{keywords}
{keywords}

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (32 tuổi) và anh Huỳnh Quốc Tín, chủ một công ty thiết kế thời trang ở quận 7, TP.HCM, từng được nhiều người biết đến khi nhận nuôi và chữa chân cho bé Vàng Thị Pàng (7 tuổi) cuối năm 2017.

Những ngày cuối năm 2018, vừa chăm con nhỏ vừa điều phối công ty nên chị chẳng còn thời gian rảnh.

Ở quê, bà nội bé Pàng bị ốm. Muốn cùng Pàng về quê thăm bà và họ hàng sau hơn một năm xa cách, nhưng không sắp xếp được thời gian, chị Phương phải nhờ mẹ đẻ đưa con gái về giúp.

Chiều ngày 17/1, Pàng cùng bà ngoại lên máy bay về thăm quê. Tiễn con gái đi, anh Tín dặn đủ điều, từ ăn uống, tập đi cũng như cách giữ ấm giữa trời lạnh.

Chị Phương, dù đã chuẩn bị đầy đủ đồ ấm cho con nhưng không thôi lo lắng: “Bé ở TP.HCM khí hậu ấm quen rồi, giờ ra đó đang mùa lạnh không biết có bị bệnh không?”.

{keywords}

Vợ chồng chị Phương và bé Pàng gặp nhau cuối năm 2017.

Khi đó, một người tài xế chở hàng qua Mường Lát (Thanh Hóa), thấy một bé gái ở trần, hai chân bị tật, bò lê chơi một mình giữa trời đông lạnh giá nên dừng lại cho em một quả cam. Người này quay clip đăng lên mạng xã hội kèm lời khẩn cầu, ai đó 'cho bé một đôi chân để đi'.

Chị Phương khi đó đã có hai con, một trai, một gái và đang mang thai lần ba. Hai vợ chồng dự tính, cuối năm sẽ đổi chiếc ô tô đắt tiền làm phương tiện đi lại cho cả nhà.

Tối ngày 22/12/2017, chị vào Facebook và xem được đoạn clip trên. “Ba mẹ ở đâu mà để con như vậy? Không biết con bé có bị người ta xâm hại không?”, chị lo lắng và nghĩ cần phải làm gì đó giúp Pàng.

{keywords}

Anh Tín xem đoạn clip cũng không khỏi xúc động: “Tôi mặc quần áo đầy đủ, ra đường ngày cuối năm còn thấy lạnh. Bé còn nhỏ xíu, trời mùa đông lạnh như vậy mà không quần áo sao chịu nổi”.

Họ quyết định gác công việc, gửi hai con nhỏ cho bố mẹ rồi đến Mường Lát gặp Pàng với suy nghĩ ban đầu, chỉ cho áo ấm, tiền và quà rồi về.

Ngày 23/12/2017, vợ chồng họ đi máy bay ra Hà Nội rồi bắt taxi đến Mường Lát. Đường đèo lại lầy lội nên hai vợ chồng phải đi từ sáng sớm đến tối mịt mới tới.

Đang mang thai, cả ngày ngồi trên xe, chị Phương mệt nhoài muốn bỏ cuộc nhưng khi nghĩ đến Pàng đang chịu lạnh, chị lại quyết tâm.

{keywords}
{keywords}

“Đến nơi, nhìn Pàng ở trần, lết theo nhóm bạn chơi bên hồ nước, mặt mũi lấm lem, da đỏ ửng vì rét, người tôi lạnh toát”, chị Phương nhớ lại. Chị nghẹn ngào hơn khi bước vào căn nhà tranh rách nát, các vật dụng từ quần áo, xoong nồi để vương vãi trên sàn.

Chị Dợ (mẹ Pàng) đầu tóc bù xù, đang ngồi ăn cơm trắng với muối hạt, thấy khách vào vẫn thản nhiên xúc ăn, lâu lâu lại ngước lên nhìn ngơ ngác. Hỏi sao không mặc áo quần cho con, chị lắc đầu, ý nói không hiểu.

{keywords}

Chị Dợ bị bệnh tâm thần phải nuôi bốn con nhỏ khi chồng đã mất, cứ thấy ai mặc quần áo cho Pàng là chị lột sạch, vì thế em cứ trần truồng dù trời mưa, nắng hay trời đông lạnh giá. Biết chuyện, tim anh Tín như thắt lại.

“Một đứa trẻ phải được ba mẹ yêu thương, chăm sóc và bao bọc. Pàng là đứa trẻ kém may mắn và thiếu người chăm sóc. Nếu mình có cho tiền, quần áo, đồ ăn chưa chắc là điều tốt. Tôi đến đây thì không về được”, anh Tín nói.

Nghe chị Phương nói sẽ đưa Pàng đi chữa chân, chị Dợ gật đầu lia lịa. Chị nói bằng tiếng địa phương: “Thương con, nhưng lúc tỉnh tôi còn biết, lúc lên cơn tôi chẳng biết gì cả”.

{keywords}

Sau khi trình báo chính quyền địa phương, ngày 27/12/2017, vợ chồng chị Phương đưa Pàng vào Sài Gòn, quyết định dùng số tiền mua ô tô, tivi đời mới chữa chân cho em. Hơn một năm qua, anh chị ngược xuôi tìm nơi thăm khám, chữa bệnh và tìm người dạy kiến thức văn hoá cho em.

Nghe các bác sĩ nói, việc Pàng đi được đòi hỏi em và người nuôi dưỡng phải kiên trì, chị Phương lạc quan: “Ba mẹ sẽ đồng hành cùng con. Gắng lên Pàng nhé”.

{keywords}

Những ngày đầu về nhà mới, Pàng lạ chỗ nên khóc. Đêm đến, nhớ mẹ, lần đầu được nằm nệm và máy lạnh kèm những cơn đau do xương ở chân co rút vì ít vận động làm em khó chịu, vợ chồng chị Phương phải thức trông chừng.

Việc ăn uống với cũng khó khăn vì em không biết cầm đũa, cầm thìa xúc ăn. Được chị Phương đưa cho nửa bắp ngô, em cho vào miệng nhai ngấu nghiến. “Tôi đưa rồi quay qua làm việc, lúc nhìn lại con ăn chỉ còn một ít cùi. Chắc con tự vệ để sinh tồn quen rồi”, chị Phương nói, tay ôm Pàng áp vào ngực mình.

Những ngày cuối tháng 1/2018, Pàng ăn gì cũng không tiêu, đi vệ sinh không như ý, lâu lâu em lại nhăn mặt vì đau. “Ban đầu tôi nghĩ con bị tiêu hoá nên mua thuốc cho uống nhưng chẳng đỡ. Đi khám, làm các xét nghiệm thì con bị sỏi thận”, chị viết trên trang cá nhân.

Ngày 16/1/2018, Pàng vào phòng mổ sỏi thận. Nhìn con khóc vì đau và sợ, anh Tín thương nhưng chỉ biết ôm con động viên. Những ngày sau đó, anh cùng vợ túc trực bên con, đưa em đi dạo rồi chở các em vào động viên chị Pàng.

Tháng 4/2018, Pàng đã tự vịn và đứng, đi được thì chị Phương hay tin, chị Dợ qua đời không rõ nguyên nhân. “Em còn nhớ cách đây hơn hai tháng chị còn tỉnh táo lắm. Lúc đó, em hứa chữa chân cho Pàng xong sẽ đưa con về với chị.

Chị đã đồng ý và vui lắm. Vậy mà những lời hứa chưa thực hiện được chị đã đi rồi”, chị Phương viết trên trang cá nhân, đồng thời quyết định nhận bé Pàng là con nuôi.

{keywords}

Hiện nay, vợ chồng chị Phương đang tích cực chữa chân cho Pàng và dạy em học chữ, đếm số, nói tiếng Kinh. Như hiểu những vất vả của ba mẹ, Pàng luôn vui cười, thân thiện và hợp tác với các thầy cô tập vật lý trị liệu, học kiến thức văn hoá.

Em không chỉ tự vịn đi được mà con biết đọc bảng chữ cái, các chữ số. Em cũng biết gọi tên ông bà, ba mẹ, tên các em, hát được nhiều bài hát của trẻ em.

Nhìn con gái lớn lên từng ngày, anh Tín không giấu được niềm vui. “Chặng đường tìm được bước đi cho con còn rất dài và khó khăn, đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng tôi tin Pàng sẽ làm được. Cầu mong con luôn vui, mạnh khỏe và phép màu sẽ đến với con”, anh Tín nói.

Biết bà nội Pàng đã hơn 80 tuổi mà phải nuôi ba cháu nội (các anh chị em Pàng), đang ở trong căn nhà dột nát, vợ chồng chị Phương bỏ tiền, vận động thêm kinh phí xây cho bà căn nhà, lo những bữa ăn cho mấy bà cháu. 

Trước đó, vợ chồng họ cũng giúp một cô bé sống lang thang, mồ côi mẹ và đang có dấu hiệu bị lừa làm việc xấu. Sau khi được vợ chồng chị Phương cưu mang, em đã gọi chị Phương- anh Tín là ba mẹ. Hiện, nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ nuôi, em đã tự mở được một cửa hàng ăn ở quận 7.

{keywords}

“Vợ chồng tôi đi lên từ hai bàn tay trắng. Bây giờ, cuộc sống khá hơn, tôi muốn giúp những người khác. Thời gian tới, nếu có điều kiện tôi sẽ đi tìm một bé gái cũng có hoàn cảnh giống Pàng để giúp đỡ. Bé đang ở Sa Pa, tôi nhìn thấy hình trên mạng nhưng chưa đi gặp được”, chị Phương nói.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, phó trưởng khoa phục hồi chức năng, Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật (TP.HCM) cho biết, bé Pàng đang học và chữa chân bằng phương pháp tập vật lý trị liệu tại trung tâm từ tháng 9/2018 đến nay. Hiện tại, các cô đang tích cực tập đi cho em, dạy em làm một số việc cá nhân như tự đi vệ sinh, rửa mặt, nhận biết đồ vật, màu sắc.

“Mới học ở trung tâm được hơn bốn tháng nhưng Pàng tiếp thu nhanh, ngoan, hòa đồng với thầy cô và các bạn”, cô Tuyết nói.

Tú Anh

Thiết kế: Diễm Anh