Chậu mai 900 triệu đồng

Chúng tôi đứng trước một chậu mai trong khuôn viên vườn mai Phương Bình ở KP6, P. Hiệp Bình Chánh (Q. Thủ Đức, TP.HCM). Cao 2,7m, cây mai vươn lên đầy sức sống được ông chủ vườn định giá 900 triệu đồng. Hiện đã có người chịu mua với giá 800 triệu nhưng ông chủ vườn không bán.

{keywords}
Vườn rộng, những con đường xi măng trong vườn mai.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ bất ngờ, pha chút khó tin, ông Phương chủ vườn giải thích: 'Chậu mai này là mai ghép'. Ông nói, muốn có một chậu mai ghép, phải tìm mua gốc rồi đem về ghép cành. Để có gốc mai này, ông phải lăn lội khắp các vùng cù lao ở miền Tây mới có.

'Gốc mai quý nhất là gốc có chân đế. Những gốc suôn thẳng thường giá chỉ bằng nửa gốc có đế. Anh nhìn kỹ đi', ông nói tiếp. 'Gốc mai này thuộc hàng cổ thụ. Tuổi đời của nó bằng tuổi của anh, của tôi cộng lại. Hơn 100 năm rồi đó. Nhìn những vết sẹo ở gốc cũng đủ cho thấy tuổi đời của nó. Hình dạng rất cân đối bao tròn cả gốc'.

{keywords}
 Chậu mai 900 triệu đồng.

'Giá của gốc mai này đã khoảng 300 triệu đồng. Chúng tôi mua về nuôi cho gốc cứng cáp rồi bắt đầu ghép cành. Những cành cũ trên thân cây được cắt đi và chúng sẽ được ghép với một loài mai đẹp hơn, ưng ý hơn. Chúng tôi cũng tước đi một mảnh vỏ ở cành cũ, đưa cành mới áp vào rồi dùng băng keo quấn lại', người chủ vườn nói.

Xong, nơi ghép cành được phủ kín bằng một chiếc bao nhựa trong suốt. Chậu mới ghép được để trong nhà mát trong khoảng hơn 1 tháng thì cành bắt đầu bén. Những chiếc lá non đầu tiên yếu ớt mong manh xuất hiện. Đây là cách ghép mới rất hiệu quả. Một thời gian sau, những cành ghép phát triển cao hơn, chậu mai được đưa vào nhà lưới. Từ đây, công đoạn chăm sóc khác bắt đầu.

{keywords}
Những gốc mai đang đâm chồi nảy lộc.

Muốn có một chậu mai hoàn hảo như ý không dễ. Phải mất nhiều năm, qua nhiều bàn tay chăm sóc và ông chủ vườn phải có chút đam mê về các loài hoa mới tạo được những sản phẩm có giá trị. Vì thế từ vài trăm triệu để có gốc ưng ý, trải qua nhiều công đoạn kéo dài khoảng 4 năm thì mới có được một chậu mai bán được.

'Nói như vậy để anh có thể hình dung được những khó khăn, vất vả cũng như chịu nhiều tốn kém để có được một chậu mai tốt, ưng ý không đơn giản. Cái giá 900 triệu chẳng qua cũng chỉ để hoàn vốn, thêm một chút lãi và tạo cơ hội có thêm những sản phẩm mới đẹp hơn, tốt hơn'.

{keywords}
Mai được ghép nhánh với nhau.

Nhọc nhằn nghề mai ghép

Vườn mai Phương Bình rộng khoảng 14.000m2 với 6000 chậu mai các loại. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Phương 42 tuổi, chủ vườn cho biết, vùng Thủ Đức trong đó có các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, An Phú Đông trước đây chuyên trồng mai đất. Mai được trồng thẳng dưới đất và khi bán bứng trọn gốc.

Khoảng 4 năm gần đây, môi trường nước ở vùng này bị ô nhiễm nặng. Mai đất không thể sống và phát triển được khiến nhiều vườn mai phải chuyển đổi công năng. Những ai còn nặng lòng với cây mai buộc lòng phải chuyển sang mai ghép.

Theo tiết lộ của người chủ vườn, làm mai ghép có nhiều thuận lợi hơn: không lo nước bị ô nhiễm, chủ động được mọi khía cạnh và nhờ vậy khách thích mai ghép hơn mai đất.

{keywords}
Việc ghép nhánh đòi hỏi phải tỉ mẩn và khéo léo.

'Gia đình tôi đã có 3 đời sống với nghề mai. Trải qua nhiều năm được tôi luyện, nghề mai cho tôi nhiều thích thú đam mê', anh Phương chia sẻ.

Chúng tôi cùng anh dạo bước quanh vườn. Dừng lại ở một chậu mai thấp bé, anh nói đây là chậu mai rẻ nhất có giá khoảng 4 triệu. Nhưng dù 4 triệu hay bao nhiêu nữa việc tạo dựng nên một chậu mai cũng từng ấy công đoạn. Cái khó nhất là tìm gốc. Mai gốc được chọn từ các tỉnh miền Trung, lên cao nguyên hay xuống tận miền Tây. Nhiều vùng có mai nhưng chỉ có gốc mai ở miền Tây dễ trồng hơn cả nhờ vào tính đặc thù của thổ nhưỡng.

Xuyên qua những hàng chậu mai đang sung sức vươn lên cộng với những thuyết minh của chủ vườn chúng tôi mới nhận ra được giá trị của một chậu mai ghép. Bất chợt, nhớ lại những chậu mai trong những ngôi nhà lộng lẫy vào dịp Tết đến, mấy ai nghĩ đến những giọt mồ hôi đã đổ xuống để chậu mai có sắc vàng rực rỡ đón xuân.

{keywords}
Ông Phương bên chậu mai của mình.

Vườn mai Phương Bình vẫn lặng lẽ. Với khoảng 25 công nhân làm việc nhưng việc ai nấy làm, ngày nào cũng như ngày nào, không tất bật không khẩn trương. Anh Phương cho biết, đội ngũ công nhân của anh gồm 3 người tưới, sửa nhánh 4 người, mở kẽm 5 người, xịt thước 3 người, bón phân sắp xếp chậu 8 người và tỉa nhánh 2 người.

Đặc biệt, trước Tết nửa tháng, để mai có hoa, anh đã phải thuê từ 50 - 70 nhân công trong một tuần đến 10 ngày để chuyên lặt lá mai. Trên thị trường hiện có loại thuốc xịt cho rụng lá. Dùng loại thuốc này có thể giảm được tiền thuê nhân công nhưng bù lại, cây mai bị nhiễm thuốc sẽ không cho kết quả tốt vào những năm sau.

Chúng tôi nhẩm tính, với những chi phí như thế cộng với tiền thuê đất hơn 1 tỉ đồng/năm thì giá bán một chậu mai ghép như anh Phương cho biết cũng không có gì là quá đắt.

Cuộc trò chuyện dường như không dứt. Trời đã vào trưa chúng tôi đành cáo từ anh ra về. Anh vui vẻ cho biết: 'Khoảng tuần sau chúng tôi sẽ dọn hàng ra đường Phạm Văn Đồng để chuẩn bị bán Tết. Lúc ấy, mời anh ghé lại nhé'.

Anh nông dân Cần Thơ tạo tiểu cảnh bonsai giá 300 triệu đồng

Anh nông dân Cần Thơ tạo tiểu cảnh bonsai giá 300 triệu đồng

 Sau hơn 4 năm tìm tòi, anh Công (Cần Thơ) tạo được cây bon sai tiểu Mai Chiếu Thủy và nhận được giải vàng và giải đặc biệt tại lể hội bonsai châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15.  

Trần Chánh Nghĩa