Tự tử là tự mình tìm một lối thoát ích kỷ, lối thoát cho một mình bạn trong phút chốc rồi thôi. Nếu cảm thấy tuyệt vọng hoặc cuộc sống không đáng sống nữa, hãy nhớ rằng những cảm xúc sẽ vượt qua...

Những người mẹ bế tắc và cái chết đau lòng của trẻ thơ

Tin nữ y tá đang mang thai ôm con trai 2 tuổi nhảy xuống sông Lô tự tử khiến dư luận bàng hoàng. Trước khi ra đi, chị Mai đã nhắn tin vĩnh biệt chồng, nhưng anh S. chồng chị Mai không để ý vì theo lời anh, chị Mai đã không ít lần nhắn tin cho anh như thế rồi sau đó tự về hoặc anh đi gọi về. Trong thực tế, không ít những trường hợp chị em do buồn chán chuyện gia đình, giận chồng, giận người thân rồi hành động thiếu suy nghĩ gây ra cho mình và cả những đứa trẻ cái chết đau lòng.

Trước đó, ngày 8/7, do mâu thuẫn với mẹ chồng, chị Trần Thị T. (30 tuổi) xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) ôm con trai 7 tuổi nhảy xuống giếng. Sáng hôm xảy ra sự việc, chồng chị T. nhận được điện thoại của vợ dặn “anh cố gắng làm ăn và lo cho con” rồi cúp máy. Anh cố gọi lại nhưng chị không bắt máy. Lo lắng chuyện không lành, anh D. nhờ người thân bủa đi tìm, nhưng không kịp.

Ngày 24/4, người mẹ 33 tuổi tên là N.T.H ôm con trai 2 tuổi nhảy từ tầng 11 tòa nhà Mipec Tower Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Lý do được xác định chị H tự tử do trầm cảm. Những ngày gần đó, mọi người thấy chị trở nên ít nói, nhiều khi mắt đờ đẫn, thẫn thờ.

Do những áp lực quá lớn trong cuộc sống gia đình, chiều 24/3 chị Giang Thị Mỹ Diệu (giáo viên, 27 tuổi, trú tại thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) dắt 2 con đến bên bờ hồ Phú Ninh. Chị Diệu dùng 2 sợi dây để buộc vào 2 con rồi cùng nhảy xuống hồ để tự vẫn. Trước khi chết, chị Diệu để lại cho chồng một bức thư vỏn vẹn 14 dòng. Khi đọc bức thư này, nhiều người đều có suy nghĩ chị Diệu đang phải gánh chịu những nỗi khổ không thể nói thành lời.

Và còn rất nhiều trường hợp khác, gặp lúc bế tắc trong cuộc sống, nhiều chị em đã chọn cách ra đi để giải thoát cho chính mình.

{keywords}

Dấu hiệu của người muốn tự tử

Người muốn tự tử thường hay bị kích động trong các hành vi ứng xử, mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Họ nói về cái chết, nghĩ đến những cách thức tự tử, lập kế hoạch tự tử. Mỗi lần có chuyện gì chạm đến nỗi buồn đau, họ thường nói những lời như trăn trối, họ hay viết thư tuyệt mệnh, có những hành vi lạ lùng, những câu nói khó hiểu, vô nghĩa (nhưng có nghĩa đối với riêng họ), như “thà chết còn hơn”, “chết còn sướng hơn”, “chết là giải thoát”…

Họ cũng thường cười vu vơ không có nguyên do, khóc dễ dàng hoặc câm lặng, co mình lại, né tránh đám đông để gặm nhấm nỗi cô đơn bế tắc.

Biểu hiện về mặt cơ thể: cơ bắp bị run hoặc co giật, ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, tim đập nhanh, không tập trung, mất trí nhớ, suy nhược cơ thể.

Cảm xúc rồi sẽ qua

TS Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: Tự tử là hành vi yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ. Tự tử là tự mình tìm một lối thoát ích kỷ, lối thoát cho một mình bạn trong phút chốc rồi thôi. Nhưng sau đó để lại biết bao nhiêu gánh nặng cho cha mẹ, bạn bè và cho chính bạn.

Nếu cảm thấy tuyệt vọng hoặc cuộc sống không đáng sống nữa, hãy nhớ rằng những cảm xúc sẽ vượt qua. Đi từng bước một và không hành động bốc đồng. Làm việc để lấy lại quan điểm và cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn.

Đúng là đôi khi vượt qua sự bế tắc không dễ dàng. Nhưng bạn hãy tìm sự trợ giúp, đừng một mình giải quyết. Ai đó cũng được, hãy nói ra trăn trở của mình để nhận sự trợ giúp. Và đôi khi sự trợ giúp này sẽ giúp bạn lóe ra chút ánh sáng trong đường hầm tối thui. Bạn sẽ có quyết định của mình. Khi lâm vào tình trạng như vậy, hãy cố gắng có một sự trợ giúp, một sự trợ giúp sẽ làm bạn trở nên bớt yếu đuối hơn, có thêm một điểm tựa để níu kéo cuộc sống.

Giúp đỡ người có dấu hiệu muốn tự tử

Theo Thạc sĩ Tâm lý ThS. tâm lý Nguyễn Thị Tâm trên báo Khám phá, tự tử có nguyên nhân kết hợp giữa các vấn đề sinh lý, xã hội và tâm lý con người. Chúng chi phối, tương tác lẫn nhau, khó thể phân tách xuất phát từ những ảnh hưởng duy nhất nào. Các nhà nghiên cứu đã xem xét hành vi ấy trên cả ba mặt tác động, nhằm chỉ ra những nguy cơ hay yếu tố bảo vệ một người trước quyết định thực hiện hành vi tự tử.

Người có ý định tự tử thường do cảm xúc tiêu cực chi phối quá mạnh đến mức họ bị khủng hoảng tinh thần, mất hết lý trí. Những bế tắc và tuyệt vọng, sự trầm cảm làm cho họ luẩn quẩn trong nỗi đau của mình, cho nên nếu tự tử không thành, vấn đề của họ vẫn chưa được giải quyết, họ sẽ lên kế hoạch cho lần tự tử kế tiếp.

Vì vậy, khi phát hiện và cứu sống một người tự tử, không có nghĩa người đó đã thoát chết. Vấn đề chỉ được giải quyết khi họ được trợ giúp, cứu chữa về mặt tâm lý, giúp thay đổi nhận thức tích cực, chỉnh sửa cảm xúc sao cho họ tự nhận ra hành vi tự tử là sai lầm, dại dột, chẳng ý nghĩa gì, giúp họ biết giá trị của bản thân, biết yêu quý chính mình, xây dựng lại niềm tin và thái độ sống tích cực.

Khi thấy người thân có những biểu hiện lạ hoặc nói những câu như “tôi muốn chết”, “thà chết còn hơn”, chúng ta phải nghĩ đó là lời nói thật, do quá bức xúc nên họ thốt ra. Họ cần được người xung quanh chú ý, yêu thương, được quan tâm, chia sẻ lắng nghe. Chúng ta phải dành thời gian ở bên họ, để hiểu xem cảm xúc họ tiêu cực đến mức nào, họ bị mắc kẹt vào việc gì, cần chúng ta điều gì, hoặc đưa họ đến những nhà tâm lý trị liệu hoặc bác sỹ tâm thần kinh.

Thêm một số lưu ý khi giúp đỡ người có ý định tự tử:

Hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn.

Lắng nghe họ và khuyến khích họ trút nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói.

Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ, và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.

Tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè của họ; liên lạc với các chuyên gia tâm lý, nhân viên CTXH, nhân viên y tế để họ có các biện pháp trị liệu phù hợp.

Hãy chủ động và tự tin vào khả năng giúp đỡ, cứu chữa của bạn sẽ ngăn chặn được tự tử, chủ động gọi điện hoặc tới thăm người có ý định tự tử để giúp đỡ họ.

Khuyên khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan, như lôi kéo họ vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.

Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Di chuyển họ tráng xa những đồ vật có thể giúp tự tử như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ….

Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự tử nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống.

Minh Thư (tổng hợp)