Ông ngồi bất động trên thảm cỏ dưới tán cây trong công viên Phú Cường (P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Đầu ông hơi chúc xuống, đôi mắt nhắm nghiền. Tay phải của ông bị cụt, chỉ còn chừng 20cm...

Ông già kỳ dị

Chúng tôi đến công viên vào một buổi sáng. Rất đông người đến tập thể dục. Nhưng người ngồi im dưới gốc cây chỉ có một mình ông.

Ông ngồi như thế chừng 20 phút thì đứng lên làm vài động tác cử động rồi bước ra sân. Chỉ một tay, ông đã hít đất rồi lộn người và có nhiều động tác nhuần nhuyễn thuần thục.

Chúng tôi nhìn ông, ông vẫn tiếp tục tập. Hết động tác này sang động tác khác. Một người khách nói với chúng tôi, ông tập như thế đã hàng chục năm nay. Chưa nghỉ một bữa nào, cứ sáng là ông có mặt.

{keywords}
Ông Toàn hiện chỉ có một tay, nhưng làm được rất nhiều việc khác nhau. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Ông nói với chúng tôi, trước đây sức khỏe của ông rất yếu. Sự sống của ông có thể tính từng ngày. Nhưng rồi, ông quyết tâm thay đổi hẳn cuộc sống, tạo cho mình thói quen mới là mỗi buổi sáng đến đây tập thể dục qua những động tác vừa rồi.

Ban đầu rất khó vì ông chỉ có một tay nhưng sự quyết tâm cao độ đã khiến cho ông thành công như ngày nay. Cũng nhờ vậy mà sức khỏe ông dần hồi phục. Giờ đây, hai động tác chủ lực nhất của ông là ngồi thiền và trồng chuối ngược. 'Ngồi thiền giúp mình tĩnh tâm hơn và trồng chuối ngược giúp máu lưu thông về não tốt hơn', ông giải thích.

{keywords}
Tất cả mọi việc, ông Toàn đều làm bằng một tay. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Ông là Đỗ Hoàng Toàn 64 tuổi. Nhà ông ở cách công viên chỉ vài bước chân nên rất thuận tiện trong việc tập luyện. Ông nói, 'không phải tự dưng mà tôi siêng năng tập luyện như thế đâu. Cái gì cũng có lý do của nó. Hôm nay, tôi muốn nói về đời tư của tôi với một mục đích duy nhất là muốn cảnh tỉnh giới trẻ hãy nhìn vào tôi để mà tránh xa những thói hư tật xấu'.

15 tuổi, hai lần trúng số độc đắc

'Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Nhà tôi không giàu. Cha mẹ tôi buôn bán cực khổ mới lo đủ miếng ăn cho 9 anh chị em tôi. Tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ - PV) tôi phải nghỉ học để phụ cha bán hàng.

Nói như thế anh cũng đủ hiểu về gia cảnh tôi', ông nói. 'Dĩ nhiên với gia cảnh như thế thì việc giáo dục con cái cha mẹ tôi hết sức lơ là. Tôi vừa làm, vừa chơi không ai kiểm soát cả.

{keywords}
Ông Toàn cho biết, dù có một tay nhưng ông có thể làm động tác trồng cây chuối, làm nhiều việc khác. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Năm 1970, tôi tròn 15 tuổi. Một hôm, nhìn thấy người đàn bà trên tay bế theo một đứa trẻ mời tôi mua vé số. Bà cười và nói: 'Nếu con có tiền con mua dùm cô. Sáng giờ ế quá'. Tôi ngập ngừng rồi cũng quyết định mua 5 tờ.

Thời đó, vé số chỉ có một loại lưu hành trong cả miền Nam và một tuần xổ một lần. Hôm ấy chiều thứ 6 - chiều xổ số. Tôi trốn cả nhà vào giường ngủ, tay cầm xấp vé số áp chiếc máy thu thanh sát tai để nghe trực tiếp. Sau bản nhạc mở màn do ca sĩ Trần Văn Trạch, em ruột nhạc sĩ Trần Văn Khê hát, các lô bắt đầu cho kết quả.

Tôi dò từ lô đầu tiên 100đ đến nhiều lô khác vẫn chưa có dấu hiệu gì. Cuối cùng, đến lô độc đắc. Trong máy, tiếng xướng ngôn viên vang lên: 'Mời các em ra quay số'. Rồi tiếp đến, 'kết quả trúng độc đắc cho vé mang số...'. Tôi nhìn vào vé mình, số thứ 1 rồi liên tục những số sau đều giống y kết quả. Tôi mừng quá. Mình trúng độc đắc rồi. Đã vậy còn trúng thêm 2 vé an ủi nữa. Tổng cộng 3 triệu đồng.

Thời ấy tại miền Nam, số tiền này rất lớn, ít người có được. Một công chức lương chưa đến 5000đ/tháng vẫn đủ nuôi vài đứa con ăn học thì 3 triệu này có phải là quá lớn không? Tôi chưa đủ tuổi làm căn cước nên không được tự mình đi nhận tiền. Tôi nhờ cha. Ông nhận và giữ cho tôi. Khi nào tôi cần thì cha đưa ...', ông Toàn nhớ lại.

{keywords}
Ông Toàn chạy xe máy bằng một tay. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

'Có tiền tôi tập tành ăn chơi và có nhiều bạn bè. Tôi không thích bọn nhà giàu. Tôi chơi với các bạn nghèo và đã từng nuôi ăn, đãi đằng nhiều thứ.

Bạn bè thấy vậy càng 'bốc' tôi lên khiến cho tôi lầm tưởng tôi là bề trên của chúng. Vì thế tôi càng phải có nghĩa vụ với chúng. Chúng tôi đã trải qua những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm mà đúng ra lứa tuổi này chỉ có học hành.

Trời xui đất khiến, đến tháng 12 năm ấy một lần nữa tôi trúng số tiếp. Lần này số tiền nâng lên 7 triệu đồng.

Hồi ấy, trên đường phố Sài Gòn rất ít thấy xe Mercedes vì loại này rất đắt tiền và là niềm mơ ước của nhà giàu. Mỗi chiếc xe có giá 1 triệu đồng. Như vậy 7 triệu của tôi là một tài sản quá lớn phải không anh ?', ông Đỗ Hoàng Toàn hỏi chúng tôi.

'Có số tiền quá lớn trong khi gia đình buông lỏng, tôi cứ thế lao xuống dốc. Hàng ngày tụ tập cùng chúng bạn. Thế rồi một lần về Gò Vấp (Tp.HCM), tôi gặp một số bạn giang hồ chuyên sống bằng dao búa. Chúng thường xử nhau bằng những trận thư hùng tàn bạo lắm. Tôi rất ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu sao chúng có thể làm được những chuyện ấy.

Từ đó, tôi không còn ở nhà phụ giúp cha nữa. Thỉnh thoảng về chỉ với mục đích duy nhất là lấy tiền. Cha mẹ, anh chị tôi có la rầy, góp ý nhưng tôi cũng phớt lờ. Rồi cuối cùng chuyện gì đến cũng đã đến...

(Còn nữa)

Người đàn ông miền Tây 4 tháng trúng số liên tiếp, tiền tiêu như nước

Người đàn ông miền Tây 4 tháng trúng số liên tiếp, tiền tiêu như nước

Hơn 5 năm qua, xã An Nhựt Tân có 15 người trúng số độc đắc, chưa kể người trúng giải nhất, giải nhì, giải khuyến khích...   

Trần Chánh Nghĩa