- Ông Nguyễn Hồng Phấn (SN 1948) - nghệ nhân có tiếng của làng nghề rèn sắt Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bùi ngùi khi nhớ lại đám "cưới chạy" của mình với giai nhân Hà thành một thời.

Cưa đổ giai nhân chỉ nhờ thanh kẹo

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn kể: "Tôi và vợ vốn là người cùng làng. Vợ tôi là Nguyễn Thị Ngọc Hoan, sinh năm 1953. Ngày xưa, chuyện trai gái yêu nhau không được thoải mái như bây giờ. Đôi nào tìm hiểu nhau cũng phải lén lút, không được công khai.

Đôi nào muốn cầm tay phải vào nơi kín đáo, nếu để người khác nhìn thấy thì bị coi là yêu đương không đứng đắn. Chẳng may họ bị dân phòng hay đội kiểm tra bắt được kiểu gì cũng quy cho tội không trong sáng".

{keywords}
Nghệ nhân làng rèn Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội - Nguyễn Hồng Phấn. Ảnh: Diệu Bình

Cũng theo ông Phấn: "Nếu nam nữ chở nhau bằng xe đạp, nàng chỉ để hai tay trên chân mình, ngồi yên như khúc gỗ, không có chuyện ôm eo. Có hẹn được nhau ra bờ đê, nàng ngồi bứt cỏ, chàng bẻ ngón tay, nói chuyện chán thì về... Chuyện tình yêu ngày xưa trong sáng lắm".

Vợ ông Phấn là người con gái đẹp nhất làng ngày ấy. Bà có làn da trắng, mái tóc đen nhánh, thắt đáy lưng ong lại con nhà khá giả nên được nhiều chàng trai để ý. Ông Phấn cũng không ngoại lệ. 

Một lần đi xem chiếu bóng, ông “đụng độ” người trong mộng của mình. Bị nàng quát vì chen lấn lên trước để xem, ông không tỏ ra bực tức, ngược lại còn âm thầm lên kế hoạch cưa đổ người đẹp.

Ông nhờ cậu em vợ làm nội gián, đưa thư. Thư qua thư lại, cuối cùng nàng cũng đồng ý gặp ông. Chuẩn bị cho buổi hẹn đầu tiên, ông để dành được một thanh kẹo đường mang ra mời bạn gái. Thế là ông đánh bật được đám trai làng, chiếm trọn trái tim người đẹp.

"Thời gian cả hai gia đình nói chuyện, dẫn lễ đến khi cưới chỉ vỏn vẹn 4 ngày", ông Phấn nói.

Lý giải cho sự gấp gáp này, ông cho biết, đó là năm 1972, các địa phương liên tục chi viện quân cho chiến trường miền Nam. 

Thời đó, thanh niên khoảng 16, 17 tuổi đều nhập ngũ. Khi con trai lên đường ra trận, cha mẹ ở nhà đều không chắc ngày con về, nên xuất hiện phong trào "cưới chạy". 

Khi có giấy gọi nhập ngũ, nhiều người tranh thủ xem có đám nào hợp lý trong làng để xin cưới luôn, không cần tìm hiểu. Thậm chí có đám, vợ lớn hơn chồng vài tuổi là chuyện bình thường.

Năm đó, ông Phấn nhận được giấy báo, đơn vị yêu cầu phải tập trung ngay. Trước khi đi, gia đình ông đã vội vã nhờ cụ trong làng sang dẫn lễ, đặt vấn đề cưới luôn. 4 ngày sau, ông xin phép đơn vị về để cưới vợ.

Lễ cưới 3 thủ lợn, 500 quả cau

Vào thập niên 70, đám cưới được tổ chức theo phong trào "Đời sống mới". Tuy vậy, đám cưới của nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn vẫn thuộc hàng bậc nhất làng Đa Sỹ ngày ấy.

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn kể: "Dù là cưới gấp nhưng đám cưới tôi rất đầy đủ, hoành tráng so với nhiều gia đình trong làng.  Lễ dẫn cưới của tôi là 3 lễ, mỗi lễ bao gồm 1 thủ lợn, 1 mâm xôi và 1 tráp trầu cau. 

{keywords}

Một đám cưới của người lính với sự tham dự của đồng đội. Chú rể mặc quân phục, cô dâu áo vải trắng, quần lụa đen. Ảnh tư liệu

Ba lễ đó cũng khoảng 15 đồng, một số tiền khá lớn thời bây giờ. Bố tôi còn nhờ người về tận làng cau Cao Nhân ở Thủy Nguyên, Hải Phòng mua buồng cau nguyên 500 quả để đi hỏi vợ cho con trai.

Ngày cưới, nhà tôi chuẩn bị 1 con lợn khoảng 40 kg, làm 20 mâm cỗ. Cỗ cưới có thịt lợn, canh su hào nấu xương và nước mắm chấm loại 60% là muối. Cỗ được bày lên mẹt tre, trải ra đất ngồi ăn chứ không có bàn ghế như bây giờ.

Đám cưới diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của bà con, họ hàng và chính quyền địa phương".

Ông Phấn cho biết thêm, đám cưới thời đó mang tính cộng đồng rất cao, một nhà có cỗ, cả làng đến giúp. Toàn bộ phông cưới và rạp đều huy động bà con hàng xóm dựng. 

Đám cưới do cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức với lễ nghi đơn giản. Đại diện chủ hôn cho đám cưới là chính quyền sở tại, đến trao giấy chứng nhận kết hôn cho cô dâu chú rể và tặng bó hoa tươi.

Cô dâu mặc quần lụa đen, sơ mi cổ cánh sen, màu trắng, đi dép nhựa Hà Nội. Chú rể mặc quần áo bộ đội, mang dép quai hậu Tiền Phong. Đám nào lịch sự thì cô dâu đi guốc đẽo sơn mài, quai màu hồng, tay ôm bó hoa lay ơn. 

Cô dâu không có phấn son trang điểm như bây giờ, nhà nào có điều kiện thì thoa chút Vaseline Nga và hộp phấn trắng đánh "mốc mặt", còn không thì dùng nước hoa bưởi, hoa nhài gội đầu.

Nhớ lại đám cưới của mình, nghệ nhân Hồng Phấn hóm hỉnh nói: “Tôi cưới chạy, nên đêm tân hôn cũng gấp gáp, vội vàng”.

Ông kể: “Cưới xong, hai họ ra về, vợ chồng tất bật dọn dẹp, xong xuôi cũng đã 2 giờ sáng, mà 4 giờ sáng tôi đã phải lên đường về đơn vị. Như vậy, thời gian vợ chồng tân hôn chỉ còn 2 tiếng...".

(Còn nữa)

Chuyện chưa kể về vợ chồng tỷ phú hiến hơn 5000 lượng vàng

Chuyện chưa kể về vợ chồng tỷ phú hiến hơn 5000 lượng vàng

Từ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương được mẹ cho khi ra ở riêng, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã trở thành thương gia giàu có nức tiếng đất Hà thành...

Số phận bi ai của 3 tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh

Số phận bi ai của 3 tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh

Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh có ba người vợ, cả ba người vợ này đều là những tuyệt sắc giai nhân nhưng đều có một cuộc đời bi ai phía sau người chồng tài hoa, bạc mệnh...

Vũ Lụa - Diệu Bình