Trở lại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám lại sau ca phẫu thuật, chị Trần Thị Minh (24 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhẹ nhõm đi rất nhiều cả về tinh thần lẫn thể xác.

Khối u xơ thần kinh 7 kg “gắn bó” với chị Minh suốt 24 năm qua đã được cắt bỏ thành công, đưa chị trở về với cuộc sống bình thường mà bao năm chị chưa được hưởng. Những ca bệnh hy hữu như của Minh khiến các bác sĩ phải nhớ mãi.

Cô gái mai rùa

Mặc cảm, tự ti đó là những gì mọi người nhận xét về Minh. Bước vào tuổi thiếu nữ, Minh không dám gặp gỡ bạn bè, hạn chế giao tiếp bên ngoài. Cuộc sống của Minh chỉ quanh quẩn trong nhà. Mỗi lần nhà có khách lạ, Minh lại thu mình trong phòng không dám xuất hiện.

 

{keywords}

Bệnh nhân Trần Thị Minh và khối u trước phẫu thuật (trái). Khối u của bệnh nhân Minh được cắt bỏ.

 

Chào đời, Minh có một vết chàm ở lưng. Lúc đó, vết chàm còn bé nên cả nhà nghĩ lớn dần sẽ hết, nếu không thì nó nằm ở lưng cũng không ảnh hưởng gì đến hình thức. Oái oăm thay, vết chàm lớn lên theo tuổi của Minh. Cả nhà đưa Minh đi khám thì nhận được câu trả lời: Đợi Minh lớn sẽ có cách xử lý, giờ bé quá chưa làm gì được. Câu nói của bác sĩ khiến gia đình phần nào yên tâm vì nghĩ rằng, như thế là có thể điều trị được.

Bước vào tuổi tới trường, vết chàm bắt đầu lớn dần và nhìn rõ hơn. Mỗi lần Minh mặc áo, ở sau lưng nhô lên một cục. Các bạn bắt đầu xì xào, trêu chọc Minh là “con bé mai rùa”. Thương con, bố mẹ Minh lại đưa em đi khám với hy vọng chữa sớm còn hơn để lâu khó chữa. Lúc này, bác sĩ khám bảo, khối u đã tương đối to và khuyên chung sống hòa bình với nó. Sống xa Hà Nội, điều kiện kinh tế lúc đó còn khó khăn nên bố mẹ đành để Minh sống chung với tấm “mai rùa”.

Cả tuổi thơ, rồi đến tuổi thiếu nữ, Minh cứ vác khối u trên lưng đến trường. Minh quen dần với những lời chọc ghẹo của bạn bè. Thay vì đáp lại, Minh thu mình vào, ít giao tiếp với mọi người. Hết giờ học, Minh về nhà quanh quẩn với bố mẹ, anh chị em. Cả nhà đã xác định, Minh sẽ chung sống với “mai rùa” cả đời. Nhưng 2 năm trở lại đây, khối u to lên rất nhanh, chiếm gần như toàn bộ lưng, khiến Minh đi lại rất khó khăn và em càng mặc cảm hơn về vẻ ngoài dị dạng của mình.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, nhớ lại, khi đến bệnh viện, hình dáng bệnh nhân khá nặng nề, đi lại khó khăn. Bệnh nhân chia sẻ rằng, nếu không phẫu thuật được khối u trên lưng không những ảnh hưởng đến đi lại mà còn cả thẩm mỹ. Em không dám ra đường vì xấu hổ. Em còn lo lắng khối u ngày càng phát triển nhanh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Thiếu nữ có bộ ngực khủng

Các y bác sĩ của khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, không quên được cảm giác kinh ngạc khi tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị H (14 tuổi, ở Quảng Ngãi) có bộ ngực nặng 10.4 kg. Theo lời của người nhà, khi mới được 12 tuổi, vú của H bắt đầu có sự thay đổi, to hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ H cho rằng, con mình dậy thì sớm hơn những đứa trẻ khác nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, ngực H lớn nhanh bất thường, hai bầu vú chảy xuống tận cạp quần.

Nguy hiểm hơn, sức nặng của bộ ngực còn khiến vùng da bụng nơi ngực đè lên bị lở loét, hai vai nhức mỏi, cột sống biến dạng. Kích thước bất thường của vòng một khiến H tự ti, xấu hổ, phải bỏ học, không bước chân ra khỏi nhà. Sau khi được người quen tư vấn, H đến khoa khẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn để phẫu thuật, trả lại hình dạng bình thường cho vòng một.

Cũng trong tình trạng khốn khổ vì vòng một quá khổ, bệnh nhân Triệu Mùi Pú (18 tuổi, dân tộc Dao, ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên) cũng phải nhờ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Giang phẫu thuật tuyến vú dài 39 cm, nặng 2 kg. Ca phẫu thuật có sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp Thoreck phẫu thuật cho người bệnh. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Toàn bộ phần vú phì đại được phẫu thuật trở lại trạng thái bình thường, người bệnh vẫn giữ được tuyến vú và có thể cho con bú trong những lần sinh nở sau.

 

{keywords}

Bệnh nhân Triệu Mùi Pú, 18 tuổi với tuyến vú dài 39cm, nặng 2kg.

 

Một ca khó

TS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, mỗi tháng, khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội tiếp nhận 1-2 ca u xơ thần kinh, nhưng trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Minh (ở Vĩnh Phúc) thật đặc biệt. Đó là một dạng u xơ thần kinh, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó phối hợp với dị dạng mạch máu, các mạch máu tăng sinh rất nhiều. Nhiệt độ ở khối u lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ cơ thể 2-3 độ. Nguy cơ chảy máu ồ ạt khi mổ rất có thể xảy ra. Nếu phẫu thuật không cẩn thận dễ mất máu, nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, toàn bộ đốt sống phần ngực và lưng bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, không có cung xương sau. Vì thế, khối u có phần thông trực tiếp với tủy sống.

“Trước khi tiến hành phẫu thuật, chúng tôi đã phải đặt ra nhiều tình huống để đưa ra hướng phẫu thuật tối ưu nhất. Cuối cùng, chúng tôi đã áp dụng phương pháp tiêm thuốc tắc mạch để máu kém đi, tránh mất máu nhiều khi phẫu thuật. Ngoài ra, các bác sĩ không thể phẫu tích quá lớn dẫn đến dò vào tủy sống, gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến chức năng vận động đại tiểu tiện”, TS.BS Hà nói.

Sau hàng loạt các xét nghiệm cùng với sự chuẩn bị cẩn thận, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt 70-80% khối u, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, giảm biến chứng loét, vỡ, chảy máu sau này. Ca phẫu thuật kéo dài gần 7 tiếng đồng hồ đã thành công tốt đẹp. Ngày ra viện, khi bác sĩ hỏi thăm, Minh không nói lên lời chỉ biết khóc. Cô khóc vì hạnh phúc, vui sướng. Thế là từ nay, Minh không còn mang tên “cô gái mai rùa” nữa.

Theo định kỳ, Minh lên Bệnh viện Việt Đức để kiểm tra sức khỏe. “Mỗi lần tới viện, Minh đã có thay đổi, em không còn tự ti như trước, khuôn mặt vui vẻ hơn, giao tiếp cũng tốt hơn, đặc biệt khối u đã nhỏ lại nên dáng đi và hình thức cũng dần trở về bình thường. Thời gian tới, nếu bệnh nhân có nhu cầu, có thể tiến hành cắt thu bớt khối u, tạo hình lại cung sau”, TS.BS Hà cho biết.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, u xơ thần kinh khó phòng và thường do di truyền. Bệnh nhân thường bị bẩm sinh. Hiện nay, phương pháp điều trị vẫn là phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ thần kinh. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Với ca bệnh trên, để giảm tối đa nguy cơ chảy máu cho bệnh nhân, trước khi mổ bác sĩ đã tiến hành nút mạch. Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ dùng dao siêu âm để cầm máu, mổ đến đâu hàn mạch luôn đến đấy.

Liên quan đến những ca phì đại tuyến vú, hiện nay, nhiều bệnh nhân rỉ tai nhau về một loại thuốc uống được quảng cáo có thể làm nhỏ ngực. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. “Không có thuốc nào có thể làm vòng một nhỏ lại. Biện pháp duy nhất là phẫu thuật”, bác sĩ TS.BS Hà khẳng định. Phẫu thuật giúp đảm bảo hình thái thẩm mỹ của vòng một (hình dạng, kích thước vú như bình thường, giữ được quầng núm vú) và chức năng của vú (bảo tồn được ống tiết sữa đối với trường hợp phẫu thuật là phụ nữ).

(Theo Báo Lao động)