Theo thống kê của UBND Quận 2, TP.HCM hiện trên toàn quận có tổng cộng 18 nghĩa trang, với 16.100 ngôi mộ, chiếm tổng diện tích 12,6 ha đất. Hầu hết các nghĩa trang nằm xen lẫn trong khu dân cư. Hiện có 16 nghĩa trang đã ngưng chôn cất từ năm 2001.

Phường Bình Trưng Đông là nơi tập trung nhiều nghĩa trang nhất của quận, với bốn nghĩa trang lớn là: Văn Giáp, Kiến An - Ngọc Nữ, Cây Cám và Đất Thánh Mỹ Hòa - Tân Lập. Các nghĩa trang này tập trung ở các tuyến đường số 42, số 7, số 39 và đường số 3.

{keywords}
Mộ nằm trước cửa nhà dân ở nghĩa trang Văn Giáp.

Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường cho biết, năm 2017, phường đã nhận quyết định giải tỏa 4 nghĩa trang trên địa bàn để phát triển khu dân cư, trường học, công viên... Tuy nhiên, đến nay, phường mới vận động được người dân di dời hơn 1374/3942 ngôi mộ ở nghĩa trang Văn Giáp. Ba nghĩa trang còn lại mới chỉ thực hiện việc: không còn chôn cất thêm nữa.

Theo ông Lành, hơn 3 năm qua, chính quyền địa phương đã gặp nhiều khó khăn khi còn nhiều người không đồng tình với việc di dời các phần mộ người thân. Bên cạnh đó, việc di dời các phần mộ thường tập trung vào tháng Thanh minh (tháng 3 âm lịch) nên cán bộ phụ trách việc này bị ‘quá tải’ với công việc.

Vị chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông phân tích, tháng 3 âm lịch sẽ rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 dương lịch (nếu có năm nhuận). Khi đó, Sài Gòn bắt đầu bước vào cao điểm của mùa nắng nóng, hoặc chuyển sang mùa mưa nên có nhiều bất cập trong việc di dời các phần mộ.

‘Các nghĩa trang ở phường nằm trong khu dân cư, các phần mộ thì ở sát nhà dân. Thân nhân người người mất chỉ tập trung dời mộ vào tháng Thanh minh. Khi việc bốc mộ được thực hiện thì mùi tử thi, hương khói, tiếng va đập, rồi những thành phần xấu tập trung lại, cộng thêm thời tiết oi bức, có khi gặp trời mưa nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Rất nhiều hộ dân phải đóng cửa nhà, chuyển đến nơi khác sống. Có hộ thì không dám nấu ăn, uống nước ở nhà.

Cán bộ ở phường tôi phụ trách hạng mục này cũng rất vất vả. Vì nhân lực có hạn nên các anh em phải làm việc ngày đêm. Nhìn họ bơ phờ, đói mà không ăn nổi cơm, giảm cân, mất ngủ, có khi bị ốm. Nhưng vì công việc, vì cộng đồng và hướng đến nét đẹp văn minh đô thị, không gian sống của người dân, các anh em phải cố gắng’, ông Lành chia sẻ.

Thông qua Báo VietNamNet, ông Lành tiếp tục kêu gọi thân nhân người mất hãy đến UBND phường Bình Trưng Đông để tiến hành thủ tục kê khai, đăng ký bốc mộ trước ngày 31/12/2020.

Quá thời hạn trên, thân nhân của các ngôi mộ không có liên hệ đăng ký bốc và di dời, Hội đồng bồi thường dự án sẽ tiến hành bốc mộ vắng chủ theo quy định.

Theo lộ trình, sau khi di dời xong nghĩa trang Văn Giáp sẽ di dời nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lũ, kế đến là các nghĩa trang khu vực Đất thánh Mỹ Hòa - Tân Lập.

‘Tôi mong, thân nhân của các mộ phần hãy xem xét, dàn trải việc di dời mộ vào các tháng khác nhau trong năm để người phụ trách mảng này không ‘quá tải’, cuộc sống của các hộ dân xung quanh cũng bớt bị ảnh hưởng’, ông Lành nói.

Mộ ông bà bên vệ đường, sao nỡ để tổ tiên nằm giữa rác bụi

Mộ ông bà bên vệ đường, sao nỡ để tổ tiên nằm giữa rác bụi

 Những ngôi mộ nằm sát bên đường, xen lẫn trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhưng nhiều người dân vẫn không muốn dời đi.  

Diệu Thuần