ chị ấy có điều kiện, bản thân chị cũng kinh doanh buôn bán mát tay. 

Giỗ chạp có khi bận không về được, nhưng chị hai vẫn không quên gửi phong bì dày về thắp hương. Nhiều đồ gia dụng trong nhà là do vợ chồng chị mua tặng bố mẹ. Vậy nên bố mẹ chồng tôi vẫn luôn ngọt ngào với con dâu thứ.

Tôi thì không có gì xuất sắc như hai chị dâu. Tôi chỉ là một công chức huyện, gia cảnh, học thức bình thường. Mọi người nhận xét tôi hiền lành, chăm chỉ. 

Quả thực, khi đi làm dâu, tôi chẳng nề hà việc gì. Vốn là chị cả trong gia đình đông con nên tôi khá tháo vát việc bếp núc, chăm lo gia đình. Cỗ to thì không nói chứ cỗ nhỏ khoảng 5-6 mâm, một mình tôi có thể sửa soạn chỉn chu. Ở nhà chồng, mọi công việc nội trợ đều đến tay tôi, mẹ chồng chỉ phụ tôi việc đi chợ.

Dù vậy, việc sống chung với bố mẹ chồng vẫn xảy ra những lúc xích mích. Các cụ bảo cấm có sai, "xa thơm, gần thối". Nếu tôi cũng ở xa, thỉnh thoảng ghé thăm, có điều kiện để tặng quà, biếu tiền, chắc mối quan hệ của tôi với bố mẹ chồng sẽ tốt hơn nhiều. 

Đằng này tôi sống cùng, một bữa cơm không vừa miệng, một bộ đồ mặc nhà không phù hợp, một hôm đi làm về muộn, một lần cãi nhau với chồng hơi to tiếng, một tháng đóng tiền ăn muộn, cũng đủ tích lại từng chút một, gây ra sự bất đồng lớn. 

Nghĩ cho chồng nên tôi ít khi cãi vã với mẹ chồng dù mẹ hay nói lời khó nghe, nhưng tôi cố gắng bao nhiêu dường như cũng không đủ. Tôi giống như con dâu "ghẻ" trong nhà, luôn bị so sánh với hai chị dâu. Chồng tôi bảo với bố mẹ mỗi người mỗi cảnh, kẻ góp của, người góp công, sau này bố mẹ già yếu thì vợ chồng tôi chính là người chăm sóc, nhưng hai cụ cũng chẳng có vẻ gì là thông cảm.

Gần đây mẹ chồng tôi ốm nhập viện. Tôi phải xin nghỉ phép chăm sóc bà cả tuần, chồng tôi thì chạy lui chạy tới, vừa lo cho bố và các con ở nhà, vừa vào viện lo các thủ tục cho mẹ. Vợ chồng anh cả chỉ về trực thay tôi một đêm. Vợ chồng anh hai thì chỉ kịp ghé qua thăm 30 phút.

Nhưng bố mẹ chồng cứ xuýt xoa rằng "may có con dâu cả quen biết bác sỹ ở bệnh viện nên mẹ được hưởng dịch vụ tốt hơn", "may có con dâu thứ mua cho mẹ nhiều thuốc bổ để mẹ nhanh khỏe lại". Còn việc tôi xin nghỉ để chăm mẹ cứ như một việc hiển nhiên vì tôi ở gần, tiện đường đi lại. 

Ước gì, bố mẹ chồng nghĩ đến chúng tôi kề cận sớm hôm, mà động viên một câu rằng "may có vợ chồng con út ở gần cũng đỡ đần được bố mẹ".

Theo Dân Trí

Ghen tỵ với mâm cơm ở cữ quá xuất sắc của 'mẹ chồng quốc dân'

Ghen tỵ với mâm cơm ở cữ quá xuất sắc của 'mẹ chồng quốc dân'

Mới đây, những hình ảnh về bữa cơm nấu cho con dâu ở cữ của cô Thanh Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em trên mạng xã hội.