- Căn nhà cấp bốn nhỏ bé nằm trong khu tập thể trường Trung cấp Kĩ thuật tăng thiết giáp, Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc khi nào cũng tĩnh lặng, một không khí buồn bã đến não nề. Ấy chính là nơi ở của 2 mẹ con chị Phạm Thị Thu Hương (sinh năm 1973) – người đàn bà mà mỗi khi nhắc tới, những người hàng xóm đều thở dài: Có lẽ đàn bà chẳng ai khổ như chị!

Chị kết hôn năm 1997 thì năm 1998 chị sinh con trai đầu lòng. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình yên trôi đi. Nhưng năm 1999 chị phát bệnh và phải sống chung với căn bệnh khớp dạng thấp hệ tự miễn.

Từ đó đến nay, sau bao nhiêu năm trầy trật với bệnh tật đau đớn, cơ thể chị tong teo chỉ còn da bọc xương, bàn chân, bàn tay co quắp. Chị chỉ có thể nằm hoặc ngồi nếu như có sự giúp đỡ của đứa con hoặc của một người hàng xóm tốt bụng nào đó. Còn đối với khách đến chơi như chúng tôi, hay bất kỳ một vị khách nào khác, chị chỉ có thể ghé mắt nhìn qua khe cửa rồi khẽ mời vào chứ không tự ngồi dậy mà mở cửa cho khách được…

{keywords}
Căn nhà cấp 4 - nơi chị Hương và con trai đang sinh sống

Khi tâm sự với chúng tôi, người đàn bà ấy kể lại quãng thời gian đã qua trong cuộc đời mình bằng cái giọng thều thào và đôi mắt ầng ậc nước của một thân hình tàn tạ khiến người đối diện không khỏi ám ảnh và xót xa.

Chị cho biết, mẹ chị mất sớm khi chị mới học cấp ba. Bố chị đi thêm bước nữa với một người đàn bà khác. Tuy nhiên, chị đã cố động viên mình để vượt qua cú sốc về mặt tinh thần để thi đậu Trường Sư phạm II ở Xuân Hòa, Vĩnh Phúc.

Học xong, chị về quê và trở thành một cô giáo dạy Lý ở trường Trung học Văn Yên (nay đổi thành Trường PTTH Chu Văn An), Yên Bái.

Thế nhưng, bệnh tật đã khiến chị phải bỏ nghề giáo yêu thích của mình. Từ đó, chị chuyển xuống gần cơ quan chồng (chính là ngôi nhà hiện tại chị đang ở) để anh tiện chăm sóc hai mẹ con.

Thế rồi, sau hơn chục năm ở bên cạnh và chăm sóc cho vợ, chị để anh đi bước nữa. Từ đó, trong căn nhà cấp bốn mà anh nhường lại, chỉ còn lại chị và cháu Thịnh (con trai của anh chị khi ấy mới 12 tuổi) sinh sống bằng số tiền ít ỏi mà anh cho con trai (1 triệu 300 nghìn) và trợ cấp thêm cho chị (mỗi tháng năm trăm ngàn).

Nhưng, số tiền ít ỏi đó chẳng thể đủ cho chị thuốc thang cũng như hai mẹ con ăn uống hàng ngày. Vì thế, cơ thể chị mỗi ngày mỗi tong teo, chỉ còn da bọc xương. Đặc biệt là, những ngày lạnh thế này, những khớp xương càng không thể cử động được nữa khiến chị chỉ nằm hoặc ngồi cũng thấy đau đớn. Những nơi thường xuyên phải tiếp xúc với giường như: phía sau lưng, mông, khuỷu tay… của chị cứ bị thâm tím lại và đau như có ai đó gõ búa đinh vào người. Đôi bàn tay của chị cũng bị co quắp nên đến chiếc thìa xúc cơm cũng không thể nào cầm được. Chị nằm đâu là nằm đó. Mọi hoạt động cá nhân từ vệ sinh tới ăn uống của chị để trông vào cậu con trai và những người hàng xóm.

Cũng may, con trai chị là đứa trẻ ngoan, dù ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng từ khi hai anh chị ly hôn, tất cả các công việc từ: tắm giặt, tới vệ sinh cá nhân của mẹ hay việc nấu nướng hàng ngày, Thịnh đều phải làm.

{keywords}
Kể từ khi bố mẹ ly hôn, Thịnh chính là người chăm sóc cho mẹ.

Đến nay Thịnh cũng đã trưởng thành hơn, dù chưa tốt nghiệp cấp hai nhưng Thịnh cũng đã xin vào học nghề tại một trường trung cấp với hy vọng sau này có thể có được một công việc nuôi sống được bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, sức khỏe của chị Hương thì ngày càng yếu hơn. Cơ thể chị như một cành củi khô cứng nhắc. Khuôn mặt xinh đẹp ngày nào giờ cũng biến dạng vì bệnh tật với nụ cười buồn bã và ánh mắt u uẩn.

Chị bảo, có lẽ, những ngày được sống trên cõi đời này chẳng còn nhiều với chị nữa. Thế nhưng, trước khi ra đi, chị vẫn mong muốn làm được một việc gì đó có ích cho xã hội. Bởi cuộc đời chị không làm được gì cho ai nhưng lại nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người.

Và việc làm ý nghĩa mà chị muốn thực hiện ấy chính là tâm nguyện hiến thân mình cho y học để các nhà khoa học, các bác sĩ có thể tìm ra phương thuốc chữa trị cho những người mắc phải căn bệnh mà chị đang mang theo – một căn bệnh mà đến nay, y học vẫn chưa tìm ra cách chữa.

Thế rồi, để thực hiện được tâm nguyện ấy, chị đã liên hệ với Đại học Y Hà Nội nên “bây giờ, những thủ tục hiến thân đã gần hoàn tất” – chị Hương nói bằng ánh mắt đầy lạc quan khiến những người tiếp chuyện như chúng tôi không khỏi thương xót và cảm phục.

{keywords}
Viện Giải phẫu - Đại học Y Hà Nội chứng nhận đã nhận đơn xin hiến thi thể sau khi qua đời của chị Hương.

Chị Hoàng Thị Gấm, hàng xóm của chị Hương cũng cho biết, đây là ước nguyện của chị, nhưng hiện tại, những người hàng xóm hay lui tới với chị đều biết, chị vẫn đang phải chống chọi với những đau đớn về thể xác và những khó khăn về kinh tế. Bởi tiền chu cấp mà chồng cũ của chị gửi cho con không đủ để 2 mẹ con chị sinh sống.

Nên những khi đứa con đi học, chị cứ nằm một mình trong căn nhà và ngước lên nhìn trần nhà cho tới trưa, tới tối. Vì vậy, buổi trưa, một vài người hàng xóm tốt bụng thường mang cho chị ít đồ ăn và giúp chị những việc cần thiết như đỡ chị ngồi dậy, giúp chị uống ước, đi vệ sinh …

“Nhìn hoàn cảnh của chị Hương, ai cũng thương, đồng thời cũng cảm phục chị. Bởi cũng là phụ nữ, nhưng kể từ khi biết chị, thấy chị chưa được sống hạnh phúc một ngày nào cho trọn vẹn nhưng vẫn nghĩ đến xã hội với mong mỏi có thể giúp đỡ được những người không may mắn nếu mắc phải căn bệnh giống như chị” – chị Gấm nói.

Vũ Phi