Năm 2018, nông-lâm nghiệp Vĩnh Phúc vươn mình mạnh mẽ sau quá trình đổi mới kỹ thuật canh tác để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông, lâm nghiệp và phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững”.

Xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Năm 2016 Vĩnh Phúc phát động phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp”. Theo đó, các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường được triển khai rộng khắp. Ngày 25 hàng tháng, bà con ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư; mỗi gia đình hội viên hội Nông dân đều trồng, chăm sóc ít nhất 1 cây xanh theo quy hoạch.

Nhằm tạo ra nhiều nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường nông thôn, các cấp hội Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều mô hình điểm như:

- Nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia súc “4 không- 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại);

- Nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia cầm“3 không- 2 sạch” (không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại);

- Mô hình“4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y (đúng chủng loại, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng thời gian cách ly);

- Mô hình cộng đồng dân cư “3 xanh- 3 sạch- 3 đẹp” (xanh vườn nhà, xanh hàng rào, xanh đường làng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường; đẹp nhà, đẹp xóm, đẹp làng); mô hình cải thiện chất lượng nước và giữ gìn cảnh quan ao làng...

{keywords}
Trồng rau an toàn ở Vĩnh Phúc cho thu nhập cao hơn so với các loại rau thông thường cùng loại từ 7 - 8 triệu đồng/ha

Qua 2 năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như đường hoa ven hồ sinh thái thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên); mô hình tuyến đường nông dân tự quản xã Hoàng Hoa (Tam Dương); hình thành hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi hội, tổ hội…

Sau 2 năm, mô hình sản xuất hữu cơ, sạch, an toàn triển khai rộng khắp; các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dung” và nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới đã ra đời...

Các lớp tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên nông dân chăn nuôi, trồng rau hữu cơ sạch, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đã diễn ra khắp tỉnh, đáp ứng nhu cầu về kiến thức khoa học, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá thực phẩm sạch... cho nông dân.

Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường như mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản an toàn sinh học xã Đồng Tĩnh (Tam Dương); trồng măng tây theo quy trình VietGAP, khởi nghiệp du lịch sinh thái trải nghiệm Đồng Câu, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên)… góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lâm nghiệp

Đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông, lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Vĩnh Phúc trong năm 2018.

{keywords}
Hàng trăm nghìn cây xanh, cây ăn quả, cây lâm nghiệp được trồng mới tại các địa phương Vĩnh Phúc dịp lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Mậu Tuất 2018.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sản xuất lâm nghiệp ở Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hoàn thiện theo hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, công tác trồng rừng được quan tâm đẩy mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng kinh tế để giữ vững độ che phủ rừng 24% tổng diện tích. Lựa chọn các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, tăng cường chăm sóc, bảo vệ để nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2; quản lý rừng bền vững kết hợp với đa dạng hóa sinh kế cho người dân địa phương.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2018 đã đạt mục tiêu trồng mới 650 ha rừng tập trung và 1,6 triệu cây phân tán, chăm sóc rừng 2.370,6 ha; khoán bảo vệ rừng 9.758,1 ha. Người dân đã được nâng cao ý thức về vai trò tác dụng của trồng cây, trồng rừng, ý nghĩa của rừng với phát triển bền vững, kiên quyết bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp hiện có và mở rộng thêm diện tích rừng ở các vùng đất trống đồi núi trọc, tăng sinh khối để tăng tích trữ các-bon và đảm bảo cung cấp gỗ cho sản xuất và tiêu dùng.

Trong khi yêu cầu tăng trưởng xanh để phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, Vĩnh Phúc đang quyết tâm trở thành một "điểm sáng" sản xuất nông, lâm nghiệp xanh. Năm 2018, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8,06%; quy mô nền kinh tế gần 93,5 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Q.Hiếu