Rất ít người đã biết đến mức độ nguy hiểm của ớt với trẻ nhỏ. Ớt không chỉ cay và khiến trẻ sợ mà thậm chí có thể dẫn đến tử vong rất xót xa.

Ngay cả người trưởng thành nhiều người cũng không chịu được vị cay bỏng lưỡi của ớt, trẻ em với vị giác nhạy cảm và non nớt hơn càng sợ cảm giác này. Và không chỉ đơn giản là khiến trẻ sợ, mức độ nguy hiểm của ớt còn lớn đến mức khiến đứa trẻ vô tình ăn phải có thể bị suy hô hấp dẫn đến tử vong thậm chí kể cả khi đã được chạy chữa.

Vào đầu năm 2013, tại Mỹ có báo cáo một bé gái 2 tuổi bị ép ăn ớt bột, khiến bé bị co giật dẫn đến tử vong. Gần đây, lại có thêm một trường hợp cũng là bé gái 2 tuổi, cũng không may tử vong, chỉ khác ở nguyên nhân là chính bé đã tò mò cắn thử một miếng ớt cay.

{keywords}

(Ảnh: Internet)

Khám nghiệm tử thi do Viện Nghiên cứu Y khoa toàn Ấn (AIIMS) tiến hành cho biết cái chết của bé gây ra do dịch dạ dày đã tràn vào đường hô hấp. Sự việc xảy ra cách đây vài tháng, và mới đây đã chính thức được công bố trên tạp chí Medico-Legal Journal. Báo cáo này cho biết bé gái bị ho và nôn ói nhiều lần sau khi ăn ớt, dẫn đến tràn dịch vào đường thở. Bé đã bất tỉnh khi được đưa đến bệnh viện địa phương, và dù được cố gắng cấp cứu nhưng bé vẫn tử vong trong vòng 24 giờ sau đó.

Bác sỹ Chittaranjan Behera, bác sỹ khám nghiệm, cho tờ Times of India biết: “Việc dịch dạ dày gây ra suy hô hấp dẫn đến tử vong thật ra không phải là hiếm. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên như vậy liên quan đến một mẩu ớt mà chúng tôi ghi nhận được.” Ông cũng thêm rằng bình thường, cơ thể chúng ta có cơ chế tự bảo vệ chống lại những rủi ro tràn dịch dạ dày hoặc chất nôn vào khí quản - gây ra do hành động ho, nôn ói. Nhưng trong trường hợp của đứa trẻ xấu số trên, có khả năng phản xạ này chưa đủ phát triển, hoặc đã ngưng hoạt động khi bé bị bất tỉnh, và cuối cùng dẫn đến tử vong. Bác sỹ cũng cho biết ở người trường thành, trường hợp tương tự có thể xảy ra ở những người nghiện rượu, với các phản xạ cơ thể đã bị vô hiệu hóa do tình trạng mất ý thức khi quá say.

Do trẻ em chưa thể phân biệt mình ăn được gì và không ăn được gì, nên các bậc phụ huynh cần đảm bảo những thứ như ớt cần được giữ cẩn thận ngoài tầm tay của các bé.

Ớt là loại quả gia vị rất phổ biến trong các gia đình Việt, dù không ai chủ ý cho con ăn nhưng khi nhìn thấy, bé rất dễ tò mò, ăn thử “khi có cơ hội” người lớn không chú ý. Nếu bé chẳng may đã ăn phải ớt và khóc ré lên vì cay, hãy cho bé uống sữa hoặc súc miệng bằng sữa - không phải nước mà chỉ sữa mới thật sự giúp làm trôi đi vị cay trong miệng. Bạn cũng có thể cố gắng bảo bé nhai kỹ cơm hoặc bánh mỳ.

Ngoài ra, nếu bé nôn thì cần để bé nằm nghiêng sang trái, đầu hơi cao hoặc ngồi hẳn dậy để tránh chất nôn tràn vào khí quản, thậm chí tràn vào phổi. Nếu thấy bé bị sặc, không được tìm cách dùng tay moi chất nôn ra mà nên để bé nằm sấp trên đùi và vỗ vào lưng bé (phần giữa hai vai) để tống chất nôn ra ngoài; sau khi chất nôn đã được tống ra thì lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

(Theo Trí Thức Trẻ)