- Hàng xóm hỏi “Người ta nhà Hà Nội, chắc phải ngoài hai chục triệu dẫn cưới nhỉ?”, bố mẹ tôi chỉ biết ậm ừ “chắc cũng khoảng đó” nhưng đắng lòng là chẳng hề có một đồng nào.

Nhắc đến chuyện cưới xin mà tôi cũng đang rầu lòng vì liên quan đến tiền nong. Tôi là người tỉnh lẻ còn bạn trai là người Hà Nội, chúng tôi yêu nhau đến nay cũng hơn 2 năm thì quyết định cưới. Hôm vừa rồi hai nhà có tổ chức đám hỏi, tiền nong là vấn đề tế nhị nên bố mẹ tôi không thách cưới gì cả, chỉ bảo với nhà trai là tùy tâm.

Đám hỏi nhà trai mang tới 5 cái tráp (1 tráp xôi và lợn quay, 1 tráp trầu cau, 1 tráp bánh hỏi, 1 tráp chè, 1 tráp rượu thuốc). Sau khi thủ tục xong xuôi, nhà tôi còn chia lễ cho nhà trai mang về. Tối hôm đó mẹ tôi mới thắc mắc rằng không thấy phong bì tiền dẫn cưới đâu cả. Tôi hỏi chồng thì anh trả lời rằng tráp xôi cộng heo quay ấy là thay cho tiền.

Sự việc sau đó còn được bố chồng của tôi giải thích rằng nhà trai có 18 người tới ăn ở nhà gái nên tráp xôi thịt là chia sẻ khoản ăn uống thay cho tiền. Còn cái tráp có rượu và thuốc là để nhà gái đặt lên ban thờ gia đình, hai bên nội ngoại.

{keywords}

Đám hỏi nhà trai mang tới 5 cái tráp nhưng chẳng hề có một đồng dẫn cưới nào. (Ảnh minh họa)

Nghe thế bố tôi mới bực mình vì lúc chia lễ cho nhà trai mang về có cả rượu thuốc, nhà trai biết mà cũng không thèm nói lại. Có 3 chai rượu cộng với 3 bao thuốc để đặt ban thờ gia đình tôi và hai bên nội ngoại, giờ chia rồi biết đặt bằng gì.

Điều khiến bố tôi bực nữa là mang tiếng 5 tráp mà thực ra con gái ông được hỏi có 3 cái. Chưa kể còn không được một đồng dẫn cưới nào. Tôi có nói lại với chồng thì anh bênh bố mẹ anh, cãi cùn rằng như thế là được rồi và trước nay cưới các anh chị của anh đều thủ tục như thế. Anh còn xúc phạm gia đình tôi rằng: “Sao không thách cưới từ đầu để giờ lại trách móc. Cả nhà em ai cũng sồn sồn giống nhau, đòi hỏi phức tạp”.

Tôi nhắc anh không được phép nói gia đình tôi như thế và giải thích rằng bố mẹ mình không thách cưới là để cho nhà trai thoải mái tâm lý, nhà gái cũng đỡ mang tiếng thách cưới cao thấp. Tránh được việc thiên hạ cười chê rồi lại bảo gả bán con, tôi về làm dâu cũng không bị mẹ chồng mượn cớ thách cưới để chê trách đại loại như “đoảng vụng mà ngày xưa thách cưới rõ cao”… Nhưng chồng tôi vẫn không nghe, anh còn nói tôi không biết gì thì tốt nhất im mồm vào.

Nói thật với mọi người, gia đình tôi ở quê nhưng điều kiện kinh tế cũng chẳng kém gì nhà chồng. Nhưng có lẽ vì cái mác người Hà Nội mà nhà anh khinh gia đình tôi. Cái chuyện cưới hỏi cả đời con gái chỉ có một lần, nhà tôi chuẩn bị mọi thứ vô cùng cẩn thận. Dựng rạp như đám cưới, cỗ bàn không mời nhiều nhưng hết sức đàng hoàng sang trọng. Ngược lại gia đình nhà anh thì làm theo kiểu hời hợt, sơ sài khiến bố mẹ tôi có suy nghĩ bị người ta coi thường, con gái mình không có giá.

Hàng xóm ai cũng khen bố mẹ tôi có con gái tốt số lấy được chồng Hà Nội đẹp trai tri thức. Thậm chí nhiều người còn hỏi “Người ta nhà Hà Nội, chắc phải ngoài hai chục triệu dẫn cưới nhỉ?”, bố mẹ tôi chỉ biết ậm ừ “chắc cũng khoảng đó”. Nhưng đắng lòng là chẳng hề có một đồng nào, thắc mắc còn bị quát cho là im mồm. Nghĩ mà tôi thấy xấu hổ, tủi thân với bố mẹ, hàng xóm.

Mới đám hỏi thôi mà đã như thế này, sau không biết họ đối xử với gia đình tôi sao.

Tôi đang nghĩ xem mình có nên hủy hôn hay không nhưng cũng sợ đang trong lúc nóng giận mất khôn. Vì thế mong các anh chị có kinh nghiệm trong chuyện này hãy chỉ bảo và cho tôi lời khuyên sáng suốt nhất. Tôi xin cảm ơn!

Lan Anh (Thái Bình)