{keywords}
{keywords}

 

{keywords}

 

70 năm trôi qua nhưng những giây phút ban đầu gặp gỡ người chồng quá cố vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ cụ bà Nguyễn Thị Tề (SN 1934, Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Người phụ nữ lớn tuổi, có mái tóc bạc và nụ cười hiền hậu là con gái thứ hai trong gia đình có ba người con ở làng Cót (Cầu Giấy, Hà Nội).

Thuở nhỏ, anh trai vắng nhà, cụ phải cáng đáng việc nhà, phụ bố mẹ và chăm sóc cô em gái út.

Năm 13 tuổi, cụ theo gia đình về tản cư ở Bảo Tháp (Vĩnh Phúc). Ở vùng đất tạm cư này, cụ gặp gỡ cụ ông Nguyễn Viết Tường (SN 1931), con trai chủ tiệm thuốc đông y. Cụ Tường vốn là người cùng làng Cót với cụ Tề nhưng khác xóm.

{keywords}

Bố mẹ cụ Tường mất sớm, một mình người anh cả Nguyễn Viết Trứ nuôi 4 em ăn học.

Năm tản cư, cụ Trứ đưa các em về làng Phúc Yên (Vĩnh Phúc) sống, mở cửa tiệm đóng giày. Cụ Trứ vốn có mối giao tình với anh trai cụ Tề, từng có ý kết thông gia, định làm mối cụ Tề cho người em thứ 3. Tuy nhiên, sau đó người em này lập gia đình với người khác.

Một lần qua nhà cụ Tề chơi, cụ Trứ nhắc lại chuyện cũ và ngỏ ý xin cưới cụ Tề cho em trai út là cụ Tường. Được sự đồng ý của hai bên gia đình, cụ Tề và cụ Tường qua lại, tìm hiểu nhau.

Ở tuổi trăng tròn, cụ Tề mang nét đẹp giản dị, thanh lịch của con gái Hà Nội xưa. 16 tuổi, cụ về làm dâu nhà chồng rồi lần lượt sinh 3 người con trai, 2 người con gái.

Giọng bồi hồi, cụ kể, đám cưới của cụ diễn ra hết sức đạm bạc tại làng Bảo Tháp. Ngày cưới có gia đình và người thân quen đến dự. Sau đó, cụ Tường đến ở rể nhà vợ.

Giai đoạn quay lại Hà Nội sinh sống, vợ chồng cụ Tề mở cửa hàng thuốc đông y. Đầu 1952, gia đình cụ chính thức chuyển về phố Hàng Cân ở cho đến nay.

Giải Phóng thủ đô, cụ Tường xin vào Hợp tác xã sản xuất làm việc còn cụ Tề bán đồ dùng văn phòng phẩm.

‘Bên nhau nhiều năm, ông nhà tôi không nặng lời với vợ bao giờ. Lần duy nhất ông trách tôi là từ thời bao cấp.

Hôm đó, tôi bán 1 tờ giấy trang kim (dùng gói quà, làm thủ công) và quên chưa vào sổ. Chồng phát hiện ra, chỉ nói: ‘Em giỏi nhỉ? Nhỡ người ta kiểm tra, thấy thiếu 1 tờ, tưởng mình buôn gian, bán lận thì sao?’’, cụ Tề nhớ lại.

Trong hồi ức của người phụ nữ Hà thành, ông nhà là người vui tính, chiều chuộng vợ con. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, lớn lên với anh, chị, chịu đựng nhiều gian khó nên khi có gia đình riêng, cụ Tường dành hết tình yêu để vun đắp, che chở cho vợ con.

Ngày mới chung sống, mỗi lần cụ Tề đi chợ, cụ Tường hay mang máy ảnh ra chờ sẵn ở đầu làng, ghi những khoảnh khắc đời thường của vợ.

‘Ông nhà tôi mê chụp ảnh và phần lớn các tác phẩm của ông ấy đều chụp vợ con’, cụ Tề kể.

Năm 2001, cụ Tường tạ thế, để lại cho cụ Tề sự hụt hẫng. Nửa năm chồng ra đi, cụ Tề mất ăn, mất ngủ đến mức sụt cân.

Cũng từ đấy, cụ chỉ thích người ta gọi tên mình là bà Tường - tên của chồng, để cảm giác, sự hiện hữu của người bạn đời vẫn còn đâu đây, trong ngôi nhà nhỏ giữa khu phố cổ.

Có lẽ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của hai cụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hôn nhân của các con sau này. Vì vậy, anh - em, vợ - chồng các con, cháu của cụ vô cùng hòa thuận dù 4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà.

{keywords}

Ít ai biết, trong căn nhà 24 phố Hàng Cân, 4 thế hệ trong gia đình cụ Tề cùng chung sống thuận hòa, đoàn kết hơn 40 năm nay.

Hai cô con gái lấy chồng, ở chỗ khác nhưng 3 người con trai lấy vợ vẫn sống cùng bố mẹ từ năm 1974. Chia sẻ lý do giữ được gia đình êm ấm, cụ Tề bộc bạch, phần chi tiêu sinh hoạt, hai cụ đều chủ đạo.

Hàng ngày, cụ để một khoản tiền trong tủ, ai đi chợ thì lấy tiền mua bán. Ngược lại, ai ở nhà sẽ phụ trách nấu cơm, dọn dẹp. Như vậy, không con nào so bì thiệt hơn về kinh tế.

Cụ Tề khẳng định, các con dâu rất tự giác, người con dâu cả quán xuyến việc chung, còn hai cô dâu út thay phiên nấu nướng. Khi có xung đột xảy ra, cụ không mắng mỏ mà thường gọi các con ra phân tích, chỉ bảo.

{keywords}

‘Mỗi đứa một tính, không hài lòng là các con nói thẳng nhưng chỉ một lúc lại cười như pháo nổ với nhau’, cụ Tề nói tiếp.

Cụ cho biết thêm, hai vợ chồng cụ tuyệt đối không xưng hô mày - tao với nhau. Ngay cả các con, cụ đều gọi tên lịch sự. Tiếp bước cụ, các con từ trai - gái, dâu - rể, các cháu … chưa bao giờ to tiếng.

‘Người Hà Nội dùng ngôn từ chuẩn xác, thanh âm nhỏ nhẹ, không dùng từ ngữ tô tục, sỗ sàng. Lúc nào trò chuyện với ai cũng thể hiện sự tôn trọng.

Các cụ xưa dạy rồi, ‘Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Với người ngoài phải lịch thiệp, tại sao chung một máu mủ, một gia đình lại không làm vậy?

Khi cần mua bán hay làm việc gì, bao giờ tôi cũng nói ‘Con mua giúp mẹ’ hoặc ‘Mẹ nhờ con’, không có chuyện nói năng trịch thượng, ra vẻ người trên sai bảo kẻ dưới.

{keywords}

Người lớn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ con cháu. Muốn đoàn kết, bản thân mỗi người phải biết giữ nếp nhà, kính trên, nhường dưới. Vợ chồng tôi cư xử thế nào, các con cứ thế mà học’, cụ Tề tâm sự.

Đại gia đình ‘tứ đại đồng đường’ nhà cụ Tề vẫn giữ nếp ăn chung một mâm, nấu cùng một bếp cho đến năm 2005.

Khi hai người cháu nội lập gia đình riêng, để thuận tiện cho giờ giấc của các thành viên, gia đình cụ ăn riêng.

Tuy vậy, vào các dịp giỗ Tết, việc đại sự hoặc trong nhà có chuyện vui, tất cả các thành viên lại quây quần, hẹn ăn một bữa cơm chung. Đặc biệt, ngày 30 Tết, dù ai bận bịu ra sao cũng cố gắng nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng, đứng trước ban thờ báo cáo hoạt động 1 năm với tổ tiên và người đã khuất núi, sau đó cùng dùng cơm.

‘Mâm cơm Tết nhà tôi cũng như bao gia đình Hà Nội khác. Các món ăn đủ các vị từ chua, cay, mặn, ngọt đều đủ cả. Cũng có canh bóng, canh măng, chả nem… Khi xếp mâm, cố gắng sao cho đẹp mắt.

Bữa cỗ sum họp không chỉ là ăn uống mà còn là giây phút lắng đọng, kết nối các thành viên thêm gắn bó’, cụ Tề cho hay.

{keywords}
{keywords}

Gần về trưa, bà Nguyễn Thị Kim Quy (SN 1955), con dâu trưởng của cụ Tề, vào căn bếp chung để chuẩn bị bữa trưa. Bà đón từ tay em dâu vừa ở chợ về túi rau củ, thức ăn.

Vừa chuẩn bị rau ngót để nấu bữa trưa, bà Kim Quy vừa nói: ‘Tôi về làm dâu từ năm 1974 và sinh sống ở đây cho đến nay. 65 năm, dưới một mái nhà có nhiều thế hệ, chúng tôi vẫn sinh hoạt rất hòa thuận, vui vẻ’.

Bí quyết để có sự hòa hợp với nhà chồng của bà Quy, chính là quan điểm và cách nhìn nhận các mối quan hệ. ‘Tôi coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ và ông bà cũng xem chúng tôi như vậy’, bà nói.

{keywords}

Bà Quy kể, ngày trước, khi bà mang thai con trai đầu lòng, chồng bận công việc, bố chồng còn chở bà đi khám thai. Khi bà sinh con, bố mẹ chồng còn thức đêm trông cháu cho con dâu nghỉ ngơi.

‘Phụ nữ trải qua sinh nở là lúc cần nhất sự giúp đỡ, hỗ trợ. Những lúc như vậy, tôi đều có bố mẹ chồng ở bên. Sau này, bố chồng mất, vào những mùa hè, hội phụ nữ, hội cao tuổi của phường tổ chức đi du lịch, tôi với mẹ chồng vẫn thường đi với nhau’, bà nói.

Kỷ niệm bà Quy nhớ nhất là vào 2015, đám cưới một người cháu ở Nha Trang, gia đình nhà chồng của bà Quy đã tổ chức một chuyến đi hơn 20 người đi tàu vào Nha Trang dự đám cưới.

‘Chuyến đi rất vui. Đặc biệt hơn, mẹ chồng tôi còn mời 3 người thông gia của tôi (bà Quy có 3 con đã lập gia đình) đi cùng chuyến đi đó. Điều đó khiến tôi rất cảm động’, bà kể thêm.

Không chỉ với bố mẹ chồng, tình cảm bà Quy đối với các chị em dâu trong nhà đều rất hòa thuận.

‘Tôi làm dâu đến năm 1982, thì có em dâu thứ 2 về. Chị em thường bầu bạn với nhau. Chúng tôi thường đi chợ, sau đó đi uống cà phê với nhau. Mấy chục năm nay đều như vậy. Vào các ngày lễ Tết, 3 chị em lại bảo ban nhau người đi chợ, người nấu nướng để làm mâm cỗ’.

Đang nói chuyện, chị Diệu Hoa, cháu dâu cả của bà Quy, đi làm về. Vừa dựng xe, người cháu dâu này bàn với mẹ về bữa cơm trưa.

Theo bà Quy, bàn tròn bằng gỗ dùng làm chỗ tiếp khách và chỗ ăn cơm, những xoong nồi đã gắn bó với bữa cơm chung mấy chục năm vẫn được giữ nguyên vẹn và thường được sử dụng trong những bữa cơm chung của đại gia đình.

Nhà chật, người thì đông, các thành viên trong gia đình không thể ăn chung một lần được. Ai có công việc, các cháu phải đi học… có thể ăn trước, những người về sau ăn cơm sau.

{keywords}

Cụ Tề cũng có nhiều kỷ niệm với các con dâu. Cụ nói, mỗi người con dâu có mỗi tính cách khác nhau. Mấy chục năm sống chung, họ đều biết tính cách của nhau vì vậy dễ thấu hiểu, tôn trọng nhau hơn.

‘Vào dịp sinh nhật hàng năm, tôi thường được các con dâu mua tặng dép, áo, khăn… Cả nhà thường đưa nhau đi ăn ở nhà hàng, sau đó đi chụp một bức ảnh kỷ niệm của đại gia đình’, vừa nói bà vừa chỉ lên tấm ảnh gia đình có 44 người đang treo trên tường.

Cụ kể thêm: ‘Con dâu thứ hai của tôi chỉ có một mẹ một con. Nhiều lúc, mẹ con tranh cãi nhau, bà thông gia còn sang đây ‘mách tội’ con gái bà với tôi. Những lần như thế, tôi đều đùa: ‘Bà gọi nó về, đánh cho một trận’. Cả hai lại cười vang nhà’.

Cụ Tề cũng kể thêm, sau khi người thông gia mất, căn nhà của con dâu thứ hai để không nhưng bà vẫn không về ở mà để cho thuê.

‘Các con muốn ở đây, về bên kia ít người, thoải mái nhưng lại buồn. Nếu sau này, các con có điều kiện kinh tế muốn ở riêng, tôi đều tôn trọng các quyết định của con’, cụ nói.

Bài và ảnh: Diệu Bình - Ngọc Trang

Thiết kế: Phạm Luyện