“Nào, ta cùng đi xe bus!” vang lên một cách tự nhiên và háo hức, chẳng khác gì sự thích thú của một cậu bé 7 tuổi là tôi, Trương Anh Ngọc, ngày đầu được leo lên tàu điện leng keng chạy từ Chợ Mơ đến Bờ Hồ rất nhiều năm về trước.

Nhắc đến cái tàu điện là để nói đến một phương tiện đã bị khai tử tầm ba thập kỉ trước, để lại không ít hoài niệm và tiếc nuối cho những ai từng sống trong một thời mà Hà Nội chưa bùng nổ các phương tiện cơ giới cá nhân, và phố phường chỉ toàn xe đạp. Sự tiếc nuối lớn hơn khi tôi đi nhiều nơi trên thế giới, vẫn thấy tàu điện-một phương tiện bình dân, chạy ở khắp nơi, kết hợp với các loại hình giao thông công cộng khác hàng ngày chuyên chở hàng triệu lượt người di chuyển trong các đô thị lớn.

Không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người khác đều tiếc, đều nhận ra là các thành phố lớn của chúng ta, đặc biệt là Hà Nội, sau khi loại bỏ tàu điện, đã bỏ lỡ những cơ hội bằng vàng để có thể phát triển giao thông công cộng, khi tạo điều kiện cho sự gia tăng chóng mặt của xe máy trong nhiều năm.

Để rồi sau đó, sau khi nhìn thấy quá nhiều hệ lụy của việc phát triển không phanh các phương tiện cá nhân, phát triển nhanh hơn cả sự mở rộng của đường sá và quy hoạch đô thị, người ta mới bắt đầu triển khai xe bus, mới bắt đầu xây các tuyến đường sắt trên cao, mới làm metro (ở TP.HCM), và bây giờ, một tập đoàn tư nhân hàng đầu đất nước đưa ra dự án xe bus điện, dự kiến ban đầu cho 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Muộn, đúng thế, nhưng muộn còn hơn không, và tôi tin, đó sẽ là một thách thức không nhỏ cho những ai đầu tư vào giao thông công cộng. Người ta chỉ có thể bỏ xe máy hoặc xe hơi nếu họ thấy đi lại bằng xe bus tiện lợi, an toàn, tiết kiệm được thời gian và rẻ.

Nhiều người đã chọn đi xe bus trong những năm qua, đúng thế, nhưng con số đó chưa thấm tháp vào đâu so với lượng người hàng ngày di chuyển trên đường phố. Những bài toán về tắc đường chỉ có thể được giải quyết một phần khi các hệ thống giao thông công cộng kết nối mọi nơi trong thành phố và thể hiện sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Nhưng tin VinFast cho ra VinBus vẫn là một tin rất vui. Nó đem lại trước hết là sự tin tưởng, bởi công ty mẹ của nó đồng nghĩa với uy tín và sự chắc chắn. Họ không làm điều gì một cách phiêu lưu mà không có cơ sở thành công. Và việc họ một lần nữa biến những ý tưởng phục vụ dân sinh thành hiện thực cho thấy cam kết của họ với chúng ta thế nào. Đấy là cam kết về môi trường, khi đây là xe điện, xe bus điện đầu tiên ở Việt Nam, nghĩa là tuyệt đối xanh và sạch. Nó có thể thu hút và tạo cảm hứng cho không chỉ đối tượng đi lại bình dân mà còn cả những người có điều kiện, nhưng vì ý thức bảo vệ môi trường nên sẵn sàng bỏ xe hơi để lên bus điện.

Đấy cũng là cam kết về việc xây dựng một lối sống văn minh và hiện đại dựa trên hình thức đi lại mà các nước phát triển Âu Mỹ và rất gần ta, từ Trung Quốc, Thái Lan cho đến Malaysia đều đã làm và làm rất thành công. Họ đã đi trước chúng ta nhiều thập kỉ, đã biến việc sử dụng phương tiện công cộng thành một thói quen, một lối sống, một dạng văn minh của đô thị. Nó không hề trở thành một gánh nặng, một sự cáu bẳn và thái độ khó chịu đối với người đi lại trên đường, kiểu như đã dành cho các xe bus nhanh BRT ở Hà Nội.

{keywords}
Tác giả - nhà báo Trương Anh Ngọc đi phương tiện công cộng tại Thái Lan

Tôi đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, nơi nào đặt chân đến tôi cũng đi lại bằng bus hoặc metro, tàu điện nổi. Đơn giản bởi đấy là phương tiện duy nhất tôi cảm thấy hợp lí, tiết kiệm thời gian và an toàn, lại rất kinh tế. Các bến trung chuyển-nhà ga, bến đỗ, luôn được thiết kế sao cho phù hợp nhất với mọi đối tượng di chuyển, kể cả người khuyết tật, và chúng nằm trong một hệ thống kết nối với các trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, các quảng trường. Ta có thể đi từ vòng quanh Paris trong một ngày mà không mệt bằng metro, ta có thể đến khắp nơi ở Kuala Lumpur hay Bangkok bằng các tàu điện trên cao, ta cũng không ngại ngồi trên xe bus hai tầng để đi chơi ở Hongkong mà không hề mệt mỏi. Các phương tiện công cộng ấy có thể đưa ta đi khắp nơi ta muốn, và rồi sau đó, rời khỏi chúng, là đi bộ. Dăm ba km, thậm chí chục km không thành vấn đề.

Nhưng ở Hà Nội hay TP.HCM thì đó có thể là câu chuyện lớn. Sự quá phổ biến của các phương tiện cá nhân theo hướng tiện lợi cho bản thân đã ảnh hưởng đến ý thức và lối sống, từ đó tác động tiêu cực lên cuộc sống thị thành. Thay đổi cách sống ấy không thể diễn ra một sớm một chiều mà cần kiên nhẫn và có thể mất nhiều năm, song song với những điều chỉnh sao cho phù hợp, chẳng hạn tiến tới một lộ trình cấm xe máy trong tương lai không xa.

Nhưng người ta chỉ có thể bỏ xe máy nếu xe bus thay xe máy trong việc đi lại. Tôi luôn tin rằng, xe bus có thể làm được điều ấy, và xe bus điện của VinFast có thể được kì vọng như một hướng đi đúng cho hiện tại và tương lai, không chỉ trong việc tạo ra ấn tượng về một phương tiện công cộng thân thiện với môi trường.

Trương Anh Ngọc