- Cách đây mấy ngày, khi đang giao dịch ở ngân hàng thì cô thu ngân vừa đếm tiền, vừa ngước lên mỉm cười hỏi tôi bằng tiếng Anh: “Anh đã chuẩn bị cho năm mới chưa?".

Tôi hơi ngạc nhiên: “Cô cũng biết năm mới của chúng tôi nữa hả?”. Cô cười rất thân thiện: “Biết chứ, anh là người gốc Việt Nam phải không? Tôi hay đổi tiền 2 USD cho khách hàng vào dịp này để họ tặng cho nhau với mong muốn may mắn trong năm mới. Anh có cần không?”. Tôi cám ơn cô và khi ra về cô còn đưa tay vẫy kèm lời chúc: “Happy New Year!”.

Có lẽ đối với người Việt ở Mỹ, trong những ngày này, vùng Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) thuộc Quận Cam (Nam California) là một trong những nơi không khí Tết hiện diện rõ nét nhất. 

Những con đường chính của vùng như phố Bolsa hay những bãi đậu xe của những trung tâm thương mại bán đồ thực phẩm Việt Nam (người Việt ở đây gọi tắt là “chợ”) hầu như luôn luôn bị kẹt cứng.

{keywords}

{keywords}

Không khí đón Tết cổ truyền của người Việt ở Nam California không khác gì ở quê nhà.

Quả thật là thiên hạ “nườm nượp” đi sắm Tết. Chợ hoa được tổ chức tại Trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ (nơi được ví như là chợ Bến Thành của Việt Nam) với màu sắc rực rỡ của bao loại hoa lẫn cờ phướn cùng những tà áo dài thướt tha của các cô gái đi dạo chợ Tết.

Ngoài các loại hoa truyền thống để chưng Tết như đào, mai, cúc, vạn thọ... thì ở đây còn bán bao lì xì, đồ múa lân, trái cây các loại... Các bản nhạc xuân rộn ràng được phát lên làm người nghe không khỏi rạo rực, lẫn với chút bâng khuâng, nhớ nhung sâu lắng...

Khác với những tiểu bang xa xôi khác, đôi khi phải lái xe mấy tiếng đồng hồ mới tìm được thực phẩm Việt Nam thì ở vùng Little Saigon này, đồ Tết không thiếu một thứ gì.

{keywords}

{keywords}

Chị em xúng xính áo dài đi chợ hoa sắm Tết.

Các siêu thị đầy ắp các loại bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò thủ, chả giò, các loại mứt trái cây... phục vụ người mua đủ để cúng Tết mà không phải động tay nấu nướng gì cả. Các loại thực phẩm đã được chế biến tại đây (bánh, giò...) đều được sản xuất tại Mỹ, ngoại trừ một số loại mứt có xuất xứ từ Việt Nam.

Tuy ở xa quê hương nhưng những phong tục, tập quán của Việt Nam vẫn được người Việt ở đây cố gắng gìn giữ. Các ngôi chùa Việt Nam tại Little Saigon theo truyền thống hàng năm vào đêm 30 Tết đều mở cửa để đón mọi người tới vui giao thừa, du xuân, hái lộc , nhận lì xì - chương trình rất phong phú gồm có múa lân, ca hát...

Sáng mồng Một Tết, trung tâm Phước Lộc Thọ cũng tổ chức chương trình vui xuân tương tự. Người Việt tập trung rất đông tại những địa điểm công cộng có tổ chức Tết. 

Ngoài những cô chú đã lớn tuổi đến để hoài niệm Tết thì còn có khá nhiều gia đình mang theo con nhỏ đến chung vui. Một số em bé mặc áo dài, khăn đóng truyền thống Việt Nam đứng háo hức chỉ trỏ xem pháo nổ đì đùng, đoàn múa lân nhào lộn quay cuồng... Có thể thấy, đó là một bức tranh “tân cổ giao duyên” rất sống động, dễ thương...

{keywords}

{keywords}

Siêu thị ở Mỹ cung cấp đủ nhu yếu phẩm phục vụ cho Tết của người Việt.

Thế nhưng có một xu hướng chung là theo thời gian, người ta cũng tổ chức Tết Âm lịch đơn giản hơn. Phần nhiều là vì Tết Âm lịch ở Mỹ, người Việt vẫn phải đi làm việc ở hãng xưởng, công sở... nên không có đủ thời gian để chuẩn bị cho Tết một cách cầu kỳ, chu đáo.

May mắn rằng Tết Âm lịch năm nay lại đúng vào cuối tuần nên mọi người có thời gian để mua sắm Tết, có thời gian để cúng viếng, đi thăm nhau và đơn giản là có thời gian để... nghỉ Tết!

Mấy tuần vừa qua miền Nam California mưa gió triền miên. Nhưng những ngày sát Tết trời quang, mưa tạnh, nắng vàng rực rỡ. Mọi người nói đó là điềm lành cho một năm mới Đinh Dậu đang tới. 

Chen vai trong dòng người tại chợ hoa trước khu Phước Lộc Thọ mà trong tôi văng vẳng lời ca “Em ơi, mùa Xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời"...

Misha Đoàn (Từ California, Hoa Kỳ)