Gần đây, Bệnh viện Nam học và hiếm muốn Hà Nội tiếp nhận một số trường hợp nam giới còn trẻ đến viện trong tình trạng đau ở vùng kín dữ dội, mà nguyên nhân sau đó được kết luận bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn. Không ít bệnh nhân mới ở tuổi vị thành niên.

Tiến sĩ - bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện, cung cấp tới bạn đọc một số thông tin về căn bệnh “khó nói” này.

Xoắn tinh hoàn ở nam giới, bệnh gặp lứa tuổi trẻ em và tuổi trưởng thành (12-18 tuổi) chiếm 65%; tỷ lệ 1/4000 ca ở nam giới trên 25 tuổi. Bệnh là tình trạng thừng tinh bị xoắn, làm ngừng trệ nguồn máu nuôi tinh hoàn, thời gian xoắn kéo dài làm thương tổn nhu mô tinh hoàn, thương tổn từ hồi phục đến không hồi phục, làm mất chức năng tinh hoàn, đặc biệt chức năng sinh tinh trùng.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Triệu chứng xoắn tinh hoàn

Nam giới bị đau tinh hoàn dữ dội, đau kéo dài, cơn đau dịu sau khoảng 5 - 6 tiếng, phản xạ bìu giảm hoặc mất hẳn. Nhiều triệu chứng của xoắn tinh hoàn giống viêm nhiễm trùng mào tinh. Bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau tinh hoàn đột ngột, dữ dội, hoặc khi các dấu hiệu lâm sàng loại trừ chẩn đoán viêm niệu đạo hay nhiễm khuẩn niệu. Khi vào viện bệnh nhân làm siêu âm Doppler bìu phát hiện dòng máu động mạch nuôi tinh hoàn ngừng trệ hoàn toàn hay giảm. Tuy vậy, nếu nghi ngờ xoắn, gỡ xoắn ngay lập tức để ngừa nhồi huyết tinh hoàn, gây hậu quả vô sinh sau này (có thể phải cắt bỏ tinh hoàn do hoại tử - vì thời gian xoắn kéo dài). Nếu triệu chứng lâm sàng điển hình, nhiều khi không nhất thiết phải chờ đợi siêu âm - mà đưa ngay bệnh nhân lên phòng mổ - vì thời gian chờ đợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi chức năng tinh hoàn- đặc biệt chức năng sinh tinh.

Nam giới nhập viện khám lâm sàng tìm dấu hiệu Prehn's kinh điển để giúp chẩn đoán phân biệt giữa đau do xoắn tinh hoàn và nguyên nhân khác. Trong xoắn tinh hoàn điển hình, phản xạ bìu mất, bìu sưng to, có thể nằm ngang. Siêu âm Doppler màu xác định dòng máu đi vào tinh hoàn bị xoắn, phân biệt viêm mào tinh. Phóng xạ hạt nhân là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán- nhưng ít được thực hiện. Xét nghiệm nước tiểu loại trừ nhiễm khuẩn tiết niệu. Mổ thăm dò đôi khi cũng rất cần nếu chẩn đoán xác định và loại trừ chưa rõ mà không thể sử dụng thăm dò khác được. Nếu xoắn tinh hoàn mà dấu hiệu không điển hình, khi đó cần mổ ngay cả khi tinh hoàn đã “tự gỡ xoắn” để cố định tinh hoàn - ngừa xoắn tái phát.

Điều trị xoắn tinh hoàn nam

Ngay từ năm 1952 bác sỹ người Mỹ Dean Moheet ở Dallas là người tiên phong trong can thiệp ngoại khoa đơn giản, ít xâm lấn điều trị hiệu quả. Phẫu thuật cấp cứu, chỉ cần rạch một lỗ nhỏ, gỡ xoắn, cố định tinh hoàn với cơ bìu. Có thể khâu cố định cả hai bên ngừa xoắn tái phát. Chẩn đoán và điều trị trong giới hạn thời gian nhất định có thể bảo tồn chức năng tình dục cũng như sinh sản ở số đông bệnh nhân.

Xoắn tinh hoàn thuộc dạng cấp cứu ngoại khoa, cần phẫu thuật tức thì. Trong vòng 6 giờ là cơ hội vàng của điều trị; trong 12 giờ thành công 75%; trong 24 giờ thành công 20%; sau 24h hầu như không hiệu quả, các tế bào nhu mô hoại tử, cần cắt bỏ để tránh hoại thư. Số ít có thể “tự gỡ xoắn” hoặc gỡ xoắn bằng tay. Thủ thuật làm cho bệnh nhân đau giảm nhiều, kết quả đến 26,5%.

TS.BS Lê Vương Văn Vệ

(Theo Trí thức trẻ)