Cửa kính, cạnh bàn, ti vi thậm chí là ly nước đều tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường cho trẻ nhỏ, nhất là khi trẻ nghỉ hè, được ở nhà chơi và không có người giám sát kỹ.

Bé 3 tuổi đứt động mạch chủ cánh tay do va phải cửa kính

Hàng năm, cứ đến kì nghỉ hè là thời điểm gia tăng các ca chấn thương ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO cho hay: “Những tai nạn từ sinh hoạt của trẻ nhỏ thường rất đơn giản nên cha mẹ dễ bỏ qua. Ví dụ như bé ngồi trên ghế chơi, đập đồ vào bàn kính khiến cho kính vỡ, trẻ ngã chống tay vào mảnh kính vỡ rất nguy hiểm. Hay như trẻ chơi đùa, xô đổ ti vi, bị mảnh ti vi làm tổn thương, chảy máu. Có những trường hợp trẻ nhỏ uống nước ngọt rồi làm vỡ chai cũng khiến cho mảnh vỡ cắt vào tay…”.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng tiếp nhận một bệnh nhân 3 tuổi tại Quy Nhơn. Bé chơi đùa trong nhà chẳng may chạy va vào cửa kính và bị kính cắt vào cánh tay. Vết thương của bé không rộng nhưng chảy rất nhiều máu do cánh tay thường là nơi tập trung nhiều mạch máu, dây thần kinh lớn. Bé đã được người nhà kịp thời đưa đến bệnh viện Quy Nhơn và được các bác sĩ tại đây nối lại động mạch chủ mạch máu và khâu lại.

{keywords}

Cánh tay bé 3 tuổi bị chấn thương do va vào cánh cửa kính

“Đối với những trường hợp trẻ nhỏ bị tổn thương do kính cắt phải, vết thương thường rất sâu. Đặc biệt, những tổn thương ở vùng cánh tay nếu không được xử trí nối lại các mạch máu có nguy cơ hoại tử, mất cánh tay viễn vĩnh. Có những trường hợp còn bị tử vong do mất máu quá nhiều”, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, trường hợp của em bé tại Quy Nhơn đã rất may mắn được người nhà đưa tới bệnh viện kịp thời. Các bác sĩ đã nối được động mạch chủ giữ được tính mạng cho bé.

Sau đó, bé được phẫu thuật nối dây thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu tại Bệnh viện Sài Gòn ITO. Ca mổ nối lại các dây thần kinh nhỏ ở cánh tay phải thực hiện dưới kính hiển vi, độ khó rất cao và thời gian thực hiện thường kéo dài từ 4-6 tiếng. Hiện tại, sức khỏe của bé đã ổn định và cánh tay có thể cử động được.

Trẻ bể đầu do đập vào cạnh tường

Ngày 5/6, tại bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 6 tuổi, tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị trượt chân ngã va trán vào thành tường. Cú ngã của em bé đã khiến cho phần trán bị tổn thương và phải khâu 2 mũi.

Theo chia sẻ của bố em bé, do nghỉ hè không muốn cho con ở nhà một mình nên anh đã cho con theo tới xưởng làm. Trong lúc cùng bố đi ăn cơm, sàn nhà bếp trơn nên bé đã bị ngã nhào về phía trước. Cú ngã khá mạnh khiến bé bị chảy rất nhiều máu. Sau đó, bé được bố đưa tới bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, nơi bé có bảo hiểm để điều trị. Tại đây, bé đã được bác sĩ khâu lại vết thương và cho thuốc về điều trị ngoại trú.

Bất cứ đồ vật nào trong nhà đều dễ gây ra tai nạn

“Những tai nạn cắt phải tay, chân, chấn thương, chảy máu… ở trẻ nhỏ thường gia tăng trong những ngày hè. Thời gian nghỉ hè, nhu cầu vui chơi của trẻ thường rất lớn. Trẻ nhỏ có tính hiếu động, người lớn mà chủ quan, lơ là sẽ làm cho số tai nạn gia tăng”, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh nói.

Là người chứng kiến rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo: “Tuyệt đối không để trẻ nhỏ tự chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Cha mẹ cần lưu ý bất cứ vật dụng gì trong nhà đều có thể gây ra tai nạn cho trẻ. Như trẻ thích chơi trò đóng mở cửa cũng rất dễ bị kẹp tay. Và thực tế, tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp em nhỏ đã bị đứt lìa ngón tay hoặc bị dập móng do kẹp cửa. Trẻ đùa nghịch có thể bị va vào cạnh bàn, ghế, bàn là, phích nước, cốc nước, máy tập thể thao… Tất cả vật dụng trong nhà đều có thể ẩn chứa nguy cơ cho trẻ”.

Khi các bé gặp phải chấn thương chảy máu, bác sĩ cũng khuyên cha mẹ nên bình tĩnh sơ cứu và cầm máu cho con. Sau đó, cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ có chuyên môn điều trị.

Những chấn thương trẻ dễ gặp phải và cách phòng tránh trong dịp hè phụ huynh cần lưu tâm:

Bỏng: Không cho trẻ chơi gần bếp, để các đồ ăn nóng như canh, nước sôi lên cao.

Dị vật đường thở: Không cho trẻ ăn các thức ăn có hạt hoặc khi ăn cần phải lấy hết hạt cho trẻ.

Điện giật: Không để trẻ chơi gần các ổ điện, các ổ điện trong nhà cần phải dán hoặc che kín an toàn.

Đuối nước: Khi trẻ đi bơi, tắm phải có người lớn giám sát

Ong đốt: Không để trẻ chơi trong vườn, phát quang xung quanh nhà, dặn dò trẻ không được chọc phá tổ ong.

Rắn cắn: Tránh những nơi rắn hoạt động, khi cho con tham gia lớp học ngoại khóa khám phá rừng, đồng ruộng… cần phải trang bị giày cao cổ cho con.


(Theo Em Đẹp)