Nhiều người buôn đá quý ở huyện Lục Yên, Yên Bái thừa nhận, may mắn chiếm đến 50% trong các vụ giao dịch, còn lại sự thành bại phụ thuộc vào các yếu tố khác như kinh nghiệm, mối quan hệ…

Khi cầm trên tay một khối đá thô không ai có thể khẳng định chắc chắn trong đó có đá quý hay không. Vì sự may rủi này, nhiều người phất lên nhưng cũng không ít người ôm ‘quả đắng’ vì đá quý.

Đầu tháng 7/2019, tại huyện Lục Yên xuất hiện thông tin một viên đá quý được bán với giá 3,8 tỷ đồng đã gây nên một cơn sốt tại vùng đất này.

{keywords}
Viên đá quý được bán với giá 3,8 tỷ đồng.

Hàng nghìn người đổ xô về khu vực bãi Bưởi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên để mong mình cũng có vận may như vậy. Lúc cao điểm có tới hàng nghìn người vác dụng cụ đào bới làm ồn ào cả một vùng quê.

Tuy nhiên Chị Nga (SN 1979, một người buôn đá quý ở TT Yên Thế, huyện Lục Yên) cho biết, giá trị của viên đá lại không như mong muốn.

Viên đá quý đào được thuộc dòng đá quý Spinel, là một khối đá màu xanh dương, bên trong chứa nhiều viên đá quý nhỏ. Khối đá này nặng 2,1kg, dài 13cm, rộng 6cm do một người dân đào được.

Sau đó, qua nhiều lần mua đi bán lại, nhóm người cuối cùng mua khối đá thô này với giá 3,8 tỷ đồng.

‘Tuy nhiên khi đập khối đá trên ra, số đá quý tìm được không quá lớn. Những viên đá nhỏ bên trong giá trị không quá cao, chỉ được định giá khoảng 400 triệu đồng. Đây là một vụ thua đá lớn ở Lục Yên’, chị Nga cho biết.

{keywords}
Số hồng ngọc thu được sau khi đập vỡ một khối đá thô.

Ngoài những thương vụ lớn, việc bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu để mua một viên đá thô nhưng đập ra, bên trong không có gì đáng giá là chuyện không phải hiếm ở đây.

‘Với những viên đá thô giá trị lớn, nhiều tiền, người mua phải cân nhắc rất kỹ để ra giá hoặc họ có thể rủ bạn bè cùng chung tiền mua.

Hầu hết các tay buôn đá quý sau khi thất bại đều vẫn tiếp tục theo đuổi nghề bởi việc được, mất với họ là chuyện bình thường’, anh Lê Văn Hà (SN 1988, người buôn đá quý tại TT Yên Thế) cho biết.

Để buôn đá quý, người dân phải có vốn và kinh nghiệm. Bởi vậy tại Lục Yên, những người không có vốn sẽ sống bằng các nghề khác từ đá quý như làm tranh đá, chế tác vàng bạc, đá quý…

{keywords}
Bên trong một cơ sở chế tác vàng bạc, đá quý.

Anh Mai Phú Hoán (SN 1984, quê Thái Bình) lên Lục Yên làm việc tại một cửa hàng chế tác đá quý 2 năm nay.

‘Công việc của tôi là chế tạo nhẫn, dây chuyền… theo mẫu và đá quý mà khách yêu cầu. Thời điểm chúng tôi đắt khách nhất là tháng 8 - 12 bởi đây là mùa cưới hỏi.

Có những ngày cao điểm, chúng tôi phải làm đêm nhưng cũng có những đơn hàng khách không khắt khe về thời gian, thợ có thể làm nhàn hơn’, anh Hoán nói.

Theo anh Hoán, tiền công mỗi sản phẩm khoảng 600 nghìn đồng và mất từ 1 - 3 ngày để hoàn thành.

‘Khách mang đá quý tự nhiên đến giao cho chúng tôi làm thì không phải đặt cọc. Nhưng khách đưa đá quý công nghiệp, giá trị thấp đến đặt làm nhẫn, dây chuyền chúng tôi phải yêu cầu đặt cọc.

Bởi nếu khách không quen biết, sau khi chúng tôi hoàn thành hàng, không quay lại lấy sản phẩm thì chúng tôi mất trắng số tiền công’, thợ đá quý nói thêm.

Vị khách đặt nhẫn giá trị nhất trong cửa hàng anh Hoán làm việc là người đưa viên đá quý hồng ngọc trị giá khoảng 500 triệu đồng đến yêu cầu làm một chiếc nhẫn.

‘Ở các vùng khác, không có đá quý tự nhiên, người ta dùng đá quý công nghiệp để trang sức cho vàng. Tuy nhiên ở đây, đá quý nhiều nên vàng chỉ là vật để trang trí, làm nổi bật đá quý.

Ví dụ có những chiếc nhẫn, giá trị vàng và tiền công chỉ khoảng 20 triệu đồng nhưng viên đá quý lên đến hàng trăm triệu. Lúc này, vàng chỉ là vật làm nền cho đá quý’.

Công việc chế tác đưa cho anh Hoán mức thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng tùy theo lượng sản phẩm làm được.

{keywords}
Thợ nữ đang chế tác tranh đá quý
{keywords}
Một bức tranh làm từ đá hồng ngọc.

Một nghề khá phổ biến tại đây nữa là nghề làm tranh từ đá quý. Số đá quý vụn, xấu có giá thành rẻ được tận dụng, tán nhỏ để làm tranh.

Chị Nga (SN 1979, TT Yên Thế) cũng có 2 năm làm tranh đá quý trước khi chuyển sang nghề buôn đá quý.

Chị nói: ‘Giá thành bức tranh phụ thuộc vào kích cỡ và loại đá. Ví dụ đá màu đỏ hồng ngọc và đá xanh là đắt nhất, loại đá trắng lại rẻ hơn. ’

Cao điểm nhất của người làm tranh từ đá quý là những tháng giáp Tết. Lúc này nhu cầu của khách mua tranh về trang trí nhà cửa nhiều khiến cho người làm rất tất bật.

‘Thu nhập của chúng tôi cũng tùy thuộc vào công việc. Người giã đá quý để làm tranh khoảng 3- 4 triệu đồng/tháng, người làm tranh (vẽ, tạo hình) được trả từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng tùy vào tay nghề’.

Nhóm người ôm trọn 3,5 tỷ đồng từ một viên đá thô xù xì

Nhóm người ôm trọn 3,5 tỷ đồng từ một viên đá thô xù xì

 Bỏ tiền mua một viên đá thô, xù xì, các tay buôn đá quý đập ra với hy vọng tìm được tiền tỷ. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện đổi đời nhờ ‘lộc trời cho’ xuất hiện ở vùng đất đá quý Lục Yên.

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo