Qua 3 năm triển khai, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo. Dự kiến đến năm 2020, Chương trình sẽ cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Ngày 19/10, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ báo cáo kết quả Đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) giai đoạn 2016 - 2020 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo UBDT, qua 3 năm triển khai, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2017, Chương trình 135 đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 6,72%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, hộ nghèo DTTS năm 2017 giảm gần 92.000 hộ so với năm 2016. Dự kiến đến năm 2020, Chương trình sẽ cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, trong 3 năm 2016-2018, UBDT đã huy động 10 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland để hỗ trợ cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 9 tỉnh. Nguồn vốn này được thực hiện cho từng tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Báo cáo đánh giá: “Các tiểu dự án của Chương trình được thiết kế phù hợp, đồng bộ không chồng chéo, thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đặc biệt khó khăn.”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến, kinh nghiệm trong việc tham mưu thực hiện Chương trình 135 tại các địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, Trà Vinh, Kon Tum…

Ngoài báo cáo của 4 tỉnh và báo cáo độc lập của đơn vị tư vấn, Tổ chức CARE Quốc tế cũng chia sẻ kết quả đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện những cơ chế nổi bật của Chương trình 135, bao gồm cơ chế phân cấp trao quyền cho cơ sở, phát huy nội lực của người dân và lập kế hoạch tham gia của người dân.

Bên cạnh những kết quả khả quan, hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại như việc lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế, việc lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình khác còn gặp khó khăn…Trong thời gian tới, chương trình sẽ tập trung, hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với giai đoạn 2021-2025.

M.M - Bích Thủy - Văn Minh