Trẻ con thường rất nghịch ngợm và bừa bộn, nhưng nếu bố mẹ sẵn sàng cho con cơ hội để làm việc nhà thì chúng hoàn toàn có thể giúp đỡ bạn những công việc đơn giản.

Việc cần làm trước tiên là các bố mẹ hãy cho con cơ hội, hướng dẫn và chỉ dạy cho con cách làm việc nhà, sắp xếp đồ dùng và sử dụng các dụng cụ lau chùi nhà cửa cơ bản. Nếu bạn cảm thấy những điều trên thật khó khăn, hãy thử tham khảo 6 ý tưởng thú vị và hữu ích dưới đây!

1. Làm gương cho trẻ và đặt ra nguyên tắc để khuyến khích trẻ ngăn nắp hơn

Trước tiên hãy làm gương cho trẻ bằng cách nhặt, thu gom những món đồ chơi vương vãi và khuyến khích trẻ cũng làm giống như bạn. Trong trường hợp trẻ không chịu và nhất định để đồ chơi rơi khắp nhà thì bạn có thể sử dụng biện pháp “mạnh”, đó là nguyên tắc đồ chơi không nhặt sau một ngày sẽ bị tịch thu và vứt đi. Lưu ý rằng bạn phải là người đầu tiên tuân thủ nguyên tắc này và đừng bị lay động vì bất kỳ lí do gì. Khi “thời hạn” tới, vì không muốn bị mất món đồ chơi yêu thích, chắc chắn trẻ sẽ tự khắc cất gọn gàng và làm đúng như bạn hướng dẫn.

Luôn khuyến khích và nhắc trẻ nhặt đồ chơi thường xuyên nêu bạn không muốn căn phòng như vừa phải trải qua một trận bão lớn. Và quan trọng hơn, bạn sẽ hình thành được ý thức ngăn nắp cho trẻ từng ngày mà không cần phải quát tháo ầm ĩ.

2. Quy định rõ ràng các vị trí “tập kết” cụ thể

Đây là một điều rất quan trọng khi bạn nhắc nhở và yêu cầu trẻ cất đồ chơi, sách bút. Hãy chắc chắn rằng đồ chơi, sách, quần áo của trẻ,… đều có một vị trí cụ thể để trẻ biết có thể lấy và cất chúng ở đâu. Bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để tổ chức và sắp xếp cho trẻ, giúp trẻ có thể dễ dàng đặt và xếp đồ dùng vào đúng nơi, đúng chỗ được quy định.

{keywords}

3. Cho trẻ tham gia vào những công việc nhà đơn giản

Trẻ thường đặc biệt thích thú khi được giao trách nhiệm và trở thành người có vai trò quan trọng trong một nhiệm vụ nào đó. Trẻ hoàn toàn không biết rằng hầu hết người lớn chúng ta không hề thích việc lau chùi và dọn dẹp nhà cửa. Nếu bạn giao nhiệm vụ và làm cho trẻ thích thú với công việc đó thì chắc chăn rằng trẻ sẽ làm việc một cách vui vẻ và hào hứng.

Có rất nhiều cách để biến những công việc nhàm chán đó trở nên thú vị hơn khi có sự tham gia của con yêu, dưới đây là một danh sách nhỏ để bạn tham khảo:

- Tưới cây: Nếu cây đặt trong nhà, bạn có thể cho trẻ nhặt vài viên đá lạnh đặt vào chậu cây thay vì dùng bình tưới. Với cây ngoài vườn, bạn nên chuẩn bị loại bình nhỏ (có thể sử dụng bình trong bộ đồ chơi) để trẻ tập tưới cây.

- Nhồi gối: Sau khi giặt xong, bông gối thường bị xô, hãy chỉ cho trẻ cách nhồi bông bằng các động tác đơn giản.

- Phủi bụi: Bằng một chiếc chổi “phép thuật” chỉ trong nháy mắt bàn ghế và mặt tủ sẽ sạch bong nhờ tay nghề của “phù thuỷ” tí hon.

Một số công việc nhỏ khác mà bạn có thể để trẻ làm:

- Lau tay nắm cửa

- Xếp bàn ăn

- Quét/lau sạch vụn bánh mà trẻ làm vương vãi

- Chọn sẵn những bộ quần áo mặc tới trường cho ngày hôm sau

- Gấp quần áo, tất, khan

Bạn cần lưu tâm rằng, khi trẻ lớn hơn một chút, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc rèn cho trẻ làm việc nhà. Hãy bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ và cân nhắc những công việc nhà phù hợp với khả năng, tầm vóc của trẻ. Giúp trẻ luôn cảm thấy hứng khởi khi được giao việc và làm cùng bố mẹ.

{keywords}

4. Có những phần thưởng xứng đáng để tạo động lực cho trẻ

Bạn đang dạy cho trẻ một kỹ năng để trẻ có thể ứng dụng cho đến suốt đời nên phần thưởng sẽ là một cách rất tốt để trẻ luôn có động lực học hỏi. Các phần thưởng không cần cầu kỳ hay to lớn, đơn giản là một cây kem, hay được xem TV thêm 30 phút. Khen thưởng cũng là sự ghi nhận của bạn đối với những cố gắng và khó khăn của trẻ khi làm các công việc được giao. Động viên, khích lệ và cho trẻ biết bạn tự hào về những việc trẻ đã làm được rất tốt, chắc chắn trẻ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn nhiều hơn.

5. Lập bảng danh sách những công việc và chức năng trẻ cần thực hiện

Bạn không cần phải ra rả nhắc trẻ phải làm việc nhà mỗi ngày, với các bảng danh sách được bạn chuẩn bị và treo ở những nơi trẻ có thể nhìn thấy dễ dàng nhất, đây sẽ là một cách vô cùng hữu hiệu để tạo nhắc nhở và động lực làm việc cho trẻ mà không phải tạo sức ép hay gây căng thẳng.

6. Tổng kết cuối ngày

Trước khi đi ngủ bạn hãy nhắc trẻ quan sát xung quanh nhà xem có còn đồ vật, đồ chơi, sách vở chưa được xếp gọn hay không. Chắc hẳn sẽ có lúc bạn phải đối mặt với cảnh trẻ làm biếng và phàn nàn về việc phải dọn đồ nhiều như vậy, nhưng hãy luôn bình tĩnh thay vì tức giận và nghiêm túc giải thích với trẻ rằng “Nếu con có thể bày đồ chơi ra khắp nhà như vậy thì con chắc chắn sẽ gom được chúng lại.

Và nếu việc này với con là quá khó khăn vì con có quá nhiều đồ chơi thì bố mẹ rất vui lòng gửi tặng chúng cho những bạn nhỏ không có nhiều đồ chơi như con!”. Mặc dù không vui khi nghe thấy điều này nhưng đây sẽ là một cách khiến trẻ đi vào nề nếp nhanh hơn và chịu khó thu dọn, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp hơn.

Nếu bạn thực hiện theo các bước đơn giản ở trên, bạn sẽ nhận thấy một sự khác biệt rất lớn trong nhà mình! Không nên đòi hỏi ở trẻ một sự hoàn hảo ngay tức thì, bạn hãy dành thời gian và một chút công sức để giúp trẻ và tạo động lực cho trẻ mỗi ngày.

(Theo Trí Thức Trẻ)