Các chuyên gia tình dục cho biết, ngoài nguyên nhân vật lý thì tinh thần cũng có tác động rất lớn trong “chuyện ấy”.

Khi vui vẻ, thoải mái, người ta thường hứng thú với chuyện “gối chăn” và nhập cuộc thuận lợi, đạt kết quả mỹ mãn. Ngược lại, tâm trạng buồn bã, chán nản, tinh thần căng thẳng, mệt mỏi thì mấy ai còn thiết tha làm gì. So với phụ nữ, nam giới ít bị tác động về mặt tâm lý trong quan hệ “ái ân” hơn nhưng khi xảy ra thì khá nghiêm trọng, thường gặp nhất là rối loạn cương dương.

Stress và “phong độ” phái mạnh

Stress là thuật ngữ chỉ trạng thái tinh thần của con người khi bị áp lực, căng thẳng kéo dài. Người ta biết nhiều về tác dụng giải tỏa stress của “chuyện ấy” nhưng lại biết rất ít về ảnh hưởng của stress đến đời sống tình dục. Không thiếu gì những tác nhân gây stress (khó khăn trong nghề nghiệp, nghèo túng, tang tóc, tai nạn, bệnh tật...) và đều có thể gây ra những rối loạn về chức năng tình dục, có thể ngắn hay dài hạn (suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương…). Khi thấy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ tình dục hay có rối loạn về cương dương, nam giới cần nghĩ tới yếu tố stress trước tiên. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, cứ 5 người đàn ông thì có một người bị rối loạn cương dương thường xuyên hay tạm thời. Trong đại đa số trường hợp, những trục trặc này có nguồn gốc tâm lý hay phối hợp (có một phần do tâm lý). Nhìn chung, có đến 29% nam giới bị rối loạn cương dương do stress, thường xảy ra ở những người đàn ông độ tuổi từ 35 đến 49, đã có vợ con, giữ những trọng trách và phải lao động bằng trí óc nhiều hoặc gặp khó khăn trong công việc, lo lắng về sức khỏe và tiền bạc.

Cơ chế gây cương dương ở nam giới chịu sự kiểm soát của hai hệ thần kinh có tác dụng đối nghịch: hệ phó giao cảm kích thích và hệ giao cảm thì ức chế. Một mặt, hệ phó giao cảm làm cho các mạch máu và cơ nhẵn của thể hang giãn ra, thu hút máu đến và tạo ra sự cương dương. Mặt khác, hệ giao cảm thì ức chế lại có tác dụng làm co mạch và do đó làm mất đi sự cương cứng của “cậu nhỏ”. Và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, stress tạo ra cơ hội thuận lợi cho cơ chế co mạch. Thực tế, stress gây rối loạn cương dương và tình trạng này lại gây ra những lo lắng, muộn phiền. Hậu quả là tạo ra vòng luẩn quẩn. Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp thì quý ông sẽ ngày càng lâm vào sự bế tắc không lối thoát, vừa cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, vừa mặc cảm về bản thân.

Theo lương y Đinh Công Bảy, tình chí kết uất (tâm lý, tình cảm bị rối loạn, ức chế kéo dài) tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, người luôn bực bội, khó chịu. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nam giới bị suy giảm phong độ phòng the, rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Ngoài ra, việc rối loạn chức năng hai tạng tâm và thận cũng dễ dẫn đến tình trạng huyết hư, tinh yếu, ăn ngủ kém, cơ thể suy nhược, mau quên, tai ù, hoa mắt, chóng mặt, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương. Khi có những dấu hiệu trên, nam giới cần nhanh chóng có biện pháp cải thiện để tình hình không trở nên nghiêm trọng.

{keywords}
Lương y Đinh Công Bảy.

Những vật phẩm thiên nhiên giá rẻ

Theo lương y Đinh Công Bảy, để cải thiện tình trạng rối loạn cương dương do yếu tố tâm lý thì trước tiên phải giải quyết từ gốc rễ. Đó chính là loại bỏ những áp lực tinh thần. Ngoài việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc khoa học, quý ông nên sử dụng những món ăn bài thuốc có tác dụng làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường ham muốn phòng the. Dưới đây là một số vật phẩm thiên nhiên giá rẻ mà lương y đã nghiên cứu và chứng thực giúp bổ thận, bổ tâm, an thần, đồng thời giúp quý ông lấy lại phong độ trong “chuyện ấy”.

Rau cần tây: còn gọi là dương khổ thái, rau cần cạn, rau cần tàu (để phân biệt với rau cần nước, tức rau cần ta). Theo Đông y, rau cần tây có vị chát, mùi thơm nồng, tính mát, không độc, tác dụng dưỡng tinh, ích huyết, thanh nhiệt, trợ tiêu hóa… Cần tây có khả năng kích thích tình dục tốt bởi nó có chứa nhiều androsterone – hóc môn không mùi được tiết ra ở nam giới thông qua tuyến mồ hôi có tác dụng kích thích ham muốn không chỉ cho quý ông mà còn cho cả bạn tình của họ.

Canh rau cần tây – thịt heo: 100g rau cần tây (cả lá và thân), 100g thịt heo, 20g nấm hương, gừng, tỏi, muối, hạt nêm. Rau cần tây rửa sạch, cắt ngắn. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng khoảng 15-20 phút rồi cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, cắt nhỏ. Tỏi giã dập. Đun sôi thịt heo với 500ml nước, khi thịt chín cho cần tây, nấm hương, tỏi vào đảo đều đến khi canh sôi chín là được. Nêm gia vị vừa ăn, dùng nóng trong bữa ăn. Món canh này có tác dụng bổ can huyết, rất tốt cho người suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, giảm ham muốn tình dục.

Rau cần xào nấm hương: 250g rau cần tây, 50g nấm hương, 20g câu kỷ, rượu khai vị, gừng, hành lá, dầu ăn, muối, hạt nêm. Rau cần bỏ lấy cọng, dùng nước sôi ngâm một lúc rồi vớt ra, để ráo, xắt khúc. Nấm hương rửa sạch, xắt sợi. Câu kỷ bỏ vỏ, tạp chất, rửa sạch. Gừng xắt mỏng, hành xắt khúc. Để chảo dầu lên bếp lửa lớn, vừa nóng thì cho gừng, hành vào phi thơm, sau đó đổ rau cần, nấm hương, câu kỷ, hạt nêm, muối vào xào là được. Món ăn có tác dụng bổ thận, bổ tâm, an thần, hạ huyết áp, chống ung thư, giảm béo phì.

Trà rau cần – táo đỏ: 150g rau cần tây, 2 trái táo đỏ. Rau cần tây rửa sạch cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch bỏ hạt. Cho tất cả vào nồi nấu với 1 lít nước, sắc còn 750ml, uống thay nước trà trong ngày. Tác dụng êm dịu thần kinh, an thần. Thức uống này thích hợp với người suy nhược thần kinh, mất ngủ.

Long nhãn: Là cùi của trái nhãn, được dùng làm thực phẩm và làm thuốc gọi là long nhãn nhục, nguyên nhục hoặc quế viên. Theo Đông y, long nhãn có vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng bổ tâm, bổ tì, an thần, trấn tĩnh thần kinh, làm tăng trí nhớ, làm đẹp nhan sắc, tăng tuổi thọ. Đối với long nhãn khô, cách ăn tốt nhất là nhai nhỏ rồi ngậm và từ từ nuốt nước, không nên chỉ nhai sơ qua rồi nuốt luôn. Mỗi ngày cũng chỉ nên dùng 8-20g long nhãn nhục (khô), dùng riêng hoặc phối hợp với hạt sen 20-30g (khô), hồng táo 15-20 quả để nấu chè hoặc nấu cháo ăn, rất bổ dưỡng, giúp ngủ ngon giấc và trợ tim. Một bài thuốc khác là rượu long nhãn. Nguyên liệu gồm 200g long nhãn nhục và 0,5 lít rượu trắng ngon. Ngâm long nhãn nhục với rượu trắng trong bình thủy tinh hoặc hũ sành, sau 2 tuần là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml trước nữa ăn. Rượu có tác dụng bổ huyết, an thần.

Bí đỏ (bí ngô): Có nguồn gốc từ châu Phi, được trồng ở nhiều nơi với nhiều giống khác nhau để làm thực phẩm và làm thuốc. Theo Đông y, thịt quả bí đỏ có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, giải nhiệt, giải khát, thường dùng chữa suy nhược, mất ngủ. Món ăn đơn giản mà bổ dưỡng từ bí đỏ là cháo bí – đậu. Nguyên liệu gồm 200g bí đỏ, 50g đậu xanh (hoặc đậu đen, đậu đỏ), 50g đậu phộng, 100g gạo nếp. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng nhỏ; đậu phộng giã nát nhuyễn, bỏ chút nước, vớt bỏ vỏ. Cho hai thứ vào nồi ninh nhừ. Gạo nếp, đậu xanh (bỏ vỏ càng tốt) tán thành bột mịn, hòa với 200ml nước quấy cho tan đều. Khi bí đã chín nhừ, cho nước gạo nếp và đậu xanh vào, quấy đều cho cháo sôi kỹ lại là được. Thêm đường, gia vị cho vừa ăn. Ngày ăn hai lần, liền trong 15 ngày, ăn nóng. Tác dụng bổ dưỡng, ích khí, an thần, rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Canh hoa thiên lý: 50g hoa thiên lý, 100g thịt heo nạc, gia vị các loại. Hoa thiên lý rửa sạch, để ráo. Thịt heo rửa sạch, ướp gia vị. Nấu nước sôi, cho thịt heo vào nấu chín, cho hoa thiên lý vào khuấy đều, canh sôi lại là được. Dùng ăn trong bữa cơm chiều. Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng an thần, mát gan, làm sáng mắt, thanh nhiệt, giải độc, thường dùng làm thức ăn bổ mát, chữa mất ngủ, giải nhiệt. Vì vậy, món canh trên có tác dụng an thần, giải nhiệt (nhất là vào mùa hè nóng nực), đem lại cảm giác sáng khoái, giúp dễ ngủ và ngủ ngon giấc. Ngoài ra còn chữa đau lưng, tiểu đêm, cơ thể mệt mỏi.

Thịt gà hầm hạt sen: 200g thịt gà, 50g hạt sen, 50g ý dĩ, 6g mộc nhĩ đen, muối, tiêu, hạt nêm. Thịt gà bỏ xương, rửa sạch, băm nhỏ, ướp gia vị, xào chín. Ý dĩ và hạt sen rửa sạch, nấu với lượng nước vừa đủ cho chín mềm. Mộc nhĩ đen ngâm nước, làm sạch, cắt sợi. Cho thịt gà và mộc nhĩ vào nối cùng ý dĩ với hạt sen. Nấu lại cho chín nhừ. Chia hai lần, ăn nóng vào lúc bụng đói. Tác dụng bổ tì vị, bổ tâm sinh huyết, bổ phế, rất tốt cho người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, tinh thần không thư thái.

(Theo Giadinh.net)