Vợ chồng tôi đến với nhau trong hoàn cảnh “rổ rá cạp lại” khi bước qua lứa tuổi đã sống gần một nửa cuộc đời. Rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân trước, cô ấy luôn yêu cầu tôi phải sòng phẳng trong mọi khoản chi tiêu. Thậm chí món quà 8/3 tôi tặng, cô ấy cũng đề nghị: “Anh mua hết bao tiền, em trả”.

Tôi và cô ấy quen nhau trong một mối giao dịch buôn bán điện tử. Khi biết mình “đồng cảnh ngộ”, chúng tôi sớm trở nên thân thiết và kết thúc bằng một đám cưới giản dị.

Bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, tôi khá hài lòng bởi cô ấy thực sự là một người phụ nữ tháo vát, đảm đang khi quán xuyến chu toàn mọi mặt trong gia đình. Không những vậy, cô ấy còn quản lý một trong hai cơ sở kinh doanh hàng điện tử nhập khẩu do chính chúng tôi làm chủ và thành lập trước khi đến với nhau.

Nếu bất kì ai nhìn từ bên ngoài để đánh giá về cuộc sống của chúng tôi, có lẽ họ sẽ cảm thấy ngưỡng mộ và khâm phục với những thành quả vợ chồng tôi đã tạo nên.

Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn, tôi có một nỗi buồn, đúng hơn là một nỗi “đau”. Tôi chỉ biết gặm nhấm nỗi “đau” đó trong lòng, không thể tâm sự cùng ai và cố gắng lấy những cái “được” trong cuộc sống vợ chồng để khỏa lấp đi cái “mất” tưởng chừng rất nhỏ nhoi nhưng vô cùng giằng xé.

{keywords}

Ảnh minh họa

Chuyện bắt đầu ngay sau đám cưới. Đầu tiên, cô ấy thẳng thắn đưa ra “bản giao kèo” giữa hai người. Cô ấy nói, “vết xe đổ” về người chồng cũ không chung thủy đã làm cho cô ấy vô cùng đau khổ. Không những thế anh ta còn mang tài sản gia đình chu cấp cho “vợ bé”, gây tranh cãi và thiệt thòi rất nhiều cho mẹ con cô ấy khi ly hôn.

Trong cuộc hôn nhân lần hai với tôi, cô ấy muốn chúng tôi hãy cùng nghĩ “thoáng” ra, không nhất thiết phải đăng ký kết hôn và có con làm gì. Dù gì cả tôi và cô ấy cũng đã có con riêng, ai cũng muốn lo lắng thật tốt cho con của mình nên việc không bị ràng buộc về pháp luật sẽ giúp cho cả hai chúng tôi không va chạm cảnh “con anh, con tôi”; tránh mâu thuẫn dì ghẻ - con chồng, cha dượng - con vợ.

Mặt khác, tài sản tôi và vợ có được trước khi đám cưới thì sau đám cưới “của ai người đó giữ”, người này không được can thiệp vào khi người kia quyết định về tài sản của riêng mình.

Ban đầu, tôi không đồng tình về quyết định đó của vợ, bởi tôi yêu cô ấy và chúng tôi đến với nhau trước sự công khai của mọi người. Tôi muốn có con với cô ấy vì dù sao chúng tôi mới bước qua tuổi 35, song cô ấy vẫn cương quyết không muốn thực hiện những điều mà tôi mong mỏi.

Vợ tôi cho rằng, chả lẽ muốn sống hạnh phúc với nhau nhất thiết phải có con và có sự đồng ý của pháp luật? Những “món quà” về tình cảm, tinh thần cô ấy đã và đang dành cho tôi chả lẽ chưa đủ để tôi gắn bó với cô ấy? Vì sao tôi không thể nghĩ “thoáng” và nhận ra những gì cô ấy quyết định đều là sự lựa chọn có lợi cho cả hai?...

{keywords}

Ảnh minh họa

Trước những lập luận của vợ, đôi lúc tôi nghĩ, liệu mình có quá khắt khe với nguyện vọng của vợ quá không? Rồi sau những suy tư đầy trăn trở, tôi nghĩ mình cũng nên “nới” tư tưởng để dễ sống hơn với cô ấy. Tự nhủ mình hãy là người đàn ông đại lượng bởi dù sao những điều đó ít nhiều sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư cuả hai vợ chồng.

Nếu chỉ dừng lại ở góc độ không muốn “xâm phạm” con cái, tài sản của nhau thì tôi đã không phải khổ tâm như thế này. Chính trong cuộc sống riêng tư giữa hai người, cô ấy cũng rất rạch ròi với tôi. Sự rạch ròi đó hàng ngày vẫn cứ diễn ra và càng ngày tôi càng cảm nhận thấy nó đang làm ảnh hưởng đến tình cảm tôi dành cho vợ rất nhiều.

Khi hai vợ chồng đi mua sắm một loạt đồ dùng, quần áo. Về đến nhà, vợ ghi chép ra sổ sách những đồ gì của chồng, cái nào của vợ rồi bảo chồng trả tiền những món đồ thuộc sở hữu của chồng . Đã có người chồng nào rơi vào tình huống trớ trêu đó như tôi chưa?

Một hôm, cô ấy chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn để hai vợ chồng cùng thưởng thức ngày cuối tuần. Khi tôi vẫn đang gật gù khen đồ vợ nấu ngon, vợ buông câu “Hôm nay em đi chợ hết 200 ngàn nhé, mỗi người một nửa, lát sau bữa ăn anh đưa tiền cho em”.

Ngày 8/3, tôi mua một món quà nhỏ tặng vợ. Sau lời “cảm ơn” từ vợ là câu hỏi “Anh mua hết bao nhiêu tiền, em gửi?”. Bỗng chốc, tôi “cứng họng” vì không biết phải nói gì và cảm thấy món quà vừa tặng không còn ý nghĩa gì nữa.

Vợ tôi cũng luôn tỏ ra trung thực trong kinh tế. Chưa bao giờ cô ấy hỏi tôi có bao nhiêu tài sản, đất đai và cá nhân tôi cũng không quan tâm lắm về tài sản của cô ấy. Đời thường, chi tiêu những khoản nào, cô ấy lấy đủ số tiền, nếu có dư sẵn sàng trả lại cho tôi cho dù tôi có muốn nhận hay không. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy tiêu xài của tôi dù chỉ là một đồng, mà mọi thứ liên quan đến kinh tế đều được vợ tôi phân chia một cách sòng phẳng.

Ba năm chung sống là khoảng thời gian tôi phải “đấu tranh” với chính bản thân mình khi luôn bị giằng xé, băn khoăn trước những cái “được – mất” giữa tôi và cô ấy. Trong khi cô ấy cho rằng “nguyên tắc” đó làm cho cô ấy thấy đời sống vợ chồng thoải mái và cảm thấy gắn bó với tôi hơn thì tôi lại hoàn toàn ngược lại.

“Nguyên tắc” đó đang ngày càng xói mòn tình cảm tôi dành cho vợ, nó là nỗi khổ tâm, sự cắn dứt khi tôi không thể sẻ chia cùng ai và không biết làm sao để thay đổi được nó khi vợ tôi trước sau như một không thay đổi quan điểm của cô ấy.

Đã có lúc tôi nghĩ đến việc chia tay và cô ấy cũng bày tỏ suy nghĩ sẽ tôn trọng quyết định của tôi nếu cảm thấy không thể tiếp tục chung sống với cô ấy được nữa. Tôi nghẹt thở trong mớ “nguyên tắc” sống và sự sòng phẳng kỳ lạ của cô ấy.

Có lẽ đây là một trong số những trường hợp hiếm hoi phản ánh tâm lý ngược lại của người phụ nữ trong hôn nhân. Điều này rõ ràng có nguyên nhân gốc rễ của nó, có thể là bị ám ảnh về sự phản bội của người chồng trước; bị tước đoạt tài sản không công bằng khi ly hôn; muốn tập trung lo cho con cái trưởng thành; chưa đủ niềm tin dành cho người chồng hiện tại…

Bản thân người chồng cần nắm được tâm lý và mục đích của người vợ trong cuộc sống hôn nhân với mình theo chiều hướng như thế nào, có xác định lâu dài hay không và cần làm gì để đảm bảo cho hạnh phúc đó.

Tất nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Người vợ cần có nhận thức, sự tiếp thu ý kiến từ chồng và mạnh dạn chia sẻ, bày tỏ cho người chồng biết mong muốn của mình trước khi đưa ra quyết định “nguyên tắc” sống chung cho cả hai người.

Người chồng cũng cần thẳng thắn đưa ra suy nghĩ của mình để cùng vợ tháo gỡ vấn đề trong cách sinh hoạt, ứng xử hàng ngày. Tránh quá nuông chiều vợ, để vợ tự ý quyết định tất cả và vô tình phủ nhận “tiếng nói”, vai trò của người chồng trong gia đình./.

(Chuyên gia tâm lý Nguyễn Việt Hà)

(Theo Pháp luật Việt Nam)