- "Những ông chủ doanh nghiệp, những người đi thuê mặt bằng để kinh doanh... đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trả cho khoảng thời gian nghỉ quá dài không đáng có trong kỳ nghỉ Tết"...

Người lao động xa quê: 10 ngày chưa đủ

Hàng nghìn bình luận được độc giả gửi về trong diễn đàn tranh luận nên giảm bớt hay giữ nguyên 10 ngày nghỉ Tết. Đa số các độc giả đều có những lập luận, phân tích xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình.

Đồng tình với lịch nghỉ Tết 10 ngày, độc giả Huyền Trần nói: "Tết Nguyên Đán là thời gian duy nhất chúng ta có thể tụ họp đông đủ các thành viên trong gia đình. Điều này là nét văn hóa chúng ta cần phải giữ gìn. Phương tây họ nghỉ Tết Dương lịch, Noel, Halloween rất dài vì đó cũng là Tết Cổ truyền của họ".

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngoài lý do đoàn viên, một số độc giả xa quê nhấn mạnh rằng, thời gian họ di chuyển tàu xe để về nhà có khi mất đến 3, 4 ngày bởi vậy nếu lịch Tết nghỉ quá ngắn họ rất đắn đo khi về quê.

Độc giả Nguyên viết: "Công nhân nghèo xa nhà mỗi năm chỉ được về Tết có một lần. Họ không có tiền đi máy bay, cả nhà kéo về quê bằng xe, tàu mất đi 4 đến 5 ngày đường. Vậy hỏi bạn còn có bao nhiêu ngày nghỉ để đi thăm hỏi bố mẹ hai bên, anh em họ hàng?".

Cũng quan điểm, bạn đọc Dương Yến cho rằng: "Gia đình tôi nội, ngoại đều ở xa, cứ ngày 29-30 Tết, vợ chồng con cái mới đưa nhau về nội. Mùng 3 Tết chúng tôi lại về bên ngoại, mùng 5-6 lại ra Hà Nội để tiếp tục công việc, học tập. Cứ việc đi với về cũng đã hết ngày rồi chẳng còn thời gian nghỉ ngơi".

Không ít độc giả còn nhấn mạnh rằng, nhiều nước trên thế giới cũng có những kỳ nghỉ dài để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức sau những ngày làm việc vất vả. Cụ thể, anh Quân Bảo cho biết: "Tôi từng làm cho một công ty Pháp. Ở đây, họ còn có cả lịch nghỉ hè đến 2 tuần để đi chơi, chưa kể đến các kỳ lễ truyền thống".

"Ở Nhật có "lịch đỏ" tức là ngày lễ nghỉ. Tháng nào họ cũng có ngày lịch đỏ, thường là họ nghĩ ra để nghỉ ví dụ như Ngày của biển... Nói chung người Nhật nghỉ rất nhiều nhưng họ rất giàu có. Tôi cho rằng năng suất lao động mới quan trọng chứ không phải là nghỉ bao nhiêu ngày", một ý kiến khác của Trần Bình.

Nhưng lớn hơn hết đó là tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đã níu giữ họ. 

Độc giả Nguyễn Ngân Nhi chia sẻ: "Vợ chồng tôi ở Bạc Liêu lên Sài Gòn làm đã 5 năm. Tôi còn ước ao nghỉ Tết từ 15 - 20 ngày bởi mỗi lần về quê ăn Tết là mỗi lần vất vả. Mùng 3 Tết mà qua đi, tôi đã thấy buồn bởi sắp phải xa gia đình. Ngày này, tôi cứ có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, không nói thành lời".

Doanh nghiệp 'khóc ròng'

Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng ủng hộ kỳ nghỉ Tết kéo dài. 

Bạn đọc Cường Ngô phản biện: "Thế 12 ngày phép của các anh các chị đâu hết rồi? Muốn nghỉ ngơi, đi du lịch hay thăm thú họ hàng, làng xóm, bạn bè thì bạn cứ luân phiên nhau xin nghỉ phép. 

Bạn đồng loạt nghỉ hết vào dịp Tết dài, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể lấy ai làm việc? Nghỉ Tết dài còn khiến giao thông bất cập, vé tàu xe đắt đỏ, quà cáp nội ngoại tốn kém...".

{keywords}
Ảnh minh họa

Đồng ý với ý kiến trên, bạn đọc Thanh Bình cũng cho rằng: "Thực tế nếu cộng cả thứ 7 và chủ nhật thì một kỳ nghỉ phép của người lao động có thể dài hơn 20 ngày. Tôi chỉ muốn nước ta học tập Nhật Bản. Họ ăn Tết Tây, còn Tết Nguyên Đán chỉ nghỉ 1, 2 ngày để cúng Tổ Tiên".

Đặc biệt hơn, độc giả Phạm Đức Tuyên, một chủ doanh nghiệp tư, lại có những nỗi khổ tâm riêng trong các ngày Tết.

Anh nói: "Chúng ta đã lạm dụng Tết để nghỉ quá nhiều. Những ông chủ doanh nghiệp, những người đi vay tiền ngân hàng, những người đi thuê mặt bằng để kinh doanh, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trả cho khoảng thời gian nghỉ quá dài không đáng có. 

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên tính nghỉ ngắn lại và nên thay nhau nghỉ phép. Vì mỗi người lao động được nghỉ 12 ngày phép mỗi năm. Các cơ quan hành chính và ngân hàng thương mại nên bố trí mở cửa cho hoạt động được thông suốt".

Tương tự, chị Hiền Anh phân tích: "Người Việt nghỉ tết 7 ngày thật ra có khi là cả tháng Giêng. Tôi làm kinh doanh, 30 ngày sau Tết rất ít giao dịch làm ăn vì công nhân nghỉ làm, nhà máy không tìm ra người sau Tết. Nhiều công ty sau tết 1-2 tháng không tìm ra nhân sự".

Ngoài ra, nhiều bạn đọc cho rằng, kinh tế đang ở mức chậm phát triển, nghỉ lễ quá nhiều là điều không hợp lý ở Việt Nam. Anh Nguyễn Phú Linh viết: "Năng suất lao động thấp người Việt lại còn thích nghỉ dài ngày để ăn với chơi, rượu chè. Tai nạn giao thông những ngày nghỉ lễ năm nào cũng có, có bao gia đình những ngày lễ là ngày giỗ người thân?".

Sau nhiều tranh luận, một số độc giả đề xuất, nếu như nước Nhật đã nhập Tết Âm lịch và Tết Dương lịch để nghỉ một lần như các nước trên thế giới, thì chúng ta cũng nên học hỏi sự tiến bộ của nước bạn.

Phương Lê