“Tôi không cảm thấy hào hứng”, Kanwal, 22 tuổi, sống trong khu nghèo ở thành phố Gujranwala, ở tỉnh Punjab phía đông Pakistan, nói với New York Times. “Tôi linh tính sẽ có điều chẳng lành”.

Hôn nhân do gia đình sắp đặt khá phổ biến ở Pakistan, nhưng trường hợp của Kanwal có phần đặc biệt hơn. Chú rể Trung Quốc, Zhang Shuchen, 33 tuổi, tự giới thiệu là chủ trang trại gà giàu có, gặp gia đình Kanwal khi đang ở Pakistan trong vài tháng theo diện visa du lịch.

Anh phải dùng ứng dụng dịch thuật từ tiếng Trung sang tiếng Urdu của người Pakistan để giao tiếp, nhưng anh vẫn tạo ấn tượng tốt.

{keywords}
Rabia Kanwal và Zhang Shuchen làm lễ cưới ở Islamabad vào tháng 1. Ảnh: New York Times.

Thất vọng khi biết sự thật về chồng

Kanwal chấp nhận cưới. Nhưng khi chuyển đến Trung Quốc với chồng vào tháng 2, cô thất vọng khi phát hiện sự thật. Zhang là một nông dân nghèo, không giàu có như tự giới thiệu. Tệ hơn, anh không phải người Hồi giáo. Trong vài ngày, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pakistan, Kanwal về nước và làm thủ tục ly dị.

Nhưng nhiều cô gái khác không may mắn như vậy. Trong những tuần gần đây, dư luận Pakistan chấn động trước cáo buộc ít nhất 150 cô gái bị lừa sang Trung Quốc - một số bị ép hành nghề mại dâm. Một số khác cho biết đẩy vào làm việc trong các quán bar, điều không thể chấp nhận trong đạo Hồi vốn khắt khe và bảo thủ.

Câu chuyện của Kanwal không phải là hiếm ở Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những nước mất cân bằng giới tính nhất thế giới, cứ 100 nữ có tới 106,3 nam vào năm 2017, theo Ngân hàng Thế giới. Nguyên nhân là gần ba thập kỷ thực thi nghiêm khắc chính sách một con và quan niệm thích con trai hơn con gái.

Theo New York Times, hai điều này đã gây ra vô số vụ phá thai và giết hại bé gái sơ sinh. Nhưng sự mất cân bằng giới còn gây hậu quả lâu dài và vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Ngày nay, khi các bé trai từ thời kỳ thực hiện chính sách một con đến tuổi lấy vợ, nhu cầu tìm cô dâu ngoại như Kanwal đang tăng vọt, ngay cả khi Trung Quốc đã nới lỏng chính sách trên.

Các cáo buộc buôn bán phụ nữ là mặt trái đáng lo ngại của sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Pakistan, hai quốc gia đồng minh đang xích lại gần hơn nhờ kinh tế, đặc biệt là các siêu dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.

Thêm nhiều người Trung Quốc đến Pakistan để lao động hoặc đầu tư. Ở thủ đô Islamabad, có những cửa tiệm chuyên phục vụ họ.

{keywords}

Những người đàn ông Trung Quốc ra tòa vào tháng năm ở Islamabad, sau khi bị cáo buộc buôn bán phụ nữ. Ảnh: AFP.

Tương tự nạn buôn bán phụ nữ từ các nước châu Á khác

Chính phủ Pakistan đã xử lý những kẻ môi giới trong đường dây môi giới hôn nhân nói trên, bắt giữ khoảng hai chục người Trung Quốc và Pakistan với tội danh buôn bán người.

Đại sứ quán Trung Quốc phủ nhận việc cô dâu Pakistan bị ngược đãi ở Trung Quốc. Thế nhưng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tháng trước cho biết các cáo buộc này “tương đồng một cách đáng lo ngại” với các hoạt động buôn bán, ngược đãi và lạm dụng phụ nữ từ các nước châu Á khác như Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Làovà Triều Tiên.

“Cả Pakistan và Trung Quốc nên nghiêm túc hành động trước các bằng chứng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái Pakistan có nguy cơ trở thành nô lệ tình dục”, HRW viết trên website của tổ chức.

Các điều tra viên Pakistan cho biết đàn ông Trung Quốc trả tiền cho môi giới để cưới phụ nữ ở đây. Họ cũng chi trả cho đám cưới, và trong một số trường hợp trả cho gia đình các cô gái hàng nghìn USD.

Các hành vi trên đều vi phạm luật Pakistan. Một số phụ nữ bị ép hành nghề mại dâm hoặc bị lừa sang Trung Quốc. Một số đàn ông Trung Quốc làm giả giấy tờ để nói dối mình là người Hồi giáo.

Một số người khác tìm vợ là người theo đạo Thiên chúa từ những cộng đồng nghèo khó và bị kỳ thị, theo các điều tra viên.

Dù theo đạo Thiên chúa hay đạo Hồi, các cô dâu đều mang hy vọng có cuộc sống khấm khá hơn.

“Cha mẹ tôi nói con gái hàng xóm đang hạnh phúc bên Trung Quốc, nên tôi cũng sẽ như vậy”, Kanwal nói.

Cô cho biết mình gặp chồng tại văn phòng môi giới ở Islamabad, nơi có nhiều đàn ông Trung Quốc và phụ nữ Pakistan khác. Người chồng nói với Kanwal anh là người Hồi giáo.

Nhưng cô Kanwal không hề thấy anh ta cầu nguyện, ngay cả khi họ đến thánh đường Faisal nổi tiếng ở Islamabad.

{keywords}

Kanwal cho biết tám ngày ở Trung Quốc của cô “kinh khủng và không thể tả nổi”. Ảnh: New York Times.

“Anh ấy đã lừa dối ngay từ đầu”

Vào tháng hai, sau đám cưới, họ bay đến Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc. Sau khi quá cảnh, họ bay đến tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc.

Sau bốn giờ lái xe qua cánh đồng lúa mì và ngô, họ đến một ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông, nơi cô tận mắt chứng kiến trang trại nuôi vịt của chồng. Đó không phải trang trại rộng lớn của người chủ giàu có mà cô mường tượng, mà là trang trại nhỏ nơi chồng cô sống cùng cha mẹ và anh em trai.

“Họ thậm chí không phải người Hồi giáo và anh ấy đã lừa dối ngay từ đầu”, Kanwal nói. “Thậm chí không có phòng tắm tử tế trong nhà. Tôi ấm ức và bắt đầu khóc”.

Chồng cô kể câu chuyện khác. Anh xác nhận đã trả khoảng 14.500 USD cho người môi giới Trung Quốc và đến Pakistan cuối năm ngoái với hy vọng mang về một cô dâu Pakistan.

Anh cho biết đã thích Kanwal khi mới gặp cô. Nhưng anh thẳng thắn với cô rằng anh cải đạo sang Hồi giáo chỉ trên giấy tờ và không phải tín đồ thực sự.

“Tôi bảo cô ấy tôi không phải người Hồi giáo”, Zhang nói với New York Times. Anh còn nói Kanwal đã dạy anh nguyên tắc đầu tiên của Hồi giáo.

Kanwal phủ nhận những điều này, và khẳng định cô không hề biết Zhang không phải người Hồi giáo.

Kanwal nói bị chồng nhốt trong phòng tới hai ngày để buộc cô ở lại, điều mà Zhang phủ nhận. Sau đó, cô tìm cách gửi email cho Đại sứ quán Pakistan, và họ kết nối cô với cảnh sát Trung Quốc. Cảnh sát tới đưa cô đi và làm việc với đại sứ quán để cô trở về Pakistan.

Cô nói tám ngày ở Trung Quốc của cô “kinh khủng và không thể tả nổi”.

“Mỗi ngày tôi cầu nguyện hàng giờ, xin Chúa đưa tôi về nước”, Kanwal nói. Tháng năm, cô nộp đơn ly hôn ở tòa án gia đình ở Gujranwala. Trong đó, cô viết rằng Zhang đã ép cô làm những hành vi “vô đạo đức” và cô “thà chết còn hơn sống với anh”.

Mẹ của Zhang, đã quá 60 tuổi, không đồng tình với lời kể của Kanwal. “Cô ấy theo đạo Hồi, nên tôi cố hết sức không để cô ấy ăn thịt lợn”, bà nói. “Tôi xào gà và làm trứng ốp-la cho cô ấy, nhưng tôi làm gì cô ấy cũng không chịu ăn”.

Đến nay, dịch vụ môi giới hôn nhân mà nhiều người cùng làng với Zhang tìm đến đã đóng cửa. Nhưng theo Zhang và người dân địa phương, có một số phụ nữ Pakistan đã bị đưa sang đây.

“Ở đây không còn phụ nữ”, mẹ của Zhang giải thích vì sao đàn ông ở đây sang Pakistan tìm vợ. “Trước đây, chúng tôi không được phép có thêm con, vì vậy mọi người đều muốn con trai”.

10 câu nói truyền cảm hứng của những phụ nữ nổi tiếng thế giới

10 câu nói truyền cảm hứng của những phụ nữ nổi tiếng thế giới

 10 câu nói ẩn chứa khát vọng của những phụ nữ nổi tiếng này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phái nữ trên thế giới.

Theo Zing/ New York Times